Tầm vóc và giá trị to lớn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (Kỳ 1)

(VOH) - Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo là một trong những cuộc kháng chiến kéo dài nhất, oanh liệt nhất...

Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo là một trong những cuộc kháng chiến kéo dài nhất, oanh liệt nhất và đã chiến thắng vẻ vang, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

45 năm đã trôi qua, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè quốc tế, với sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vĩ đại - Chiến thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội.

Đây là chiến dịch có những nét đặc sắc về thời cơ, về cách đánh, về cường độ tiến công, về tác chiến hợp đồng quân binh, về mục tiêu, ý nghĩa của nó đối với phong trào giải phóng dân tộc và mãi mãi là sức mạnh của truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, là biểu tượng cốt cách của trí tuệ, của văn hoá Việt Nam và của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Để hiểu hơn về những giá trị to lớn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đài TNND TPHCM (VOH) tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Tầm vóc và giá trị to lớn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” với sự tham gia của hai khách mời là PGS-TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng và PGS-TS Hà Minh Hồng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TPHCM.

Tầm vóc và giá trị to lớn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (Kỳ 1)

Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu: Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.

* VOH: Thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là kết quả cuối cùng của cả một quá trình kháng chiến lâu dài, bền bỉ, quyết chiến, quyết thắng của quân và dân trên cả hai miền Nam - Bắc nhằm đánh bại từng chiến lược chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. PGS-TS Vũ Quang Đạo có thể cho biết rõ hơn về sự chuẩn bị của Đảng ta cho chiến dịch Hồ Chí Minh này?

- PGS-TS Vũ Quang Đạo: Trước hết, tôi đồng tình với ý kiến của bạn dẫn chương trình nói rằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử gắn với cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Nếu như chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là đỉnh cao của toàn bộ cuộc tiến công, thì cũng nói thêm rằng toàn bộ cuộc tổng tiến công là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài trong 30 năm chiến tranh giải phóng kể cả chống Pháp và trực tiếp là 21 năm chống Mỹ cứu nước.

Có thể nói để dẫn đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 75 có rất nhiều vấn đề, nhưng trong đó đứng về mặt quân sự cũng như về mặt chính trị quân sự, một trong những vấn đề hết sức quan trọng là phải có thời cơ. Có thể nói ngay sau khi chúng ta giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp và kết thúc bằng đỉnh cao chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử thì chúng ta bước ngay vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vậy thì trong cuộc kháng chiến này tại sao 21 năm sau đến năm 75 thì thời cơ lịch sử giải phóng miền Nam mới xuất hiện, mà không xuất hiện trước. Để biết rằng thời cơ trong khởi nghĩa vũ trang có đặc trưng khác và thời cơ trong chiến tranh, thì chủ yếu diễn ra ở góc độ nghệ thuật quân sự dưới sự tác chiến về mặt chính trị quân sự của cả hai bên. Nếu như không có một một sự thay đổi về so sánh lực lượng đến mức áp đảo thì không thể tạo ra thời cơ trong chiến tranh. Để kết thúc chiến tranh thì phải có những cú đấm quyết định của đoàn quân sự và lực lượng chủ lực này ra đời đáp ứng yêu cầu đó. Nhưng cũng phải nói thêm rằng lực lượng chủ lực này ra đời là trên cơ sở lực lượng vũ trang các địa phương và các đơn vị đã được hợp lại. Các đơn vị hợp lại và đây là sự phát triển rất lớn, không phải chỉ đơn thuần về số lượng quân đội, mà phát triển về nghệ thuật quân sự, về tổ chức chỉ huy, về cách đánh hợp đồng quân binh chủng ở quy mô lớn của quân đội nòng cốt là chiến tranh nhân dân. Trong điều kiện như thế rõ ràng đứng trước tình thế là nếu như tình thế và thời cơ xuất hiện chúng ta được để chớp thời cơ giải phóng miền Nam trong năm 1975 và Bộ chính trị cho rằng để chớp thời cơ chiến lược ấy, sau ý định đó thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi bức điện khẩn cho các cánh quân của chiến trường là thần tốc, thần tốc hơn nữa, tiến thẳng vào Sài Gòn giải phóng miền Nam.

Theo tôi nghĩ, đó là một vài nét dẫn đến thời cơ để nổ ra cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam cũng như dẫn đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cuối tháng 4, có cả một thời kỳ dài để chúng ta tích cóp lực lượng, xoay chuyển lực lượng, tạo thời, tạo thế và khi thời thế đến chúng ta có lực lượng để chớp thời cơ đó giải phóng miền Nam.

*VOH: Với sự chuẩn bị như vậy, thuận lợi và thời cơ khi Đảng ta quyết định mở cuộc Tổng tiến công này như thế nào?

- PGS-TS Vũ Quang Đạo: Như trên tôi đã phân tích để có được thời cơ đó rõ ràng Đảng ta đã có sự chuẩn bị hết sức lâu dài và trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trực tiếp là từ sau Hiệp định Paris năm 1973. Thế nhưng vấn đề đặt ra như các bạn nói rất đúng, khi thời cơ đến thì tại sao chúng ta làm được thời cơ. Suy cho cùng trở lại một nhận định hết sức cơ bản của nhà chiến lược quân sự thiên tài Hồ Chí Minh trong bài thơ “học đánh cờ” trong bài thơ đó Bác Hồ có nói vấn đề lực, về thế. “Vốn dĩ hai bên ngang thế lực, mà sao thắng lợi một bên giành”. Bác chốt lại một câu cuối cùng: “gặp thời, một tốt cũng thành công”. Về vấn đề thời cơ là hết sức quan trọng nhưng thời cơ đó chúng ta đã tận dụng thời cơ đó bằng cách nào. Nếu phân tích đầy đủ, chúng ta có thể nói trên mấy vấn đề sau: thứ nhất về mặt chuẩn bị cơ bản lực lượng lâu dài thì lực lượng chính trị chúng ta trên toàn miền Nam đã được chuẩn bị hết sức chu đáo và khí thế tinh thần quyết chiến, quyết thắng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội của nhân dân cả hai miền Nam Bắc như một ngày hội. Chúng ta quyết định mở cuộc chiến dịch giải phóng Sài Gòn vào giữa tháng 4 và mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh trong điều kiện đó và sau thời gian chuẩn bị rất ngắn khi tập hợp lực lượng 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn cùng với nhân dân và lực lượng vũ trang nội đô làm chủ thành phố trong thời gian rất ngắn, nhanh gọn.

Có thể nói chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử diễn ra trong bối cảnh cao trào của cả cuộc tổng tiến công và đã được chuẩn bị hết sức chu đáo. Nếu như nói rằng sở dĩ Sài Gòn giải phóng nhanh thì trong vòng ít ngày đã giải phóng và giải phóng một thành phố đông người như thế tập trung lực lượng quân đội Ngụy đông như vậy, nhưng Sài Gòn gần như vẫn nguyên vẹn. Đó là một sức mạnh về chính trị, sức mạnh quân sự, nhưng phải nói rằng lực lượng vũ trang chúng ta đã hoạt động hết sức mình, nhân dân ở các địa bàn nội đô và lực lượng công nhân, sinh viên các lực lượng tiến bộ và kể cả một số lực lượng trong lực lượng thứ ba cũng có tác dụng rất tốt trong làm cho địch đầu hàng nhanh chóng.

*VOH: Ý nghĩa mà Chiến dịch Hồ Chí Minh mang lại cho lịch sử nước ta là gì, xin mời ý kiến của PGS -TS Hà Minh Hồng?

- PGS-TS Hà Minh Hồng

: Ý nghĩa quan trọng nhất trong cuộc này là kết thúc một cuộc chiến, tạo ra một tác động rất lớn, tác động trực tiếp đến cả hai bên. Đối với dân tộc Việt Nam thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu bước ngoặc lớn trong lịch sử của dân tộc, hoàn thành được trọn vẹn mục tiêu như Bác Hồ đã đặt ra: đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Chúng ta đã giải phóng toàn bộ miền Nam, chấm dứt 21 năm chia cắt đất nước, đưa đến sự thống nhất, độc lập, dân tộc toàn vẹn lãnh thổ, cả trên đất liền cả trên biển đảo. Thắng lợi đó cho chúng ta thấy được đã tạo ra cho chúng ta cơ sở, để từ đây khi đi vào giai đoạn mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên toàn bộ Tổ quốc Việt Nam từ Bắc đến Nam. Đó là một trong những cái chúng ta thấy ý nghĩa lịch sử rất là to lớn đối với lịch sử.

*VOH: Để có được thành công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, một trong những nguyên nhân, đồng thời cũng là nét độc đáo, đặc sắc nhất chính là nghệ thuật quân sự Việt Nam. Mời PGS-TS Vũ Quang Đạo phân tích rõ hơn về nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh?

- PGS-TS Vũ Quang Đạo: Đứng về mặt quân sự, nghệ thuật quân sự, thì đã nói đến nghệ thuật quân sự thì thường người ta nói đến 3 yếu tố cấu thành, 3 bộ phận hợp thành nghệ thuật quân sự đó chính là chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Nhưng đằng sau tất cả những cái đó, nghệ thuật quân sự thì đây là chiến tranh nhân dân. Rõ ràng để giải quyết mục tiêu chiến lược để giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam thì phải giành thắng lợi trong từng trận đánh, trong từng chiến dịch cụ thể và trong toàn bộ cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 75 thì nghệ thuật của chúng ta nghệ thuật quân sự có thể nói đã đạt đến đỉnh cao của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

*VOH: Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi đi vào lịch sử, khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược; để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Bài học đó là gì?

- PGS-TS Hà Minh Hồng: Quan trọng nhất trước hết vẫn là bài học về sức mạnh đoàn kết, đoàn kết và thống nhất. Đoàn kết thống nhất trong Đảng, đoàn kết thống nhất trong toàn dân. Đây là một trong những cái ngay từ đầu thậm chí trong quá trình chiến tranh chúng ta đã khẳng định, càng về thắng lợi cuối cùng càng khẳng định điều đó. Cũng như trong 45 năm qua, chúng ta vẫn thấy bài học về đoàn kết, bài học về thống nhất từ trong Đảng ra đến toàn dân, từ người dân cho đến người lãnh đạo, là nhân tố cơ bản nhất, quan trọng nhất đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến nói chung và thắng lợi trực tiếp trong chiến dịch cuối cùng nói chung.

Thứ hai là bài học về nêu cao tinh thần khát khao độc lập tự do của dân tộc, khát khao hòa bình thống nhất của toàn dân ta.

Thứ ba cũng về bài học về tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính. Nhưng trong dựa vào sức mạnh là chính đó không thể không có sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của các nước anh em, của bạn bè quốc tế, của các nước láng giềng, của nhân dân tiến bộ trên thế giới.

Thứ tư cần nói đến vấn đề thời cơ. Trong giai đoạn chiến tranh thì vấn đề thời cơ trong giai đoạn hiện nay thì vẫn cần phải nắm vững thời cơ cách mạng, thời cơ để giành thắng lợi trong chiến tranh. Một yếu tố đặc biệt quan trọng để làm nên chiến thắng ngày nay chúng tôi vẫn cho rằng những vấn đề thời cơ vẫn hết sức nóng hỏi vẫn rất cần thiết cho sự phát triển 45 năm qua, cũng như trong giai đoạn phát triển và hội nhập ngày nay.

*VOH: Cảm ơn ý kiến của PGS-TS Vũ Quang Đạo và PGS-TS Hà Minh Hồng.

Bình luận