Bản tin bất động sản hôm nay 18/10: Cảnh báo nhiều khu dân cư trái phép rao bán rầm rộ

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 18/10 có những nội dung nổi bật sau: Những trường hợp được tái định cư khi thu hồi đất vùng Dự án sân bay Long Thành; BĐS khu Đông đang bùng nổ trở lại…

Những trường hợp được tái định cư khi thu hồi đất vùng Dự án sân bay Long Thành

Theo quy định về bố trí tái định cư cho người dân bị thu hồi đất trong vùng Dự án sân bay Quốc tế Long Thành, các trường hợp người dân bị thu hồi đất được quy định cu thể trong các trường hợp dưới đây...

Các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở (đất thổ cư) nhưng trên đất chưa xây dựng nhà ở và không còn nơi ở nào khác trong địa bàn xã nơi thực hiện dự án thì được giao 1 lô đất ở trong khu tái định cư.

Trường hợp đối với giá trị đất bồi thường về đất ở nhỏ hơn giá trị suất tái định cư tối thiểu thì hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giá đó.

Các hộ gia đình bị thu hồi nhiều hơn thửa đất ở hoặc một thửa đất có diện tích lớn thì được xem xét bố trí các lô tái định cư trong khu tái định cư tương ứng với đất ở thu hồi.

Các hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, trên đất có nhà ở xây dựng trước ngày 25/6/2015 có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống và không có đất ở, nhà ở nào khác trên địa bàn xã có đất bị thu hồi thì mỗi cặp vợ chồng có nhu cầu xin tách hộ khẩu được giao một lô đất tái định cư với diện tích nhỏ nhất (theo quy hoạch chi tiết trong khu TĐC). Các hộ này phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Ngoài ra, các hộ gia đình, cá nhân được bố trí tái định cư ở khu vực tái định cư trong thời gian chờ xây dựng nhà ở mới sẽ được bố trí vào nhà ở tạm hoặc được hỗ trợ tiền thuê nhà ở.

Cụ thể, đối với các hộ có số nhân khẩu từ sáu người trở xuống, được hỗ trợ tiền thuê nhà ở mức 4 triệu đồng/hộ/tháng. Các trường hợp có số nhân khẩu nhiều hơn sáu người thì ngoài mức hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ/tháng thì mỗi cá nhân tăng thêm được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng.

Các cá nhân được nhận hỗ trợ chỉ áp dụng cho những nhân khẩu là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em theo quan hệ huyết thống hoặc theo pháp luật.

Được biết thời gian được hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo quy định là 5 tháng tính từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền giao đất tái định cư. Với các hộ gia đình, cá nhân được bố trí đất tái định cư trong khu tái định cư nhưng không có nhu cầu nhận đất ở cũng được hưởng 5 tháng tiền hỗ trợ thuê nhà.

Bất động sản Thuận An (Bình Dương) đang chào bán hơn 1.400 lô đất

Hai năm trở lại đây, làn sóng dịch chuyển ra vùng ven cùng với việc hạ tầng được nâng cấp tiến tới nâng cấp đô thị khiến thị trường bất động sản Thuận An, tỉnh Bình Dương đang ngày một sôi động.

Năm 2019 bất động sản tại Thuận An đón dòng vốn mạnh từ các nhà đầu tư, trong đó đất nền là kênh chiếm ưu thế hơn cả. Lý giải nguyên nhân, nhiều chuyên gia cho biết, nhờ hưởng lợi lớn về vị trí địa lý, khi là nơi nằm giữa TP. HCM và TP. Thủ Dầu Một. Ngoài ra, trước vấn đề quỹ đất tại TP. HCM dần hạn hẹp, việc phân lô bán nền ngày càng siết chặt thì Thuận An chính là điểm đến lý tưởng để đầu tư đất nền, khi quỹ đất còn dồi dào.

Theo nhận định từ các chuyên gia, giá bất động sản Thuận An sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới, đặc biệt với những dự án có nhiều ưu thế về vị trí, hạ tầng và tiện ích sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư xuống tiền, khi thị trường còn nhiều tiềm năng và mức sinh lời tối ưu.

