Chờ...

Cảnh giác với những dự án 'ma' trong giao dịch bất động sản

(VOH) – UBND phường Tân Thới Nhất quận 12 TPHCM vừa phát đi thông báo về việc “mua bán căn hộ có dấu hiệu lừa đảo tại đường Phan Văn Hớn, thuộc phường Tân Thới Nhất, quận 12”.

Theo đó, thời gian gần đây, UBND phường Tân Thới Nhất có nắm bắt được thông tin một sàn giao dịch bất động sản tổ chức giới thiệu cho khách hàng về dự án căn hộ nhà ở xã hội Lê Minh, Bộ Công an, ngụ trên địa bàn phường.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, UBND phường xác định hiện nay trên địa bàn không có dự án căn hộ nhà ở xã hội nào của công ty Lê Minh được triển khai. Nhận thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo, UBND phường thông báo đến nhân dân trên địa bàn phường và các khu vực lân cận được biết để tránh bị lừa đảo.

Quảng cáo dự án căn hộ Lê Minh trên internet

Thông báo trên ngay sau khi được phát ra đã khiến nhiều người dân trong khu vực bất ngờ. Điều đáng ngạc nhiên là ngay cả những người dân trong khu vực cận kề vị trí mà phía môi giới khẳng định sẽ xây dựng dự án chung cư Lê Minh, người dân hoàn toàn tin vào sự tồn tại của dự án này chỉ qua lời khẳng định của môi giới, và đặt tiền cọc với hy vọng sắp tới sẽ mua được căn hộ với giá "mềm" ở khu vực này.

Chị Phan Thị Diễm Trinh, một người dân sống ở khu vực trên thừa nhận đang tìm hiểu thông tin về dự án căn hộ này thì nhận được thông báo của UBND phường nên kịp thời dừng lại ý định đặt cọc mua căn hộ: Vòng vòng đây người ta cũng mua cũng tầm 2 tỷ/căn, miễn có bảo hiểm xã hội cũng được. Mình nghĩ nhà ở xã hội rẻ thì mình cũng tham khảo thử nhưng khi hỏi thì họ nói là đang chờ giấy tờ gì đó”.

Từ thông tin cho biết của chị Diễm Trinh, chúng tôi tìm hiểu thêm từ những người xung quanh thì được biết có một số người đã xuống tiền đặt cọc mua căn hộ trong khi các thông tin về dự án chưa rõ ràng và dự án cũng chưa hề khởi công.

Chị Vũ Thị Hà, ngụ ở khu phố 5 tiết lộ thêm, có vài người hàng xóm của chị đã đặt cọc mua dự án căn hộ trên, thấy vậy nên chị Hà cũng tin tưởng nên khi một số người bạn hỏi thăm về dự án căn hộ này thì chị không ngần ngại chia sẻ. Tuy nhiên, trước buổi hẹn gặp mặt với những người bạn đó thì chị nhận được thông báo của UBND phường nên kịp thời báo cho mọi người dừng lại việc mua bán: Hôm đó họ tính mua, mình thấy thông báo đó là mình báo họ ngưng luôn đó. Những người bạn xung quanh cũng giới thiệu, cũng lên trên mạng tìm hiểu cũng là anh cò đất đó giới thiệu, rồi 1-2 ngày sau là thấy thông báo đó”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ mới đây trên địa bàn phường Tân Thới Nhất mới xuất hiện các thông tin rao bán dự án bất động sản không có thật, mà cách đây không lâu là câu chuyện tương tự đối với các dự án đất nền ở khu vực đường Dương Thị Giang cũng ngụ trên địa bàn phường. Đây là khu vực mà dự án Metro tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương sắp triển khai nên các dự án bất động sản cận kề được khá nhiều người quan tâm.

Lợi dụng tâm lý người dân muốn sở hữu những vị trí có thể trở thành đắc địa trong tương lai nên giới cò lái môi giới làm ăn thiếu chân chính tranh thủ đưa ra những thông tin ảo để chào mời với mưu đồ chiếm đoạt tiền đặt cọc của khách hàng nhẹ dạ cả tin.

Văn bản thông báo của địa phương về dự án căn hộ Lê Minh

Chúng tôi liên hệ với ông Nguyễn Hoàng Hùng – Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất thì được ông cho biết, sự việc mới đây đối với dự án căn hộ Lê Minh, phường nắm được thông tin là do có người dân đến UBND phường tìm hiểu thông tin về dự án căn hộ: Người dân lại hỏi thì mình nói dự án đó hiện chưa có chủ trương đầu tư, chưa có gì hết ! Ông Lê Minh cũng khẳng định đang xin chủ trương, chưa rao bán”

Tình trạng rao bán dự án bất động sản “ma” như trên trong thời gian qua cũng xảy ra khá nhiều ở các địa phương khác, tập trung vào những khu vực đang có tốc độ đô thị hóa cao. Điển hình như trên địa bàn huyện Hóc Môn vừa qua, lợi dụng tình hình sốt đất mà có các đầu nậu, cò đất thôn tính các khu đất nông nghiệp để phân lô bán nền, tự ý vẽ ra các dự án “ma” rồi rao bán.

Chị Lê Thị Thanh Tuyền, người dân ở xã Xuân Thới Sơn cho biết, trước đây từng có trường hợp người dân trên địa bàn bị lừa mua dự án “ma”. Sau đó, UBND xã cắm biển cảnh báo và niêm yết công khai các dự án trên địa bàn nên giờ đây người dân đã có thông tin cụ thể hơn, không còn tin tưởng một cách thiếu căn cứ vào các dự án bất động sản chưa hình thành. Chị Tuyền nói: Xã luôn có niêm yết thông tin cảnh báo coi chừng lừa đảo, hôm trước có anh kia bị lừa nhưng xã thì có cắm bảng cảnh báo hết rồi”.

Ông Phạm Ngọc Hiệu, Phó Chủ tịch xã Xuân Thới Sơn cũng khẳng định, thời gian trước đây, không chỉ là các dự án “ma” mà có cả tình trạng cá nhân tự cắm biển bán đất nhằm lừa đảo người mua, sau đó thì chính quyền địa phương đã kịp thời phát hiện và có biển cảnh báo để người dân cảnh giác trong giao dịch chuyển nhượng nhà đất: Hiện tại không còn ghi nhận các trường hợp lừa đảo nữa”.

Theo các chuyên gia pháp lý, để tránh bị thiệt hại khi giao dịch nhà đất, điều quan trọng nhất là người mua cần tìm hiểu kỹ thông tin pháp lý của bất động sản trước khi tiến hành đặt cọc, phải yêu cầu chủ đất cho kiểm tra sổ đỏ, xem xét tất cả thông tin, đặc biệt là diện tích đất trong giấy chứng nhận so với diện tích thực tế.

Đối với các dự án thì phải tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch trước khi đưa ra quyết định.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, Trưởng ban phổ biến giáo dục pháp luật Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh có lưu ý: “Người dân khi muốn mua bán giao dịch bất động sản thì cần cẩn trọng, nên xem xét chủ đầu tư thật kỹ, cần kiểm tra rà soát lại tình trạng pháp lý. Đọc kỹ những văn bản và giao kết với chủ đầu tư”.

Tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực giao dịch bất động sản diễn ra khá phức tạp hiện nay, do vậy, người mua cần tỉnh táo và phải có sự xác thực thông tin từ chính quyền địa phương về nhà đất trước khi tính đến chuyện giao dịch mua bán. Hành động này là vô cùng cần thiết để tránh thiệt hại cho bản thân cũng như góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.