Ký ức trận đánh cầu Rạch Chiếc trước giờ giải phóng Sài Gòn

(VOH) - Trận chiến tại cầu Rạch Chiếc được xem là một trong những trận đánh ác liệt cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, tạo bàn đạp cho cánh Đông quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Trận chiến đấu lịch sử này bắt đầu từ 3 giờ sáng 28/4/1975. Ba tiểu đoàn của Lữ đoàn đặc công 316, gồm tiểu đoàn 81, Z22, Z23 cùng tác chiến. Cuộc chiến đấu hết sức ác liệt, có thời điểm lực lượng đặc công phải tạm thời lui về tuyến sau để bảo toàn lực lượng. Vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - ngày 30-4 hàng năm, những chiến sĩ đặc công Lữ đoàn 316 còn sống cùng người thân của 52 chiến sĩ Lữ đoàn 316 đã hy sinh, tới chân cầu Rạch Chiếc để thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ đã ngã xuống và nhớ về những kỷ niệm khó phai. 

Giữa tháng 4/1975, sau khi thất bại tại Xuân Lộc, địch co cụm về Sài Gòn tử thủ. Lúc này, cầu Rạch Chiếc - cửa ngõ phía Đông vào Sài Gòn được chính quyền Sài Gòn tăng cường khoảng 2.000 quân cùng nhiều vũ khí hiện đại để giữ cầu và sẵn sàng đánh sập để ngăn quân ta tiến vào Sài Gòn. Để chuẩn bị cho giải phóng Sài Gòn, ngày 25/4/1975, tiểu đoàn D81, Z22, Z23 thuộc Lữ đoàn Đặc công 316, được giao nhiệm vụ đánh chiếm và bảo vệ an toàn cầu Rạch Chiếc (cách trung tâm Sài Gòn khoảng 7 km về phía Đông) để đại quân tiến vào.

cầu Rạch Chiếc - xưa và nay

Ảnh: TTO

45 năm trôi qua, nhưng Trung úy Nguyễn Đức Thọ (đặc công nước thuộc Tiểu đoàn Z23), người được giao nhiệm vụ bắn phát B40 mở màn trận đánh cầu Rạch Chiếc trước cửa ngõ Sài Gòn vẫn bồi hồi khi nhớ lại trận đánh cầu Rạch Chiếc: “Mục tiêu ban đầu là chiếm đánh Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy ở Bến Bạch Đằng. Cho nên mới huấn luyện bọn tôi để đánh phá Bộ tư lệnh hải quân. Thế là chúng tôi đã làm công tác điều nghiên, nắm mục tiêu, khi đã tiến đến Thủ Đức đã tháng 9.1974. Lúc này, các đơn vị đã nhiều lần trinh sát, đắp sa bàn để tập đánh căn cứ Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy tại căn cứ Rừng Sác, dưới sông Thị Vải, lên sa bàn tập phương án tiến đánh Bộ Tư lệnh Hải quân. Nhưng đến ngày 25/4, mục tiêu thay đổi đột ngột, đột nhiên có lệnh từ cấp trên thay đổi mục tiêu, đơn vị không đánh Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy nữa mà bằng mọi giá đánh và bảo vệ bằng được cầu Rạch Chiếc, tuy nhiên anh em ở đây rất hào hứng bởi vì thời điểm đó dải miền Trung đã giải phóng nên anh em rất phấn khởi. Anh em biết có chiến dịch Hồ Chí Minh và anh em đã được tham gia”.

Từ tháng 3/1975, địch đã xây dựng ở đây một cụm phòng thủ với lực lượng và hỏa lực rất mạnh. Vào thời điểm đó, lực lượng canh giữ thường trực cầu Rạch Chiếc có khoảng 400 lính được vũ trang. Đặc biệt, địch còn chôn dưới chân cầu hai khối thuốc nổ lớn, để phòng khi trường hợp không giữ thì giật sập cầu, ngăn đường tiến công của quân ta từ hướng Đông. Trung úy Nguyễn Đức Thọ chia sẻ: “Do vị trí quan trọng của cầu Rạch Chiếc nên địch có ý định phá cầu để chặn đường tiến công của mình. Bên mình lại có phương châm chỉ đạo là thần tốc – thần tốc, do tính chất như vậy nên cấp trên mới chuyển chúng tôi sang đánh và bảo vệ cầu Rạch Chiếc. Cũng may là anh em chúng tôi đã gỡ được 2 khối thuốc nổ cài dưới dạ cầu. Cuối cùng, đơn vị đã hoàn thành được nhiệm vụ bảo vệ chiếc cầu, nó mang 1 ý nghĩa rất lớn trong trận đánh, nằm trong kế hoạch của chiến dịch, bảo đảm được đường hành quân tốc hành cho các đơn vị lớn triển khai cùng xe tăng tiến vào giải phóng Sài Gòn”.

