Các chính sách hiệu lực có hiệu lực vào cuối tháng 4/2021

(VOH) – Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, Luật Chăn nuôi, qui định vào phòng thi, thi vào trường năng khiếu thể dục thể thao… là các chính sách có hiệu lực vào cuối tháng 4/2021

Không thu thuế đối với hàng hóa thuộc đối tượng hoàn thuế nhưng chưa nộp thuế

Tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực từ 25/4/2021 đã bổ sung quy định về các trường hợp không thu thuế xuất, nhập khẩu (XNK).

Theo đó, không thu thuế đối với hàng hóa thuộc đối tượng hoàn thuế nhưng chưa nộp thuế theo quy định như: Hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập; Hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất; Hoàn thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất.

Hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã xuất khẩu sản phẩm; Hoàn thuế đối với trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế XNK nhưng không có hàng hóa XNK hoặc XNK ít hơn so với hàng hóa XNK đã nộp thuế; không hoàn thuế đối với trường hợp có số tiền thuế tối thiểu.

Không thu thuế đối với hàng hóa không phải nộp thuế XNK quy định về: Hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập; Hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất; Người nộp thuế nộp hồ sơ không thu thuế cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục XNK hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan hoặc sau khi hàng hóa đã thông quan.

đánh dập vật nuôi
Ảnh minh họa

Luật Chăn nuôi: hành hạ vật nuôi bị phạt đến 3 triệu đồng

Luật Chăn nuôi yêu cầu phải đối xử nhân đạo đối với vật nuôi. Nghị định 14/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/4/2021 sẽ xử phạt mạnh tay với người đánh đập, hành hạ tàn nhẫn với vật nuôi.

Cụ thể, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi. Riêng với cơ sở giết mổ tập trung, nếu đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ cũng sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định cũng qui định với chăn nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình, nếu không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh sẽ bị phạt từ 500.000 -1 triệu đồng. Ngoài bị phạt tiền, còn buộc phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường

Quy định xử phạt VPHC trong hoạt động nuôi chim yến

Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi chính thức có hiệu lực từ ngày 20/4/2021.

Theo đó, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định về hoạt động nuôi chim yến sau:

Sử dụng thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến vượt mức tiếng ồn tối đa cho phép theo quy định; Phát âm thanh để dẫn dụ chim yến ngoài khoảng thời gian quy định.

Người vi phạm phải thực hiện biện pháp giảm tiếng ồn theo quy định đối với hành vi vi phạm. Ngoài ra, quy định phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học.

Học sinh từ 6 - 15 tuổi được thi vào trường năng khiếu thể dục thể thao

Ngày 12/3/2021, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 07/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông năng khiếu thể dục, thể thao.

Theo đó, quy định đối tượng tuyển sinh vào trường phổ thông năng khiếu TDTT là học sinh có độ tuổi từ 6 tuổi đến 15 tuổi, hoàn thành chương trình giáo dục theo độ tuổi, cấp học tương ứng theo quy định. Có sức khoẻ, thể hình, đạo đức tốt, học lực từ trung bình trở lên, có năng khiếu TDTT và có nguyện vọng phát triển tài năng thể thao cống hiến cho sự nghiệp thể thao quốc gia.

Được sự đồng ý của gia đình và đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định đều được tham gia thi tuyển vào trường phổ thông năng khiếu TDTT theo các môn thể thao sở trường.

Thông tư 07/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 27/4/2021

đình chỉ thi nếu đem vào phòng thi trái phép
Ảnh minh họa

Đình chỉ thi tốt nghiệp THPT nếu mang vật dụng trái phép vào phòng chờ

Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, có hiệu lực từ ngày 27/4/2021.

Theo đó, thí sinh mang vật dụng trái phép theo quy định tại Điều 14 Quy chế thi tốt nghiệp THPT vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ sẽ bị đình chỉ thi (hiện hành chỉ quy định đối với phòng thi).

Cụ thể, quy chế thi quy định: Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ (cụ thể trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GDĐT), Atlas Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác) do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Cấm mang vào phòng thi: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.

Ngoài ra còn có, Thông tư 02/2021/TT-BKHCN

Quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, có hiệu lực từ ngày 25/4/2021.