Gọi đầu tư Trung tâm triển lãm hơn 158.000 m2 tại Thủ Thiêm
UBND TPHCM vừa giao Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm làm bên mời thầu tổ chức sơ tuyển và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu phức hợp Trung tâm Hội nghị triển lãm, khách sạn và Thương mại dịch vụ tại khu chức chức năng số 1 Khu đô thị mới Thủ Thiêm...
Theo đó, dự án có tổng diện tích đất là hơn 158.000 m2 (chưa bao gồm diện tích đất hành lang bảo vệ sông Sài Gòn và kênh số 1). Thời gian thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Địa điểm thực hiện dự án này nằm ở các lô đất ký hiệu 1-12 và 1-20 thuộc khu chức năng số 1, khu đô thị mới Thủ Thiêm, phường An Khánh, quận 2.
Được biết cũng tại Thủ Thiêm, một dự án khác là Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP. HCM trị giá 800 tỷ đồng sau hơn 5 năm thi công vẫn là một khối bê tông gắn khung sắt, nằm trơ trọi giữa những lô đất trống ở Thủ Thiêm, quận 2.
Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP. HCM có diện tích 18.000 m2, được xây dựng tại khu đất giữa tuyến đường Ven sông Sài Gòn và đường chính R1 (đại lộ Vòng Cung) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.
Công trình cao 5 tầng, tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ năm 2014.
Dự kiến đưa vào sử dụng vào tháng 4/2016 nhưng công trình này phải lùi thời hạn hoàn thành đến năm 2017. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm, dự án bị bất động, đã dừng thi công một thời gian dài khi đạt khoảng 80% khối lượng phần thô.
Bà Rịa - Vũng Tàu duyệt đầu tư 2 dự án mới
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa chấp thuận đầu tư hai dự án gồm Khu nhà ở Long Hương tại phường Long Hương, TP. Bà Rịa và Khu nhà ở An Sơn tại Thị trấn Long Điền, huyện Long Điền.
Theo đó, dự án Khu nhà ở Long Hương tại phường Long Hương (giai đoạn 1) do Công ty TNHH Bất động sản Phước Sơn làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích khoảng 5,3 ha gồm 200 căn, trong đó có 156 căn nhà liên kế và 44 căn biệt thự, quy mô dân số khoảng 800 người.
Dự án có tổng mức đầu tư 122 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 36 tháng kể từ ngày ký quyết định đầu tư.
Trong khi đó, dự án Khu nhà ở An Sơn do Doanh nghiệp tư nhân An Sơn làm chủ đầu tư có diện tích 1,93 ha với quy mô 100 căn nhà ở, trong đó có 69 căn nhà liên kế và 31 căn nhà ở độc lập; quy mô dân số khoảng 400 người.
Dự án có tổng vốn đầu tư 95 tỷ đồng và hoàn thành sau 24 tháng kể từ ngày ký quyết định đầu tư.
Thông tin thị trường nhà đất mới nhất: Đất Đà Lạt bị cò thổi giá
Đất Đà Lạt đang bị "đội quân cò đất" làm nhiễu loạn giá... Trong khi đó, giới đầu tư địa ốc đang đổ về Bình Phước săn đất biến khu vực này trở thành một trong những thị trường sôi động tại khu vực Đông Nam Bộ...
Từ đầu năm đến nay, cò đất lộng hành ở TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) khiến thị trường bất động sản TP. Đà Lạt nói riêng và cả tỉnh Lâm Đồng nói chung trở nên phức tạp. Có thời điểm, giá đất dọc các tuyến đường trung tâm TP. Đà Lạt bị cò "hét" tới hơn 1 tỉ đồng/m2. Đất nông nghiệp dù không được phép xây dựng cũng bị phân lô, rao bán nền trái phép lên tới 20 triệu đồng/m2.
Những ngày cuối tháng 10, trong vai người có nhu cầu mua một lô đất tầm 700 - 900 triệu đồng tại khu Trường Xuân, xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), phóng viên Báo Người Lao Động được một người đàn ông tên Thành dẫn đến khu đất vốn để trồng cà phê nhưng đã bỏ hoang cỏ mọc um tùm và giới thiệu nơi đây đang được quy hoạch thành khu đô thị nên giá đất rất sốt, tăng từng ngày, nếu không đầu tư sẽ mất cơ hội ngay. "Lô đất này 100 m2, là suất ngoại giao nên xin được giá hữu nghị 7 triệu đồng/m2.
Thời gian đầu, anh chỉ cần nộp tiền theo giai đoạn thông qua hợp đồng góp vốn. Khi nào nộp đủ tiền là có ngay sổ đỏ và xây công trình vì chủ đầu tư có tiềm lực mạnh..." - cò Thành khẳng định.