Rạng sáng ngày 28/4/1975, quân địch tổ chức phản công từ 3 hướng với nhiều lực lượng máy bay, xe tăng, pháo, tàu chiến bắn phá dữ dội vào đội hình quân ta để chiếm lại cầu. Nhiều chiến sĩ bị thương nhưng cương quyết không rời trận địa và bám trụ cùng anh em giữ cầu. Do lực lượng địch gấp khoảng 10 lần và hỏa lực cực mạnh, đến trưa ngày 28/4/1975, lực lượng quân ta được phân công ở lại giữ cầu được lệnh rút quân. Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Biệt danh Tư Cang), Chính ủy của Lữ đoàn đặc công 316 khi đó, nhớ lại: “Đơn vị Quân đoàn 2 đi từ dưới Long Thành lên, như vậy là tiến triển thuận lợi vì giặc chủ yếu tập trung phòng ngự từ phía Bắc ở hướng Củ Chi, Bình Dương, nhưng cánh quân từ Long Thành lên thì địch không chú ý lắm. Nên cánh quân này có thể tiến vô nhanh, sớm. Tuy nhiên, trong trận quyết chiến tại cầu sông Buông (một cây cầu nhỏ tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) trước đó mấy ngày, địch đã giật sập cây cầu này, nên đi tới đó thì Quân đoàn 2 phải ngừng lại khiến đại quân ta phải mất thời gian làm cầu cho xe tăng qua, nên thời gian đến cầu Rạch Chiếc bị chậm hơn so với dự kiến. Đó không phải sở trường của đặc công là phòng ngự nhưng phải phòng ngự 2 ngày nên hy sinh nhiều, thế nhưng anh em vẫn bám trụ được”.

Ngày 29/4/1975, quân ta được lệnh tấn công chiếm cầu Rạch Chiếc trở lại và giữ cầu cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đêm 29/4/1975, quân ta lại đồng loạt nổ súng tấn công lực lượng địch bố phòng tại hai đầu cầu. Thêm một trận chiến ác liệt với sự chênh lệch lực lượng cũng như vũ khí. Nhưng trước sự gan dạ, anh dũng của quân ta, các chiến sĩ đặc công một lần nữa nhanh chóng chiếm giữ được cầu. Khoảng 9g30 sáng 30/4/1975, chiếc xe tăng đầu tiên của lữ đoàn 203, Quân Đoàn 2, cắm cờ “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam” tiến qua cầu Rạch Chiếc vào giải phóng Sài Gòn. Sau trận đánh lịch sử này đã có 52 cán bộ, chiến sĩ đặc công đã hi sinh anh dũng tại đây.

Giờ đây, cây cầu Rạch Chiếc đã được xây dựng lại hiện đại, có tuổi thọ thiết kế 100 năm, với chiều dài gồm cả đường dẫn vào cầu là 736 mét, chiều rộng là 48 mét, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. Đây là một công trình huyết mạch trên xa lộ Hà Nội nối TP.HCM đi các tỉnh duyên hải miền Trung và miền Bắc. Cầu Rạch Chiếc mới cũng phát huy vai trò mở rộng cửa ngõ Đông Bắc, tạo hiệu quả cao về giao thông phát huy hiệu quả kinh tế xã hội. Bên phải cây cầu (hướng từ Biên Hòa vào), thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng Công viên - Bia tưởng niệm các chiến sĩ chiến đấu bảo vệ cầu Rạch Chiếc trong chiến dịch Hồ Chí Minh với tổng diện tích khoảng 12.000m vuông, tổng vốn đầu tư khoảng 21 tỉ đồng nhằm nhắc nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hi sinh ngay trước giờ giải phóng Sài Gòn.

Ngày đầu tiên nghỉ lễ 30/4 và 1/5: 3.518 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền 4,2 tỷ đồng: Tình hình xử lý vi phạm trong ngày đầu nghỉ lễ, đối với đường bộ xử lý 3.518 trường hợp, phạt tiền 4 tỷ 211 triệu; đường thủy xử lý 86 trường hợp, phạt tiền 139 triệu.

 

Radio VOH – Hệ sinh thái tôn vinh giọng nóiNgày 01/5/2020, kỷ niệm 45 năm Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VOH) phát đi Tiếng nói “Sài Gòn giải phóng”

Bình luận