Lịch sử khắc ghi chiến thắng Điện Biên Phủ - đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Chiến thắng này góp phần quyết định đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia, góp phần quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có ý nghĩa to lớn, là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó, quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, của ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của Quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Có lần được gặp Đại tá Trần Thế Đề - người trực tiếp chỉ huy đại đội hai lần tấn công lên đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ông chia sẻ: “Nếu như toàn bộ trận Điện Biên Phủ kéo dài 55 ngày đêm thì trận đồi A1 đã 38 ngày đêm, còn các đồi khác chỉ 45 phút đến 2 tiếng. Ký ức đầu tiên về trận chiến đấu là nhận thức của bộ đội tham gia chiến dịch lúc đó rất quan trọng. Có thể nói là khoảng thời gian tột cùng của quyết tâm chiến đấu. Từ đó đến khi hành quân vào chiến dịch đã là một cuộc chiến đấu. Lúc đó đơn vị từ Thanh Hóa hành quân lên Điện Biên, chưa bao giờ cuộc hành quân mà kẻ địch đã theo dõi từ đầu, dùng máy bay oanh tạc, kiểm soát, chọc đường chúng ta trên không từ Thanh Hóa, qua Hòa Bình, lên Mộc Châu, Điện Biên Phủ. Khi vào chiến dịch, mưa to gió lớn, đường giao thông hào lụt cao, đi hành quân trong giao thông hào nước ngập đến ngực, đến bụng. Trận chiến ác liệt đến mức chiến đấu bên cạnh nhau, các cán bộ chiến sĩ người bị thương, người hi sinh không nghe tiếng kêu van, chiến đấu thầm lặng và chỉ nghe tiếng hô quyết tâm chiến đấu, chiến thắng”.
Đại tá Trần Thế Đề nguyên là Chánh Văn phòng Đoàn chuyên gia 478, nguyên Chính trị viên Đại đội 16, Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316). Đất nước thống nhất, Đại tá Trần Thế Đề tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế tại Phnôm Pênh (Campuchia) hơn 10 năm và đến năm 1988 chính thức nghỉ hưu. Với ông và những ai từng là một phần trong trận chiến huyền thoại ấy, đó là những ký ức không thể nào quên. Chiến thắng vĩ đại này đã làm cho ba tiếng “Điện Biên Phủ” trở thành biểu tượng của sức mạnh Việt Nam. Chiến thắng chính nghĩa lớn lao đó có được từ truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí quật cường, bất khuất, trí thông minh, sáng tạo, tình đoàn kết nhân ái. Đó là những nhân tố chủ yếu tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử. Tinh thần Điện Biên Phủ trước hết là tinh thần yêu nước, là tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Dư âm của tinh thần Điện Biên Phủ đã, đang và sẽ tiếp tục lan tỏa ảnh hưởng sâu rộng đến tình cảm, suy nghĩ và hành động của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Với tinh thần Điện Biên Phủ tròn 68 năm qua, điều đọng lại trong lòng hậu thế rằng, chúng ta có một quá khứ mà cha ông đã chọn cách sống quật cường vì nền độc lập quý giá của dân tộc. Tiếp lời sông núi thiêng liêng, mỗi người hãy có cái nhìn trân trọng lịch sử, lấy đó làm động lực để sống tốt, sống có ích, đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết. Bài học về lòng can đảm, quyết tâm và chiến thắng vượt lên mọi khó khăn vẫn còn vẹn nguyên đến nay. Đó là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.