Cha mẹ có thể bị phạt nếu đã đăng ký khai sinh cho trẻ mà không làm thủ tục nhập khẩu

(VOH) - Bộ Công an cho biết, các bậc cha mẹ có thể bị phạt nếu đã đăng ký khai sinh cho trẻ mà không làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cho trẻ.

Theo thông tin từ Bộ Công an, hiện nay tại Điều 12 Luật Cư trú năm 2020 quy định nơi cư trú của người chưa thành niên và theo khoản 6 Điều 19 Luật này quy định khi đủ điều kiện thì phải làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú.

Do đó, mặc dù không quy định thời hạn bắt buộc trẻ em phải đăng ký thường trú sau khi đăng ký khai sinh nhưng khi có đủ điều kiện đăng ký thường trú mà không thực hiện thì cha, mẹ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. 

Theo đó, mức phạt được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, cụ thể, người dân sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi “Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú”. 

Mặt khác tại khoản 1 và khoản 3 Điều 5 Luật Trẻ em có quy định: “Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình” và “Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em”, do vậy đăng ký thường trú vừa là quyền vừa là trách nhiệm của mỗi công dân, nên khi trẻ em được sinh ra, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của trẻ em, người có trách nhiệm nên thực hiện đăng ký thường trú sớm cho trẻ em.

hộ khẩu
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của trẻ em, người có trách nhiệm nên thực hiện đăng ký thường trú sớm cho trẻ em

Xem thêm: Các địa phương bãi bỏ ngay quy định yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu

Hồ sơ đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú được quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Cư trú, gồm:

  • Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản; 
  • Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Thủ tục được quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú như sau: Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú, nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Bình luận