Theo đại diện UBND thị xã Thuận An, trong năm 2019, Thuận An đã bố trí vốn để triển khai thi công hàng loạt tuyến đường nhằm chỉnh trang đô thị, nhất là các công trình gần khu vực đông dân cư và các công trình dân sinh khác như: nâng cấp, mở rộng đường Thuận Giao 25; các dự án khu tái định cư Bình Hòa, An Thạnh, Hưng Định; xây dựng đường Lái Thiêu PKV-21A (đường dẫn vào khu Trung tâm Văn hóa thể dục thể thao); đường ĐT 747B; ĐT 743… Ngoài ra còn xây dựng mới các tuyến đường D4, N4 (đường vào Trường tiểu học Thuận giao 2)…

Mới đây nhất, HĐND tỉnh Bình Dương đã công bố Nghị quyết tán thành Đề án thành lập thành phố Thuận An khiến cho hàng loạt dự án đất nền hiện có trên địa bàn đang được rốt ráo mở bán.

Tính từ đầu năm 2019, thị trường bất động sản Bình Dương bất ngờ lên cơn sốt, thu hút giới đầu tư đổ xô đến tìm kiếm cơ hội. Nóng nhất là phân khúc đất nền và nhà phố thương mại tại thị xã Thuận An trước ngưỡng cửa địa phương này lên thành phố vào năm 2020.

Theo kết quả thống kê cho thấy, ở thời điểm hiện tại, trên địa thị xã Thuận An có 5 dự án đất nền đang được chào bán với tổng số 1.416 lô đất. Dưới đây là thông tin chi tiết về 5 dự án này.

TPHCM: Dự kiến có thêm gần 3.900 nhà ở xã hội trong năm 2020

Theo dự kiến trong năm 2020, TPHCM sẽ hoàn thành 3.879 căn hộ nhà ở xã hội

 Báo PLO dẫn báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM vừa có báo cáo về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, đối với nhà ở xã hội, trong năm 2020, TPHCM sẽ phấn đấu có thêm ba dự án với tổng diện tích 1,896 ha, quy mô 3.879 căn hộ, hơn 281.372 m2 sàn xây dựng.

Cũng theo Sở xây dựng, thống kê sáu tháng cuối năm 2019, TPHCM có thể hoàn thành sáu dự án với quy mô 3.810 căn hộ. Với kết quả này, lũy kế trong giai đoạn 2016-2020 hoàn thành gần 18.000 căn hộ nhà ở xã hội với nguồn vốn lên đến 21.834 tỉ đồng.

Để phát triển nhà ở xã hội tại TPHCM, Sở Xây dựng TP kiến nghị sẽ sử dụng quỹ đất do Nhà nước quản lý, nguồn vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách và từ các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, đấu thầu lựa chọn CĐT thực hiện các dự án sử dụng quỹ đất công và cuối cùng là cải cách hành chính các thủ tục đầu tư, nghiên cứu hoàn thiện về cơ chế chính sách tín dụng, thuế… để khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với nhu cầu của người thu nhập thấp ở TPHCM.

TPHCM "mở đường" cho các nhà đầu tư lớn vào phát triển khu đô thị thông minh, BĐS khu Đông đang bùng nổ trở lại

TPHCM "mở đường" cho các nhà đầu tư lớn vào phát triển khu đô thị thông minh, BĐS khu Đông đang bùng nổ trở lại.

Thời gian qua, khu Đông luôn được TP.HCM chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế. Đây chính là điều kiện rất lớn giúp thị trường nhà ở tại quận 2, quận 9 hay Thủ Đức phát triển, thu hút dân cư về làm việc và sinh sống. Đó cũng là nền tảng vững chắc để TPHCM từng bước hình thành nên khu đô thị thông minh trong thời gian tới.

Khu đô thị sáng tạo phía Đông của TPHCM được xem là một giải pháp quan trọng trong tiến trình xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Từ đó, TPHCM đang ra sức kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực tham gia cùng phát triển với những cơ chế chính sách mới, thuận lợi hơn.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Thành phố định hướng việc hình thành khu đô thị thông minh nằm ở cửa ngõ thành phố  bao gồm quận 2, 9 và Thủ Đức, dựa trên nền tảng khu vực này có nhiều cơ sở hạ tầng thuận lợi trong hiện tại cũng như tương lai gần.

Mới đây, Thành uỷ TPHCM đã tổ chức buổi gặp gỡ lãnh đạo thành phố và cộng đồng kiểu bào Việt Nam ở nước ngoài cùng hàng trăm nhà đầu tư đa quốc gia khác. Cuộc gặp này được diễn ra trong bối cảnh TPHCM đang quyết tâm xây dựng TPHCM trở thành hạt nhân của Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Đặc biệt, khu đô thị sáng tạo phía Đông của TPHCM được xem là một giải pháp quan trọng trong tiến trình xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, đang được TP huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước triển khai thực hiện.

