Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị tuyên án 21 năm tù

VOH - Chiều 5/8, TAND Hà Nội đưa ra phán quyết với cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 người khác trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

HĐXX nhận định hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, số tiền lừa đảo đặc biệt lớn, gây mất niềm tin cho nhà đầu tư. Trong đó bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ mưu cầm đầu.

Hành vi Thao túng thị trường chứng khoán cũng làm ảnh hưởng xấu đến nhà đầu tư, gây bức xúc cho xã hội nên phải có bản án tương xứng.

Ông Trịnh Văn Quyết bị tòa tuyên phạt 3 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán và 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng mức hình phạt tòa tuyên đối với ông Quyết là 21 năm tù.

Cùng bị truy tố hai tội danh trên, các bị cáo: Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ ban kế toán Tập đoàn FLC, em gái ruột ông Quyết) lãnh 14 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga (phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS, em gái ruột ông Quyết) bị phạt 8 năm tù;

Hương Trần Kiều Dung (phó chủ tịch thường trực HĐQT FLC) lãnh 8 năm 6 tháng tù; Trịnh Văn Đại (phó tổng giám đốc Công ty CP xây dựng FLC Faros, anh họ ông Quyết) lãnh 11 năm tù.

Bốn cựu lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM gồm: ông Trần Đắc Sinh (cựu chủ tịch HĐQT) bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù; Lê Hải Trà (cựu tổng giám đốc, cựu ủy viên HĐQT) lãnh 5 năm tù;

Trầm Tuấn Vũ (cựu phó tổng giám đốc, phó chủ tịch hội đồng niêm yết) lãnh 5 năm 6 tháng tù;

Lê Thị Tuyết Hằng (cựu giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên hội đồng niêm yết) bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

HĐXX buộc bị cáo Trịnh Văn Quyết và các bị cáo liên đới bồi thường 1.785 tỷ trong nhóm hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hiện nay, tòa ghi nhận các bị cáo đã bồi thường 264 tỷ đồng. Đối với nhóm hành vi Thao túng thị trường chứng khoán, HĐXX buộc các bị cáo nộp liên đới bồi thường số tiền 684 tỷ đồng.

Trịnh Văn Quyết và các bị cáo tại tòa
Trịnh Văn Quyết và các bị cáo tại tòa

Từ năm 2014 đến năm 2016, các cổ đông chỉ góp gần 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ vào Công ty cổ phần Xây dựng Faros. Tuy nhiên, bị cáo Quyết ký khống hồ sơ, lập chứng từ góp vốn khống để nâng vốn doanh nghiệp lên hơn 4.300 tỷ đồng. Sau đó, các bị can đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty Faros trên HOSE để bán (tương đương giá trị 4.300 tỷ đồng), chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Ngoài ra, với hành vi Thao túng thị trường chứng khoán, cáo trạng xác định: Từ năm 2017 đến 2022, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế cùng đồng phạm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 4 mã cổ phiếu, thu lợi bất chính khoảng 700 tỷ đồng.

Bình luận