Bà Li Lanying là trợ lý bệnh viện Tan Tock Seng tại Singapore, hằng ngày bà thường di chuyển đến nơi làm việc bằng xe đạp. Tuy nhiên, từ tháng 1/2023, thắng xe của bà đã bị hỏng, dù biết điều này, bà vẫn tiếp tục sử dụng phương tiện mà không sửa chữa, cho rằng nguy cơ gây tai nạn là thấp.
Vào khoảng 21 giờ ngày 8/3/2023, khi đang trên đường về nhà sau ca làm việc, bà Li gặp phải một đoạn đường dốc. Do thắng xe không hoạt động, bà không kịp dừng lại và đã va vào một cặp vợ chồng đang đi bộ đúng vạch kẻ đường. Cú va chạm khiến người vợ, 63 tuổi, bị chấn thương sọ não nghiêm trọng và qua đời sau 12 ngày điều trị tại bệnh viện.
Thời điểm xảy ra tai nạn, điều kiện thời tiết và giao thông hoàn toàn thuận lợi: đường thông thoáng, mặt đường khô ráo, và tầm nhìn tốt. Các nạn nhân đi bộ đúng quy định, không có bất kỳ hành vi vi phạm nào. Vì vậy, toàn bộ trách nhiệm trong vụ tai nạn được đổ lên vai bà Li, khi bà đã biết rõ xe đạp của mình gặp vấn đề nhưng không khắc phục.
Trước tòa, bà Li khai rằng, bà không nghĩ xe đạp có thể gây ra tai nạn chết người, đặc biệt vì tuyến đường đi làm của bà thường rất vắng vẻ, và bà di chuyển vào những khung giờ ít người qua lại. Tuy nhiên, đêm xảy ra tai nạn, khi thấy cặp vợ chồng nạn nhân từ xa, bà đã cố gắng tránh, nhưng không thể do xe đang lao xuống dốc với tốc độ cao.
Tòa án đã chỉ ra rằng, hành vi của bà Li là cẩu thả ở mức độ nghiêm trọng. Với thời gian ít nhất 90 ngày để sửa thắng xe, nhưng bà không thực hiện. Dù vậy, xét đến sự hối lỗi của bị cáo, mức án 4 tuần tù giam đã được giảm nhẹ, chỉ bằng một nửa so với mức đề nghị của công tố viên.
Theo Bộ luật Hình sự Singapore, người bị kết tội gây ra cái chết do hành vi cẩu thả có thể đối mặt với mức phạt tù lên đến hai năm, phạt tiền, hoặc cả hai hình phạt. Mức án đối với bà Li tuy nhẹ nhưng là lời nhắc nhở đắt giá cho cộng đồng về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.