Doanh nghiệp cần tăng cường phổ biến Luật lao động 2019

(VOH) - Ngày 26/11, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố.

Hội nghị thu hút hơn 250 doanh nghiệp tham dự. Ban tổ chức đã tiếp nhận và giải đáp hơn 60 câu hỏi gửi trước và hơn 50 câu hỏi tại hội nghị liên quan đến các vấn đề về: trợ cấp mất việc, ký hợp đồng lao động với người nước ngoài, thủ tục xuất nhập cảnh cho chuyên gia người nước ngoài trong tình hình dịch bệnh...

Liên quan đến vấn đề ký hợp đồng lao động, đối với viên chức nhà nước thì có được ký hợp đồng lao động với đơn vị sự nghiệp công lập và một hợp đồng lao động với một doanh nghiệp bên ngoài không?”, bà Lê Thị Hương, Công ty Beies Derf Việt Nam đặt câu hỏi.

Luật lao động 2019, doanh nghiệp, ngày 26 tháng 11 năm 2020

Bà Hồ Lê Thy Uyên, Công ty Mol Logistic Việt Nam đặt câu hỏi đối thoại tại hội nghị

Bà Phan Thị Mỹ Trâm, Công ty Bảo hiểm Fubon trao đổi vấn đề: “Nếu như doanh nghiệp có thỏa thuận với người lao động và ban hành một quy chế về việc: làm thêm giờ có thể được lựa chọn trả theo hai hình thức, đó là quy đổi theo thời gian nghỉ, hay còn gọi là nghỉ tăng ca và làm thêm giờ. Và khi nghỉ tăng ca như vậy, thì sổ giờ vẫn tuân theo quy định của pháp luật là tính theo mức 150%, 200% hay 300%...thì quy định về việc nghỉ bù, nghỉ tăng ca như vậy có được cho phép hay không?”

Toàn cảnh buổi đối thoại 

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động tiền lương Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh Xã hội Thành phố, trực tiếp trả lời các doanh nghiệp: “Điều kiện đối với viên chức nhà nước có được ký thêm hợp đồng lao động hay không là, đối với viên chức, cán bộ công chức nhà nước chỉ thực hiện được một số nội dung pháp luật cho phép. Do vậy, chúng ta phải hiểu rõ công việc được giao của công chức, viên chức là như thế nào? Chúng ta có Luật Viên chức và Luật Công chức,  trong đó có quy định phạm vi, thẩm quyền…thì chúng ta phải thực hiện theo vậy, trong ngành nghề, lĩnh vực có hạn chế hay không để chúng ta thực hiện. Nếu quy định không hạn chế thì công chức, viên chức đó được quyền ký kết hợp đồng lao động với bên ngoài. Còn đối với làm thêm giờ thì nguyên tắc là phải trả tiền lương làm thêm giờ chứ không được bố trí nghỉ bù hay thanh toán chênh lệch”.

Hội nghị đã giải đáp những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến các chính sách về lao động, việc làm, an toàn lao động và giáo dục nghề nghiệp. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ với các doanh nghiệp trong việc tăng cường phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp: “Luật Lao động 2019 gắn liền, thiết thực với đời sống của người lao động và người sử dụng lao động, nên chúng ta phải tuyên truyền rộng rãi. Đối với các doanh nghiệp nên đọc qua, tìm hiểu về Luật, nên liên hệ với các ngành chức năng mời các báo cáo viên tuyên truyền về Luật lao động, chọn lọc những nội dung cần thiết phổ biến cho người lao động”.

Hội nghị là cơ hội để doanh nghiệp nêu lên những vướng mắc, những kiến nghị đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong quá trình hoạt động, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời đảm bảo chăm lo đời sống cho người lao động tại đơn vị mình. Đây cũng là Hội nghị đối thoại trực tiếp lần thứ 208 của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố chủ trì, góp phần giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung cho Thành phố./.