Theo nhận định của các chuyên gia, 2020 sẽ là năm bản lề để thị trường tăng trưởng vượt bậc nhờ vào nhiều yếu tố tốt. Theo đó, thị trường đã có xu hướng hình thành những khu đô thị vệ tinh lớn ở Hà Nội và TPHCM với những khu đô thị lớn có giá trung bình và trung bình thấp với quy mô lớn.

Tại khu Đông, thời gian qua các nhà đầu tư BĐS đã và đang phát triển hàng loạt dự án nhà ở quy mô lớn, như Đại Quang Minh có khu đô thị Sala; Kepple Land có khu đô thị Palm City, Novaland với Lakeview City, Khang Điền có Merita, Venica, dự án căn hộ Jamila và mới đây nhất là dự án nhà vườn Rosita GardenCông ty Địa ốc Phú Long cũng mang ra thị trường một khu đô thị nằm tại phường Phú Hữu, Hưng Thịnh Corp đã chính thức giới thiệu dự án Lavita Charm ra thị trường, Vingroup với dự án gần 10.000 căn hộ đang làm "nóng" cả thị trường...

Theo ghi nhận thị trường đầu năm 2019, nhiều khu vực tại khu Đông gần đây không ngừng tăng giá mạnh. Phân tích của giới chuyên môn, việc giá đất tại khu Đông ngày càng tăng giá là điều dễ hiểu, trong đó yếu tố chính là do sự phát triển của hạ tầng giao thông, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ các quận của khu Đông vào trung tâm Thành phố.

Định hướng phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030

Ngày 17-10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 17 mở rộng để thảo luận và thông qua chủ trương, định hướng phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030. Hội nghị đã biểu quyết thống nhất chủ trương và định hướng phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030 theo hai giai đoạn 2020-2025 và 2025-2030, làm cơ sở để lập Đề án mở rộng địa giới hành chính TP Huế và xây dựng vùng lõi của đô thị TT-Huế trực thuộc Trung ương.

Hội nghị thống nhất chủ trương xây dựng Bộ tiêu chí đô thị di sản để Thường vụ Tỉnh ủy TT-Huế có cơ sở báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung, sửa đổi tiêu chí phân loại đô thị tại Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016, trong đó có thể xem xét lấy tỉnh TT-Huế làm mô hình điểm. Đồng thời, hội nghị thống nhất thông qua chủ trương xây dựng cơ chế chính sách đặc thù áp dụng tỉnh TT-Huế là “Đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương”.

Theo tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy TT-Huế, Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2020-2025), tỉnh TT-Huế xây dựng, phát triển không gian đô thị TP Huế hướng biển theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương, với quy mô khoảng 267km2. Phạm vi nghiên cứu gồm khu vực TP Huế hiện hữu; TX Hương Thủy gồm các xã Thủy Vân, Thủy Bằng; TX Hương Trà gồm các phường, xã như Hương Hồ, Hương An, Hương Thọ, Hương Vinh, Hải Dương, Hương Phong; H. Phú Vang gồm các xã, thị trấn như Thuận An, Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh. Giai đoạn 2 (2025-2030), trên cơ sở định hướng phát triển của giai đoạn 1, tỉnh TT-Huế tiếp tục xây dựng, phát triển không gian đô thị theo định hướng của đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh TT-Huế và quy hoạch chung TP Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với vùng lõi đô thị có quy mô khoảng 348 km2 gồm TP Huế mở rộng, đô thị Hương Thủy và đô thị Hương Trà.

Theo Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế Lê Trường Lưu, việc lập đề án xây dựng và phát triển đô thị Huế là vấn đề cấp thiết hiện nay. Đề án này là một bước cụ thể hóa đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh TT-Huế và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Đồng thời, thực hiện chủ trương mở rộng không gian phát triển đô thị Huế tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Hải Phòng chỉ định nhà đầu tư khu nhà ở xã hội hơn 648 tỷ đồng

Dự kiến, trong quý IV/2019, Sở Xây dựng TP. Hải Phòng sẽ tiến hành chỉ định nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại xã An Đồng, huyện An Dương, TP. Hải Phòng.

