Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh Niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên - khởi nguồn cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX. Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo “Thanh Niên” xuất bản số đầu tiên. Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định đổi tên gọi Ngày Báo chí Việt Nam là “Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”.
Suốt chặng đường lịch sử cách mạng của Đảng và Dân tộc ta, 97 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí cách mạng luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa; là công cụ sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, kịp thời lan tỏa để mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sớm đi vào cuộc sống; Phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực, góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; đấu tranh và phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Báo chí đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nhân tố mới, người tốt việc tốt. Báo chí đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa phẩm xấu len lỏi vào Việt Nam. Báo chí đã tổ chức khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội.
Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số trong thời đại 4.0, báo chí không còn là phương tiện truyền đạt thông tin chủ yếu trong xã hội. Ai cũng có thể sản xuất thông tin nhanh chóng, ai cũng có thể tiếp cận được nguồn tin tức khổng lồ từ mạng internet. Báo chí hiện nay đang ở trong tâm thế cạnh tranh trong xã hội thông tin khi vừa phải bảo đảm tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định sự đáng tin cậy của mình với công chúng. Đó là thử thách nhưng cũng là nơi thể hiện giá trị của báo chí.
Chính trong lúc thông tin cả thật lẫn giả, tiêu cực lẫn tích cực tràn ngập khắp nơi, bạn đọc cần ở người làm báo, tòa soạn báo là những nguồn tin chất lượng. Chị Bùi Thị Lan Oanh (Trưởng Phòng Nhân sự ACFC) cho biết: “Trên mạng giờ rất nhiều thông thông tin, không biết tin nào là đúng. Do đó mong nhà báo trước hết phải viết đúng. Viết đúng rồi thì mới viết hay và hấp dẫn hơn, thu hút hơn để có sức hút cạnh tranh chứ không phải “giựt title câu view”. Nhiều báo viết tin chuẩn nhưng viết theo lối cũ, không theo thị hiếu hoặc không trau chuốt hấp dẫn thì cũng không hay. Hình thức thế hiện dù trên website, fanpace…. cũng cần đa dạng. Ngày xưa độc giả tìm báo để đọc, nay phải xác định tính cạnh tranh vì quá nhiều báo và báo cần cải tiến mới để phù hợp với độc giả”.
Còn Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Học viện hành chính Quốc gia TPHCM) chia sẻ: “Làm báo thời nay rất khó. Tôi nghĩ báo chí nên nỗ lực phát triển theo hướng có nhiều sản phẩm phân tích chuyên sâu vì đưa tin nhanh thì mạng xã hội đã nhanh hơn rồi. Các bài viết cần có tính mới mẻ, vì tôi đọc báo thấy nhiều chủ đề lặp lại, báo chí có thể khai thác chủ đề cũ nhưng cách tiếp cận phải mới. Hơn nữa, thời đại ngày nay là thời của nghe nhìn, độc giả không có thời gian đọc bài dài, nên sản phẩm báo chí cần viết ngắn, tạo infographic…. Khi viết về vấn đề tiêu cực vẫn phải có cách nhìn tích cực, giải pháp. Viết về sự kiện tiêu cực thì phải có gợi ý, giải pháp cho những vấn đề liên quan, ví dụ viết về bạo lực học đường thì phải có những cách như cha mẹ dạy con như thế nào? Con bị bắt nạt thì cha mẹ phải làm như thế nào?”.
Còn chị Nguyễn Ngọc Thư (Giám đốc công ty du lịch Bitour) cho biết chị “mong đợi các nhà báo, các tòa soạn báo chắt lọc thông tin hơn để có những tin, bài ngắn gọn, súc tích, đi vào trọng tâm vấn đề, và độc giả cần những bài viết lan tỏa điều tích cực, tử tế trong cuộc sống vì các thông tin tiêu cực, “giựt gân” nhan nhản khắp nơi”.
Cần nhìn nhận không phải sự phát triển của công nghệ số khiến việc làm báo lâm vào thế khó. Về mặt bản chất, đó là động lực tạo cú hích cho sự phát triển của báo chí đúng với tiến bộ của thời đại. Chính những thay đổi trong cách tiếp nhận nguồn thông tin của độc giả là động lực (và cũng là áp lực) để báo chí có những thay đổi phù hợp.
Một mặt, người làm báo có nhiều cơ hội sáng tạo, nhiều nguồn tin đa dạng, nhiều cách thức thể hiện. Mặt khác, họ phải thích nghi và tận dụng sức mạnh công nghệ để cải tiến mô hình tác nghiệp, phương thức truyền tải thông tin. Quá trình thay đổi này mang lại những kinh nghiệm, kỹ năng làm báo hiện đại, như chuyển đổi mô hình báo chí truyền thống sang mô hình báo chí điện tử; thiết lập tòa soạn hội tụ; ứng dụng công nghệ đa phương tiện để đổi mới hình thức và nội dung báo chí; khai thác nền tảng di động, nền tảng kỹ thuật số,…
Rõ ràng, sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ đã mang lại những điều kiện thuận lợi cho quá trình tác nghiệp và sáng tạo các sản phẩm báo chí hay, có chất lượng cao của người làm báo, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Đổi mới và sáng tạo, nhanh nhạy và kịp thời, đồng thời phải luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức làm nghề - đó là những yếu tố cần thiết để nhà báo luôn đứng vững và khẳng định mình thời 4.0.