Thế nhưng, sau đó, khi tìm hiểu trên các trang mua bán bất động sản Lâm Đồng và các trang mạng xã hội, không khó nhận ra có nhiều người tự nhận là chủ lô đất nói trên và rao bán với giá 7,5 triệu đồng/m2 kèm theo nhiều cam kết về pháp lý, mức sinh lời rất hấp dẫn.
Nắm bắt xu hướng và cơ hội đầu tư với Novaland Expo 12/2019
Tiếp nối thành công của Triển lãm BĐS vào tháng 06/2019 với hơn 12.000 khách tham quan, Novaland Expo vào tháng 12/2019 sắp tới đây sẽ là Triển lãm BĐS có quy mô lớn và có sự tham gia đồng hành của các đối tác chiến lược của Novaland trong nhiều lĩnh vực. Chương trình hứa hẹn mang đến một không gian trải nghiệm ấn tương cùng cơ hội sở hữu BĐS cho khách hàng và nhà đầu tư.
Novaland Expo tháng 12/2019 tập trung giới thiệu sản phẩm BĐS nhà ở, BĐS đô thị vệ tinh và BĐS du lịch nghỉ dưỡng ấn tượng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, triển lãm lần này có sự tham gia đồng hành của các đối tác chiến lược của Novaland trong nhiều lĩnh vực như Lưu trú – phong cách sống, Vật liệu Xây dựng nội ngoại thất, Tài chính Ngân hàng, Giải trí – Thể thao.
Đến với Novaland Expo tháng 12/2019, thông qua các phân khu chức năng khác nhau với nhiều không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, khách tham quan không chỉ cảm nhận được rõ nét về bức tranh tổng thể thị trường trong nhiều lĩnh vực, hơn hết là những giá trị lâu dài, bền vững từ chuỗi dự án BĐS và hệ sinh thái dịch vụ được cung cấp bởi các đối tác chiến lược của Novaland như Công ty DP Consulting (Tư vấn thiết kế, xây dựng, vận tải), Công ty Daikin, Panasonic (Điện lạnh), KTG (Thiết bị điện và chiếu sáng), Galaxy, Fitin (Thiết kế, thi công, phân phối nội ngoại thất), Schindler (Thang máy), Ricons (Xây dựng), Hafele (Phụ kiện nội thất), Minh Thành (Máy phát điện)…
Trong không gian trưng bày của Triển lãm, Novaland sẽ giới thiệu các dòng sản phẩm nổi bật, độc đáo của BĐS nhà ở, BĐS đô thị vệ tinh và BĐS nghỉ dưỡng như The Grand Manhattan (Q.1,TP.HCM), Aqua City (Đồng Nai), NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), NovaWorld Ho Tram (BR-VT), NovaBeach Cam Ranh (Khánh Hòa)… với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Theo dòng sự kiện, bên cạnh các thông tin về dự án, Novaland Expo 2019 cũng sẽ mang đến khách hàng những thông tin hữu ích về thị trường thông qua các buổi hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực.
Loạt đại gia bất động sản An Quý Hưng, Bitexco, Xuân Cầu...đem dự án đi thế chấp ngân hàng
Loạt đại gia bất động sản An Quý Hưng, Bitexco, Xuân Cầu...đem dự án đi thế chấp ngân hàng
Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) vừa thông báo danh sách các chủ đầu tư thế chấp dự án trong tháng 10 và tháng 9.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa có thông báo về việc Công ty TNHH An Quý Hưng Land đã đăng ký thế chấp Khu nhà ở thấp tầng - Dự án Khu văn phòng giao dịch, thương mại, giới thiệu sản phẩm và nhà ở, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ tại Ngân hàng TNHH Indovina - Chi nhánh Thiên Long.
Cụ thể, vào tháng 10/2019, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã thực hiện đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại 33 Giấy chứng nhận tại địa chỉ Khu nhà ở thấp tầng - Dự án Khu văn phòng giao dịch, thương mại, giới thiệu sản phẩm và nhà ở, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ do Công ty TNHH An Quý Hưng Land làm chủ đầu tư đăng ký thế chấp tại Ngân hàng TNHH Indovina - Chi nhánh Thiên Long.