Dự án có tổng chi phí thực hiện hơn 648,695 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 2,546 tỷ đồng. Tổng diện tích sử dụng đất của Dự án là hơn 30.000 m2, thời gian thực hiện hợp đồng là 3 năm.

Trước đó, Công ty CP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (trụ sở tại Hải Phòng) là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển. Nhiều khả năng, Hoàng Huy là nhà đầu tư được chỉ định tthực hiện Dự án.

Cũng tại Hải Phòng, Hoàng Huy vừa hoàn thành một dự án nhà ở cho người thu nhập thấp (huyện An Dương) với quy mô 20,8 ha và tổng mức đầu tư 970 tỷ đồng.

Vĩnh Long cảnh báo nhiều khu dân cư trái phép rao bán rầm rộ

Khu dân cư tự phát trên địa bàn Vĩnh Long tập trung chủ yếu ở TP Vĩnh Long và huyện Long Hồ, trong đó có dự án bị chính quyền xử lý nhưng vẫn rao bán công khai.

Nhiều tháng qua, người dân tỉnh Vĩnh Long lẫn các tỉnh, thành khác khi di chuyển trên Quốc lộ 1, đoạn qua xã Phú Quới, huyện Long Hồ đều gặp cảnh các nhân viên Công ty Bình Điền tràn ra đường, rầm rộ phát tờ rơi mời chào giao dịch đất phân lô, bán nền cho dự án khu dân cư Bình Điền 6.

Bên cạnh đó, khắp các tuyến đường trong nội ô TP Vĩnh Long cũng đầy băng rôn quảng cáo đất nền của dự án trên.

Sáng 18-10, tại cuộc họp báo thông tin báo chí quý 3-2019, bà Phan Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch UBND huyện Long Hồ - cho biết hiện các dự án phân lô bán nền, khu dân cư tự phát trên địa bàn huyện rất nhiều và địa phương đang xử lý.

Riêng dự án khu dân cư Bình Điền 6 vốn là đất của cá nhân ông Mai Văn Minh Nhựt, hình thành từ nhiều đời chủ sở hữu khác nhau. Sau nhiều lần tách thửa hiện khu này có 96 thửa với 11 chủ sở hữu, trong đó có 81 thửa hình thành và đã chuyển sang đất thổ cư.

Hiện tại đã có 18 thửa thực hiện giao dịch, sang nhượng. Nhưng có đến 14 thửa nằm trên phạm vi hành lang an toàn đường bộ của tuyến Quốc lộ 1 và không được cấp thẩm quyền cấp phép thi công.

Diện tích còn lại là 2.143m2 chủ đầu tư đã cho làm đường giao thông nhựa rộng 6m, đấu nối trái phép vào Quốc lộ 1 và đã bị UBND huyện Long Hồ xử phạt hành chính 23,5 triệu đồng.

"Khu đất này đang thuộc đất quy hoạch trường đại học Quốc tế, thuộc loại đất giáo dục. Theo đồ án quy hoạch chung, vị trí mà Bình Điền 6 đang rao bán nền không được nhà nước quy hoạch khu dân cư nông thôn. UBND huyện cảnh báo việc giao dịch đất đai tại các khu tự phát, phân lô bán nền trên toàn huyện", bà Hạnh nói.

Ông Đặng Văn Lượng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long - cho biết thêm, hiện các khu dân cư tự phát, phân lô bán nền tập trung chủ yếu ở TP Vĩnh Long và huyện Long Hồ.

Cụ thể trên địa bàn TP Vĩnh Long có 23 khu dân cư tự phát, phân lô bán nền, còn lại tập trung ở huyện Long Hồ. UBND tỉnh cũng đã có chỉ thị và yêu cầu thanh tra tỉnh vào cuộc xử lý.

Kiểm tra kết quả tỉ lệ giải ngân các dự án ở TP.HCM

UBND TP.HCM vừa giao Sở Tài chính phối hợp với Sở KH&ĐT và Kho bạc Nhà nước TP thành lập đoàn kiểm tra.

Theo đó, đoàn sẽ đi kiểm tra tại 30 đơn vị có tỉ lệ giải ngân dưới 40% kế hoạch vốn được giao trong năm 2019; kiểm tra các đơn vị có số dự án chậm lập hồ sơ quyết toán và đơn vị chậm thẩm tra phê duyệt quyết toán.

Cụ thể, đoàn sẽ kiểm tra khối lượng thực hiện giải ngân trong tám tháng đầu năm 2019 và việc thực hiện quyết toán các dự án sử dụng ngân sách TP của các chủ đầu tư.

