Ngày 21/6/1925: Tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta ra đời

(VOH) - Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đã ra số đầu tiên ngày 21/6/1925, đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta.

Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên. Từ khi có báo “Thanh niên” – Tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên: Báo chí Việt Nam đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Báo Thanh niên mở đầu cuộc Cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc mình lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh…

Báo Thanh niên số 1 ra ngày 21/6/1925, tại số nhà 13 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc. Đây cũng chính là trụ sở Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, báo được chuyển về nước bằng nhiều con đường bí mật và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam.

Báo Thanh Niên (21/6/1925) – Tờ Báo cách mạng Việt Nam đầu tiên

Theo Quyết định của Ban Bí thư số 52-QĐ/TW ngày 5/2/1985 lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí Việt Nam nhằm kỷ niệm, tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành; đôi khi cả là máu và nước mắt để độc giả có những bài báo hay sự kiện nóng hổi, chân thật.

Ngày 21/6/2000, nhân dịp kỉ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Hôm nay, chúng ta kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020).

Trong gần một thế kỷ qua, kể từ ngày báo Thanh niên - tờ báo khởi đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số báo đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng báo chí cách mạng nước ta không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò quan trọng và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trong những năm qua, báo chí Việt Nam đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; tích cực tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình, cách làm hay và tấm gương người tốt, việc tốt; đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, hòa bình, hữu nghị đến toàn thế giới.

Đặc biệt, đội ngũ các nhà báo luôn đi đầu trên mặt trận đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội, là diễn đàn để đông đảo quần chúng nhân dân đóng góp ý kiến cũng như thực hiện quyền giám sát công tác điều hành của chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương.

Nhiều phóng viên đã không quản gian khổ, hy sinh, sẵn sàng "vào sinh, ra tử" trong mưa bom, bão đạn của chiến tranh hoặc đối mặt với những hiểm nguy, kịp thời có mặt tại những điểm nóng, ổ dịch bệnh nguy hiểm để hoàn thành sứ mệnh cao cả của người làm báo.

Trong thời gian tới, báo chí cách mạng Việt Nam cần bám sát quan điểm chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để phản ánh một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời về đời sống xã hội của đất nước, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Báo chí và các nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh được "dòng chảy chính" của xã hội, của đất nước. Mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh đều phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.

Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển như vũ bão hiện nay, làm báo mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng vô vàn thử thách, gian nan. Hơn lúc nào hết, đội ngũ người làm báo cần luôn trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững giá trị cốt lõi và khẳng định sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.

Ngày 6/6/1941: Nguyễn Ái Quốc ra "Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” - Ngày 6/6/1941, Nguyễn Ái Quốc ra Lời kêu gọi "Kính cáo đồng bào" và "Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão".

Ngày 7/5/1954: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Hôm nay 7/5, nước ta trang trọng kỷ niệm 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2020).