Trước đó, tại thông báo số 11210/TB-VPĐKĐĐ-TTLT ngày 1/10, Văn phòng Đăng ký đất đai cũng phát đi văn bản cho biết, Công ty CP Bitexco đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất thuộc Dự án Khu đô thi Nam đường Vành đai 3 giai đoạn 1 (tên thương mại là The Manor Central Park), xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, và phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Cụ thể, Công ty CP Bitexco đã thế chấp quyền sử dụng đất (để xây dựng nhà ở thấp tầng) tại ô đất 14-TM1, 14-TM2, 14-TM3, 14-TM4, 14-TM5, 14-TM6, 16TM1, 16TM2, 16TM3A, 16TM3B, 16TM3C, 16TM3D, 16TM3E, 16TM3F thuộc Dự án The Manor Central Park cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội.
Cùng với An Quý Hưng và Bitexco, một đại gia BĐS khác là Xuân Cầu vừa mang dự án đi thế chấp ngân hàng trong tháng 9. Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư Xuân Cầu đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại các dự án thuộc xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội - Dự án Xanh Villas. Bên nhận thế chấp là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa.
Tài sản thế chấp là quyền sử dụng 5 thửa đất tại dự án Xanh Villas, gồm: Thửa 115, 114, 119, 120, 117 với tổng diện tích thế chấp là 31.000 m2.
Được biết, Luật Nhà ở 2014 quy định dự án đã thế chấp ở ngân hàng phải được giải chấp trước khi bán cho khách hàng. Thực tế trước đây đã có những tranh chấp giữa Chủ đầu tư và khách hàng liên quan đến việc thế chấp dự án. Vì vậy, trước khi ký hợp đồng mua bán dự án đã thế chấp ngân hàng, người mua nhà cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản đã giải chấp căn hộ dự định mua.
Phong tỏa tài khoản, tài sản của nữ Giám đốc Công ty Angel Lina
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phong tỏa tài khoản ngân hàng, tài sản của nữ Giám đốc Công ty Angel Lina lừa đảo hàng trăm khách hàng.
Ngày 5.11, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đã phong tỏa tài khoản, tài sản của bà Phạm Thị Tuyết Nhung (38 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM), Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Angel Lina (gọi tắt Công ty Angel Lina).
Sau khi Công an khởi tố, bắt giam nữ giám đốc này, có rất nhiều nạn nhân đến Cơ quan CSĐT trình báo, tố cáo hành vi lừa đảo của bà Phạm Thị Tuyết Nhung và những người liên quan.
9 dự án “ma” được công ty bà Nhung vẽ ra và đặt tên như sau: Khu dân cư Triều An (P.An Lạc, Q.Bình Tân); Khu dân cư Tây Lân (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân); Khu dân cư đường liên khu 5 - 6 (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân); Khu dân cư đường Nguyễn Thị Tú (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân); Khu dân cư Bùi Thanh Khiết (TT.Tân Túc, H.Bình Chánh); khu dân cư P.Linh Trung (Q.Thủ Đức); Khu dân cư Đỗ Xuân Hợp (P.Phước Long B, Q.9); Khu dân cư P.Đông Hưng Thuận (Q.12); Khu nhà ở đường Phạm Văn Sáng (xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn).
Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tiếp nhận trên 200 đơn của người dân tố cáo bà Phạm Thị Tuyết Nhung với số tiền chiếm đoạt hơn 285 tỉ đồng. Hiện Công an TP.HCM, đang mở rộng điều tra nữ Giám đốc Công ty Angel Lina và những người liên quan về hành vi lừa đảo.
Gian nan cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lại tắc vốn
Khởi động tháng 2/2015, dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận được đặt kỳ vọng hoàn thành vào năm 2018 để rút ngắn thời gian lưu thông từ TP. HCM đi các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, công trình vẫn ngổn ngang, khi sản lượng thi công của dự án đến tháng 2/2019 mới đạt khoảng 7 - 8%.
Báo cáo của doanh nghiệp dự án lúc đó cho thấy, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng dự án ì ạch, chậm tiến độ nghiêm trọng xuất phát từ năng lực tài chính yếu kém của các nhà đầu tư khi suốt thời gian dài không thể vay được nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng.
Dự án nhen nhóm dấu hiệu khởi sắc từ tháng 3/2019 khi Tập đoàn Đèo Cả được liên danh nhà đầu tư mời vào để bổ sung năng lực điều hành cho doanh nghiệp dự án. Chỉ sau gần 3 tháng với sự có mặt của Tập đoàn Đèo Cả, đến tháng 6/2019, khối lượng dự án đã tăng thêm được gần 10%.
Thế nhưng, kể từ đó đến nay, dự án vẫn đang phải đối diện với nguy cơ không thể thông tuyến vào cuối năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng vì nguồn vốn tín dụng cho dự án chưa được khơi thông.