Đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7/8/1912 trong gia đình giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Đồng chí hoạt động phong trào thanh niên ở cơ sở từ năm 1930; tháng 5/1935, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí là ủy viên Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời, làm Trưởng ty Tư pháp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Chính trị viên Trung đoàn 93.
Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Năm 1978, làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam; tháng 4/1981, được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá VII và được cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Tháng 12/1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và được cử tham gia Đảng ủy Quân sự Trung ương; tháng 4/1987, được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá VIII và được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng.
Đồng chí là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII (tháng 6/1991) và khoá VIII (tháng 6/1996) đến Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII; đại biểu Quốc hội các khoá VI, VII, VIII.
Đồng chí Võ Chí Công từ trần ngày 08/9/2011, hưởng thọ 100 tuổi.
Khái lược tiểu sử và hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công, có thể thấy trọn cuộc đời ông cống hiến và có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của liên khu V, lãnh đạo nhân dân liên khu V kiên cường chiến đấu, “chia lửa” với chiến trường chính Bắc bộ.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược về con đường của Cách mạng miền Nam, đóng góp vào xây dựng dự thảo Nghị quyết Trung ương 15, mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam.
Ðồng chí cùng Bộ Tư lệnh Quân khu V chủ trương xây dựng vành đai nhân dân đánh Mỹ và quyết định dùng chủ lực quân khu và lực lượng vũ trang địa phương đánh phủ đầu quân Mỹ khi chúng mới lấn ra chiếm đóng ở Núi Thành (Quảng Nam). Chiến thắng oanh liệt ở Núi Thành đã mở ra một tư tưởng chiến lược rất quan trọng, chứng minh thực tế là quân dân ta có thể đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Dấu ấn của đồng chí Võ Chí Công sau khi đất nước thống nhất là đồng chí đã đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận trách nhiệm chỉ đạo dự thảo Chỉ thị số 100-CT/TW (tháng 1/1981) về khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp đến nhóm và người lao động, xuất phát từ thực tiễn đồng chí chứng kiến tại tỉnh Vĩnh Phú (khi đó Vĩnh Phúc và Phú Thọ sát nhập thành). Đây là bước đột phá trong nông nghiệp, phù hợp với lòng dân và được nhân dân phấn khởi đón nhận. Trên cơ sở Chỉ thị này, Trung ương đã ra Nghị quyết 10 (năm 1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, tạo động lực trong sản xuất, tăng năng suất và sản phẩm lao động, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực đến đủ ăn và từng bước có dư để xuất khẩu.
Khi là trưởng ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đồng chí đã tích cực xuống các cơ sở kinh tế, mở nhiều cuộc hội thảo, tập hợp ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các viện nghiên cứu, góp phần xây dựng, hoàn thiện Bộ Chính trị ra Nghị quyết 306 – NQ/TW (tháng 4/1986) về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở.
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức hành trình về nguồn tại Căn cứ Khu ủy 5 (xã Phước Trà, H.Hiệp Đức) với chủ đề “Sáng mãi tinh thần người cộng sản kiên trung” cho gần 100 đoàn viên thanh niên trong tỉnh.
Tại đây, các đoàn viên thanh niên đã dâng hương tưởng nhớ và tri ân công ơn to lớn của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đối với sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Sau lễ dâng hương, các đoàn viên, thanh niên thăm nhà trưng bày tư liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng Võ Chí Công.
Trao đổi với báo chí, anh Hoàng Văn Thanh, Phó bí thư tỉnh đoàn Quảng Nam chia sẻ: “Ban thường vụ tỉnh đoàn tổ chức hội quân tuổi trẻ toàn tỉnh tại Căn cứ Khu ủy 5 để để tìm hiểu, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước trong mỗi đoàn viên, thanh niên. Nhân hoạt động này, cũng giới thiệu đến các bạn 40 địa chỉ đỏ trên toàn tỉnh để giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý uống nước nhớ nguồn”.
Phát biểu tại buổi về nguồn, đồng chí Lê Quang Quỳnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: “Hy vọng hành trình về nguồn “Sáng mãi tinh thần người cộng sản kiên trung” là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, để mỗi đoàn viên thanh niên Quảng Nam nói riêng và thế hệ trẻ cả nước nói chung tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc, từ đó tiếp tục nỗ lực rèn luyện, phấn đấu”.
Gần 80 năm hoạt động Cách mạng, cuộc đời đồng chí Võ Chí Công gắn liền với quá trình cách mạng nước ta, với những sự kiện oanh liệt của lịch sử Đảng và nhân dân ta trong suốt thế kỷ XX. Ông để lại cho đời sau ấn tượng về một nhà lãnh đạo đức độ, mọi hành động, sáng tạo xuất phát từ thực tiễn, lấy kết quả hoạt động trong thực tiễn làm thước đo chân lý, trân trọng và ủng hộ những sáng kiến của cán bộ, nhân dân và địa phương.