Riêng đối với UBND năm huyện, đoàn sẽ kiểm tra thêm về tình hình thanh quyết toán nguồn vốn đầu tư nông thôn mới thuộc Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015. Đồng thời kiểm tra tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư nông thôn mới thuộc “Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”.

Thu hồi hai dự án du lịch ở Cam Ranh

Tỉnh Khánh Hòa thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của hai dự án du lịch tại Mũi Hời do nằm gần khu căn cứ quân sự Cam Ranh.

Ngày 18/10, ông Trần Minh Hải, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Khu biệt thự nghĩ dưỡng - du lịch sinh thái Mũi Hời và Khu du lịch sinh thái Mũi Hời - Ngọc Sương tại xã Cam Lập, TP Cam Ranh.

Hai dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2011 và 2012, hiện vẫn chưa hoàn thành. Trong đó, dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng - du lịch sinh thái Mũi Hời do Công ty TNHH Văn Phong đầu tư, với diện tích 40 hecta. Dự án còn lại có diện tích 8 hecta của Công ty Cổ phần Ngọc Sương.

Theo ông Hải, vị trí hai dự án này năm trên đất quốc phòng, gần khu vực căn cứ quân sự Cam Ranh. Lúc thực thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, địa phương đã xin ý kiến Bộ Quốc phòng và đã được được đồng ý.

Tuy nhiên, tháng 9/2015 Thủ tướng ban hành quy chế đảm bảo an ninh, an toàn khu căn cứ quân sự Cam Ranh. Với quy quy định này, khu vực Mũi Hời, đảo Bình Ba và Hòn Chút sẽ không được phát triển du lịch.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương sẽ tính toán và có phương án bồi thường cho nhà đầu tư khi họ đã thực hiện các bước đền bù giải phóng mặt bằng.

Bến xe Miền Đông mới chưa hẹn ngày về đích

Được kỳ vọng sẽ đưa vào khai thác trước ngày 15-8 nhưng đến nay, Bến xe Miền Đông mới tại Thị xã Dĩ An (Bình Dương) và quận 9 (TP.HCM) vẫn chưa hẹn ngày về đích.

Đến nay, Bộ Xây dựng đã chấp thuận nghiệm thu đưa công trình vào hoạt động. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất khiến bến xe chưa đưa vào khai thác là công tác thẩm định giá cho chủ đầu tư thuê đất xây dựng bến xe đang chờ Hội đồng thẩm định giá đất TP xem xét.

Do chưa ký hợp đồng thuê đất, chủ đầu tư là Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH một thành viên (Samco) chưa đủ cơ sở pháp lý để ký hợp đồng với đơn vị khai thác dịch vụ quản lý bến xe. Đồng thời, chưa có cơ sở pháp lý để đấu thầu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích trong nhà ga theo qui định.

Trước tình hình trên, Sở Giao thông vận tải TP kiến nghị UBND TP chỉ đạo Samco khẩn trương rà soát và xác định thời điểm cụ thể đưa Bến xe miền Đông mới vào hoạt động.

Đề nghị Hội đồng thẩm định giá đất TP sớm xem xét, hoàn tất việc thẩm định giá đất Bến xe miền Đông mới để chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục đưa bến xe vào hoạt động.

Sáng 18-10, đại diện Sở Giao thông vận tải TP cho biết đang chờ Samco hoàn tất thủ tục nên chưa xác định được thời gian đưa vào khai thác Bến xe miền Đông mới. Hiện Sở đã hoàn tất tổ chức luồng tuyến vận tải, điều chỉnh tuyến xe buýt phục vụ hành khách ở bến xe mới.

Bản tin bất động sản hôm nay 17/10: Giai đoạn 2021- 2030 sẽ miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm thuế SDĐNN -Bản tin bất động sản ngày 17/10 có những nội dung nổi bật sau: Sức hút của Đô thị sinh thái thông minh ngay cửa ngõ TP.HCM; Duyệt đồ án quy hoạch 1/500 dự án lấn biển 8.000 tỷ tại TP. ...
 
Tập đoàn Novaland vinh dự nhận giải thưởng Doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc châu Á 2019 - Tại Lễ trao giải thưởng Kinh doanh xuất sắc Châu Á 2019 lần thứ 13, Tập đoàn Novaland vinh dự được xướng tên hạng mục Doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc Châu Á 2019.