Ngày 22/12: Nhìn lại lịch sử lừng lẫy của Quân đội nhân dân Việt Nam sau 76 năm thành lập

(VOH) - Nhân kỷ niệm 76 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2020), VOH mời quý độc giả cùng ôn lại lịch sử lừng lẫy của lực lượng chính trị quan trọng này.

22/12 - Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Cách đây 76 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Từ đó, ngày 22/12 trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử trọng đại, cũng là ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân không ngừng phát triển và trưởng thành. Ngày 22/12/1944 được xác định là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Một quân đội của dân, do dân, vì dân; luôn gắn bó máu thịt với dân, luôn luôn được dân tin yêu, đùm bọc.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22/12/1944.

Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Trên cơ sở của một cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, quân đội ta từ một lực lượng nhỏ bé, vũ khí trang bị thô sơ đã vươn lên thành một đội quân hùng hậu, chính quy hiện đại mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc - chiến đấu vì nhân dân, vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trưởng thành từ đội Tuyên truyền Giải phóng quân

Tháng 12/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Theo Chỉ thị này thì "tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...".

Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ yếu bao gồm các vấn đề về đường lối quân sự của Đảng ta như: kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng võ trang cách mạng, phương châm xây dựng 3 thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng võ trang, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng võ trang.

Theo đó, ngày 22/12/1944, tại huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức làm lễ thành lập, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách Kế hoạch-Tình báo, đồng chí Vân Tiên (Lộc Văn Lùng) quản lý. Đội có chi bộ Đảng lãnh đạo. 34 chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, có tinh thần kiên quyết, dũng cảm, chí căm thù địch rất cao, đã siết chặt họ thành một khối vững chắc.

Chấp hành chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân dù chỉ nắm trong tay 34 khẩu súng các loại, trong hoàn cảnh "ăn mỗi ngày một bữa, đánh mỗi ngày hai trận" - đã mưu trí, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (17 giờ chiều 25/12/1944) và sáng hôm sau đột nhập đồn Nà Ngần (7 giờ ngày 26/12/1944), tiêu diệt 2 đồn địch, giết chết 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.

Sau một tuần lễ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã phát triển thành 3 trung đội làm nòng cốt cho công tác tuyên truyền, diệt địch, biến Cao-Bắc-Lạng thành một căn cứ vững chắc.

Theo quyết định của hội nghị quân sự Bắc Kỳ, ngày 15/5/1945 tại chợ Chu (tỉnh Thái Nguyên), đã diễn ra lễ hợp nhất 2 đội: Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc Quân với tên gọi mới là Việt Nam Giải phóng quân, quân số ban đầu là 13 đại đội - trở thành lực lượng quân sự chủ yếu của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Việt Nam Giải phóng quân có vai trò rất quan trọng. Đây là đơn vị chủ lực do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến vào thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho tổng khởi nghĩa toàn quốc. Lực lượng võ trang đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chính trị, tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ sau 15 ngày đã đập tan ách đế quốc thực dân và chế độ phong kiến hàng ngàn năm.

Ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945, quân đội Việt Nam mang tên Vệ quốc đoàn, đánh dấu thời kỳ hình thành của quân đội Việt Nam.

Thời gian từ năm 1945 đến năm 1954 là thời kỳ phát triển vượt bậc cả về số lượng và khả năng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn, từ khi đất nước giành được độc lập đến tháng 11/1945, Giải phóng quân đã phát triển từ một đội quân nhỏ trở thành Quân đội Quốc gia Việt Nam với quân số khoảng 50.000 người, tổ chức thành 40 chi đội.

Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Cũng thời gian này, các đại đoàn (đơn vị tương đương sư đoàn) chủ lực quan trọng như các đại đoàn 308, 304, 312, 320, 316, 325, 351 lần lượt được thành lập, đến nay vẫn là những đơn vị chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ một đội quân chỉ vài trăm người khi tham gia Tổng khởi nghĩa, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển thành quân đội với các sư đoàn chủ lực mạnh, lập nên những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử ngày 7/5/1954, đập tan mưu toan thiết lập lại chế độ thuộc địa của thực dân Pháp.

Sau khi Hiệp định Genève năm 1954 được ký kết, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Nhân dân Việt Nam đứng trước hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Nhiệm vụ của quân đội thời kỳ này là vừa xây dựng chính quy, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa tham gia đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 15/2/1961, Quân Giải phóng miền Nam, lực lượng quân sự của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc.

