Theo Tuổi trẻ online, ngày 30/5, chỉ huy phòng nghiệp vụ Công an Hà Nội cho biết thực hiện chỉ đạo của ban giám đốc Công an Hà Nội, đơn vị cùng Công an quận Cầu Giấy đang tập trung điều tra vụ nữ diễn viên V.T.A.T. (23 tuổi, trú tại Trung Hòa, Cầu Giấy) bị lộ "clip nóng".
Yêu cầu đặt ra là nhanh chóng làm rõ cá nhân cũng như động cơ phát tán đoạn video trên của cô T. lên mạng xã hội.
Công an đã làm việc với những người liên quan, tuy nhiên họ cho biết không có tài liệu, cơ sở, chứng cứ nào để biết được ai đã phát tán đoạn clip đó.
Diễn biến sự việc cho thấy tối 25/5, cô T. tổ chức ăn uống tại căn hộ chung cư của mình ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội).
T. cùng nhóm bạn bị hàng xóm nhắc nhở, phản ánh đến cơ quan chức năng do bật nhạc to gây ồn ào, đặc biệt cố tình tụ tập ở thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Công an phường Trung Hòa phối hợp cán bộ cơ sở nhanh chóng có mặt, yêu cầu những người liên quan về trụ sở Công an phường làm việc và kiểm tra hành chính.
Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng xác định số cá nhân trên có biểu hiện sử dụng "bóng cười".
Đến ngày 27/5, đoạn clip nhạy cảm của cô T. cùng bạn trai đã bị cá nhân nào đó phát tán lên mạng xã hội.
Qua vụ việc trên, nhiều người đặt câu hỏi Ai là người phát tán đoạn "clip nóng"? Công an phường có quyền thu giữ và kiểm tra điện thoại? khi có thông tin ngoài kiểm tra hành chính, Công an P.Trung Hòa còn thu điện thoại và yêu cầu cung cấp mật khẩu.
Người phát tán "clip nóng" có thể bị phạt tù đến 15 năm
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TPHCM, người tung video clip riêng tư của nữ diễn viên T. lên mạng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Bộ luật hình sự hiện hành. Điều 326 Bộ luật hình sự 2015 tùy thuộc các yếu tố như dung lượng clip bị phát tán, phương thức thực hiện hành vi hay lượng người tiếp cận clip, người vi phạm có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc chấp hành mức án tối đa 15 năm tù.
Cụ thể, khung hình phạt nhẹ nhất cho hành vi này là bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm tùy vào tính chất phức tạp và nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
Ngoài ra, người phát tán đoạn clip còn có thể bị xem xét, xử lý về tội làm nhục người khác với khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Mức cao nhất của khung hình phạt có thể bị phạt tù đến 5 năm.
Quyền của cá nhân đối với các thông tin được lưu trữ trong điện thoại
Trước khi giải đáp thắc mắc trên của độc giả về vấn đề trường hợp nào công an có quyền kiểm tra điện thoại? chúng tôi khẳng định điện thoại thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức do đó cá nhân có quyền sử dụng cũng như định đoạt nó. Vì điện thoại là nơi lưu trữ thông tin cá nhân, bí mật riêng tư nên theo quy định tại Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 thì:
Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Do đó, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định “Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định”.
Như vậy, cá nhân có toàn quyền bảo vệ thông tin riêng tư được lưu trữ trong điện thoại khỏi sự xâm phạm của cá nhân, tổ chức khác. Tuy nhiên, quyền này sẽ bị hạn chế trong một số trường hợp, trong đó có trường hợp bị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra điện thoại.
Theo quy định tại Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật này bao gồm: Trưởng Công an phường, Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ,… có quyền khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính.
Thẩm quyền của công an theo Luật xử lý vi phạm hành chính
Theo các chuyên gia, pháp luật đã có quy định chi tiết về căn cứ, thẩm quyền, trình tự thủ tục khi tạm giữ, khám xét đồ vật, điện thoại của cá nhân. Và công an chỉ được khám xét, thu giữ các dữ liệu trong điện thoại có liên quan trực tiếp đến vụ án, vụ việc vi phạm hành chính.
Theo luật sư Đỗ Trúc Lâm - Đoàn luật sư TPHCM, đối với cơ quan công an phường, xã, theo Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì chỉ được tạm giữ điện thoại khi có căn cứ xác định đây là tang vật hoặc để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt.
Khi thực hiện tạm giữ, phải lập biên bản và niêm phong tang vật. Người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật. Khi tiến hành khám đồ vật phải lập biên bản, có mặt chủ đồ vật, trong trường hợp chủ đồ vật vắng mặt thì phải có 2 người chứng kiến.
Luật sư Lâm cho biết thêm trưởng công an phường, xã có thẩm quyền quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Trường hợp cán bộ cấp dưới là người lập biên bản thì trong 24 giờ phải báo cáo với trưởng công an phường, xã để xem xét ra quyết định tạm giữ.
"Như vậy, pháp luật đã có quy định chi tiết về căn cứ, thẩm quyền, trình tự thủ tục khi tiến hành tạm giữ, khám xét đồ vật, điện thoại của cá nhân. Chỉ được khám xét, thu giữ các dữ liệu trong điện thoại có liên quan trực tiếp đến vụ án, vụ việc vi phạm hành chính. Đối với các dữ liệu không liên quan thì thuộc bí mật cá nhân, phải được tôn trọng và bảo vệ an toàn bí mật" - luật sư Lâm phân tích.
Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng theo nguyên tắc, công an được quyền kiểm tra những thông tin có liên quan đến hành vi vi phạm, nhưng nếu tùy tiện sử dụng dữ liệu cá nhân để phát tán lên mạng là vi phạm pháp luật.