Từ ngày 28/11 đến 02/12 tới, Tòa án Nhân dân TPHCM sẽ mở phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Minh Khải (cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM) và 7 thuộc cấp về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngoài cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM, nhóm bị can được đưa ra xét xử gồm: Võ Thị Chinh Nga (cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM), Phí Duy Tiến (cựu Phó Giám đốc), Nguyễn Quốc Toản (cựu Trưởng Khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức), Nguyễn Trí Dũng (cựu Phó Giám đốc), Phan Thị Bích Hạnh (cựu Trưởng Phòng Tài chính - Kế toán), Nguyễn Đỗ Nguyên (cựu Trưởng Khoa Tổng hợp) và Lương Ngọc Tuấn (cựu Phó trưởng Khoa Khám mắt).
Các bị cáo bị đưa ra xét xử ở khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", do gây thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế và người bệnh hơn 14,2 tỷ đồng.
Trong đó, Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chênh lệch tăng hơn 5,2 tỷ đồng, người bệnh đã thanh toán chênh lệch tăng gần 9 tỷ đồng. Quá trình điều tra, một số bị can và người nhà đã tự nguyện nộp khắc phục 6,12 tỷ đồng.
Xem thêm: TPHCM đình chỉ công tác giám đốc và phó giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM để phục vụ điều tra
Vào tháng 10/2017, Thanh tra TPHCM đã công bố kết luận thanh tra toàn diện hoạt động của Bệnh viện Mắt TPHCM trong 2 năm (2015-2016).
Theo kết luận thanh tra, tại Bệnh viện Mắt TPHCM đã xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động; quản lý, sử dụng tài chính mang tính hệ thống một cách tùy tiện, buông lỏng trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát trong nội bộ, của người đứng đầu và của cấp trên trực tiếp, có biểu hiện không rõ ràng, công khai và minh bạch theo quy định.
Sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã vào cuộc và đề nghị truy tố bị can Nguyễn Minh Khải, cựu giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM và các đồng phạm vì đã gây thiệt hại hơn hơn 14 tỷ đồng cho quỹ bảo hiểm y tế và người bệnh.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã làm việc với 11.161 người bệnh (là bị hại), có 9.182 người xác định do số tiền chênh lệch ít - từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn, cao nhất là 1 triệu đồng và hiện đã khỏi bệnh nên đề nghị cơ quan tố tụng sung công quỹ nhà nước phần chênh lệch và không có kiến nghị gì khác; 1.979 người đề nghị bồi thường thiệt hại.
Hiện còn 3.637 người bị hại, Cơ quan điều tra đã có thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng đến nay không ai trình báo.
Theo cáo trạng, thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Minh Khải, các bị can khác đã can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, khi sử dụng các tiêu chí đánh giá hàng mẫu được xây dựng độc lập theo ý chí chủ quan, không có trong hồ sơ mời thầu.
Từ đó, nhóm bị can chấm "không đạt" đối với nhà thầu Codupha. Sau đó, bị can Khải ký các quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Tâm Hợp và nhà thầu Hào Tín.
Trên cơ sở trúng thầu, Khải ký các hợp đồng mua 14.800 thủy tinh thể của Công ty Tâm Hợp, Công ty Hào Tín gần 50 tỷ đồng, buộc bệnh viện và người bệnh phải chi trả chênh lệch hơn 14,2 tỷ đồng.
Đối với số tiền thiệt hại của người bệnh gần 9 tỷ đồng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ủy thác điều tra cho 54 công an tỉnh, TP trực thuộc trung ương để xác minh bị hại là người bệnh đã điều trị phẫu thuật mổ Phaco, thay thủy tinh thể nhân tạo ở các gói thầu trên.