Quân đội nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng với nhân dân và các lực lượng vũ trang khác, tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và gian khổ, lập nên những kỳ tích mà tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc mà đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972; kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30/4/1975, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam vừa mới kết thúc thì chế độ diệt chủng do Pônpốt cầm đầu ở Campuchia đã kích động hận thù dân tộc, tiến hành chiến tranh xâm lấn ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Chúng gây ra nhiều cuộc thảm sát man rợ với nhân dân Việt Nam sống dọc biên giới, đồng thời thực hiện chính sách diệt chủng đối với nhân dân Campuchia.

Đứng trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, ngày 23/12/1978, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược, đập tan cuộc tiến công của quân đội Pônpốt. Sau đó, đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân và Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng vũ trang Campuchia, đánh tan 21 sư đoàn quân Pônpốt, xoá bỏ chế độ diệt chủng tàn bạo.

Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời bình

Lịch sử 76 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của quân đội ta gắn liền với lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc. Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tham gia xây dựng kinh tế đất nước và thực hiện tốt hơn chức năng làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới, xứng đáng với tên gọi: Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quân đội nhân dân Việt Nam
Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam (Ảnh: CP)

Trong thời kỳ hoà bình xây dựng đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh biên chế, tổ chức, cắt giảm gần hai phần ba quân số. Các thế hệ sĩ quan, chiến sĩ quân đội vẫn kế tiếp nhau phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của “Bộ đội cụ Hồ”, luôn làm đúng chức năng của một đội quân chiến đấu, một đội quân công tác, một đội quân sản xuất, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Thực hiện chức năng là một đội quân công tác, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn giữ vững mối quan hệ máu thịt với nhân dân, là một trong các lực lượng nòng cốt tham gia công tác vận động quần chúng, các đơn vị quân đội đã tích cực thực hiện công tác dân vận.

Nhiều đơn vị quân đội đã đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng sâu, vùng xa; tham gia công tác cứu hộ và giảm nhẹ thiên tai, phòng chống lụt, bão. Quân đội cũng tích cực tham gia xoá đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tình thần cho các tầng lớp nhân dân, phấn đấu đến năm 2010 hoàn thành chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo cho 100.000 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Là một đội quân sản xuất, các đơn vị trong toàn quân đã tận dụng mọi tiềm năng lao động, đất đai, kỹ thuật... để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn sản phẩm bổ sung tại chỗ, góp phần giữ ổn định và cải thiện đáng kể đời sống bộ đội.

Các nhà máy, xí nghiệp của quân đội đã sản xuất được các loại vũ khí, khí tài phù hợp với yêu cầu tác chiến hiện đại, đáp ứng các yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội. Nhiều đơn vị làm kinh tế của quân đội đã sản xuất và kinh doanh có hiệu quả, trở thành các tổ chức kinh tế lớn của đất nước, đi đầu trong kết hợp kinh tế với quốc phòng, góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước.

Các doanh nghiệp quân đội đã tham gia nhiều dự án công trình trọng điểm của quốc gia như đường Hồ Chí Minh, đường dây 500 KV Bắc - Nam, dịch vụ dầu khí và nhiều công trình thuỷ điện lớn như Sông Đà, Drây H’ling. Hiện có 98 doanh nghiệp quân đội đang tham gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh tế như dịch vụ bay, dịch vụ cảng biển, viễn thông, công nghiệp đóng tàu... Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của các doanh nghiệp này ngày một tăng.

Thực hiện chức năng cơ bản là sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi quốc gia của đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức theo hướng tinh gọn, được trang bị các loại vũ khí, khí tài hiện đại cần thiết, thực hiện huấn luyện thường xuyên, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam có lực lượng thường trực gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương với tổng quân số khoảng 450.000 người và lực lượng quân dự bị khoảng 5 triệu người. Bộ đội chủ lực là thành phần nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam gồm lực lượng cơ động của các quân đoàn, quân chủng, binh chủng, bộ đội chủ lực của quân khu và bộ đội chuyên môn kỹ thuật. Bên cạnh các đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu còn có hệ thống hoàn chỉnh các đơn vị bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; các học viện, viện nghiên cứu, các trường đào tạo sĩ quan và trường nghiệp vụ các cấp.

Năm 1989, theo chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22/12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là ngày Hội quốc phòng toàn dân.

Từ đó, hàng năm, cứ đến ngày 22/12, toàn dân Việt Nam lại tham gia các hoạt động hướng về chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc; Động viên cán bộ, chiến sĩ không ngừng nâng cao cảnh giác, ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị và trình độ quân sự, không ngại gian khổ, vượt qua khó khăn, trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ.