Hướng Đông:
Sư đoàn 324 (Quân đoàn 2) đến chiều và tối ngày 28/4/1975 làm chủ chi khu Nhơn Trạch và đánh bại các đợt phản kích của địch ở khu vực này, tạo điều kiện cho pháo binh của Quân đoàn vào chiếm lĩnh trận địa bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Trận địa pháo 130mm của Quân giải phóng pháo kích vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy ngày 28/4/1975. Ảnh tư liệu
Hướng Đông Nam:
Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4) phát triển vào Hố Nai, bị đối phương ngăn chặn quyết liệt phải dừng lại tổ chức đột phá. Sư đoàn 7 cùng Lữ đoàn 52 tiến theo đội hình Sư đoàn 6, bố trí ở Nam quốc lộ 1 chuẩn bị làm lực lượng thọc sâu của Quân đoàn.
Hướng Bắc:
17 giờ ngày 28/4/1975, một bộ phận Trung đoàn 27 Sư đoàn 320B tiến công địch ở khu vực dốc Bà Nghĩa. Sau 3 giờ chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, khống chế đoạn đường từ dốc Bà Nghĩa về Bình Cơ. Cùng thời gian này, lực lượng vũ trang Thủ Dầu Một phối hợp giải phóng Tây Nam Bến Cát, Tây Nam Tân Uyên. Trong lúc đó, Sư đoàn 312 bao vây Phú Lợi, chốt đường 13, chặn Sư đoàn 5 Việt Nam Cộng hòa.
Hướng Tây Bắc:
Một bộ phận của Sư đoàn 316 (Quân đoàn 3) tiến công cắt quốc lộ 22 đoạn Bầu Nâu-Trà Võ, chốt tại đó và bao vây Trà Võ. Trung đoàn 174 Sư đoàn 316 cắt quốc lộ 1 đoạn Phước Mỹ-Trảng Bàng, diệt các chốt địch ở Trung Hưng, Suối Cao, Bố Heo, chặn Sư đoàn 25 Việt Nam Cộng hòa, chế áp các trận địa pháo, bức hàng tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 50 Việt Nam Cộng hòa. Đêm ngày 28/4/1975, Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn 3 lệnh cho Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 hành quân chiếm lĩnh trận địa đúng thời gian kế hoạch hiệp đồng chung; đồng thời lệnh cho Sư đoàn 316 vây chặt rồi tiến công đánh chiếm chi khu Trảng Bàng.
Hướng Tây và Tây Nam:
Chiều ngày 28/4/1975, pháo binh chiến dịch ở Hiếu Liêm bắn phá làm tê liệt sân bay Biên Hòa. Sở Chỉ huy Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa phải chuyển về Gò Vấp. Đến cuối ngày, Sư đoàn 9 bộ binh và một số đơn vị binh khí kỹ thuật đã vượt sông Vàm Cỏ Đông vào vị trí tập kết tại Bầu Cong, Mỹ Thạnh và Đức Hòa. Các Trung đoàn 24, 88 mở rộng vị trí đứng chân ở hướng Bắc Cần Giuộc, chuẩn bị tiến vào Nam Sài Gòn.
Như vậy, đến chiều ngày 28/4/1975, các lực lượng của ta đã phá vỡ các khu phòng thủ vòng ngoài của đối phương, cắt đứt đường số 4, tăng cường vây ép Sài Gòn trên các hướng; bao vây, ngăn chặn không cho các Sư đoàn chủ lực của đối phương co cụm về vùng ven nội thành. Ngay trong đêm 28/4/1975, sau khi thông báo tình hình chung trên toàn mặt trận, Bộ Chỉ huy Chiến dịch lệnh cho các hướng tiếp tục tiến công để đến sáng ngày 29/4/1975, toàn mặt trận tổng tiến công vào Sài Gòn. Về phía đối phương, chiều ngày 28/4/1975, di tản máy bay ở sân bay Biên Hòa về Tân Sơn Nhất. Sở Chỉ huy Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa phải bỏ Biên Hòa tháo chạy về Gò Vấp.