Chờ...

Đường dây lừa đảo xuyên quốc gia của TikToker Mr Pips với hơn 1.000 nhân viên

VOH - Liên quan đến vụ án TikToker Phó Đức Nam (Mr Pips), cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố 31 bị can và xác định 2.661 bị hại trên cả nước.

Nam được xác định cấu kết với một đối tượng quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ và thiết lập đường dây lừa đảo xuyên quốc gia quy mô lớn, vận hành bởi hơn 1.000 nhân viên.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội vừa khởi tố Phó Đức Nam (1994, trú tại Vũng Tàu, còn gọi TikToker Mr Pips), Lê Khắc Ngọ (1990, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cùng 29 bị can khác với các tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền", "Không tố giác tội phạm" và "Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".

Trong số đó, 26 bị can bị khởi tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 3 bị can về tội "Rửa tiền", 1 bị can về tội "Không tố giác tội phạm" và 1 bị can tội "Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".

tiktok_voh
Trên không gian mạng, Mr Pips xây dựng hình ảnh là một người sang trọng. - ẢNH: FBNV

Theo kết quả điều tra, từ năm 2021, Nam đã cùng Ngọ móc nối với một đối tượng quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, người này đặt văn phòng điều hành tại Campuchia. Đường dây này chỉ đạo 7 đối tượng tại Việt Nam thành lập nhiều công ty "ma", đặt trụ sở tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh thành khác.

Đặc biệt, một công ty tại TP.HCM được sử dụng làm "bình phong" với khoảng 44 văn phòng trên cả nước. Mặc dù không đăng ký hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, tài chính, công ty này vẫn tuyển dụng nhân sự và tổ chức các hoạt động giao dịch ngoại hối.

Đường dây của Nam vận hành với hơn 1.000 nhân viên, làm việc từ 8h đến 21h mỗi ngày. Các đối tượng thiết lập 5 trang mạng có giao diện tiếng Anh để tạo cảm giác chuyên nghiệp, khiến nạn nhân hiểu lầm rằng đây là các sàn giao dịch quốc tế uy tín.

Các trang web này được kết nối với các ứng dụng giao dịch ngoại hối MetaTrader 4 và MetaTrader 5 – những nền tảng phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, chúng được lập trình để kết nối với tài khoản ngân hàng do các đối tượng trong đường dây quản lý, qua đó chiếm đoạt tài sản của người tham gia.

Đường dây này được tổ chức rất chặt chẽ, các bị can phân công nhân viên thành nhiều bộ phận gồm kế toán, nhân sự, IT, kinh doanh và chăm sóc khách hàng. Các bộ phận này hoạt động độc lập nhưng phối hợp để tiếp cận và lừa đảo nạn nhân.

Nhân viên thường tiếp xúc với khách hàng qua mạng xã hội như Zalo, Telegram... Sau khi đưa ra các thông tin sai sự thật, họ hướng dẫn nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản chỉ định. Khi nạn nhân tin tưởng và thực hiện, số tiền ngay lập tức bị chiếm đoạt.

Cơ quan điều tra xác định, ngoài việc cung cấp thông tin giả mạo, các đối tượng còn lợi dụng lòng tin của khách hàng để liên tục mời gọi tham gia vào các giao dịch lớn. Khi nạn nhân mất hết tiền, chúng lại dụ dỗ họ tham gia một sàn giao dịch mới với lời hứa sẽ "gỡ gạc" lại khoản đã mất, tiếp tục chiếm đoạt tài sản.

Tiến hành khám xét nơi ở và làm việc của các bị can, cơ quan điều tra đã thu giữ lượng tài sản khổng lồ gồm: 127 tỷ đồng tiền mặt. 306 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm.
216 kg vàng. 128 bất động sản. 30 xe ô tô các loại. 9 tỷ đồng trái phiếu cùng nhiều tài sản giá trị khác. Tổng giá trị tài sản bị phong tỏa trong vụ án vượt 5.000 tỷ đồng.

Đến nay, Công an TP Hà Nội đã thu thập thêm bằng chứng và mở rộng điều tra vụ án. Phía cơ quan điều tra cũng đang truy tìm thêm các bị hại để hoàn tất hồ sơ vụ án, đồng thời phong tỏa nhiều tài sản giá trị lớn liên quan đến đường dây này.

Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các lời mời gọi đầu tư từ các tổ chức không rõ nguồn gốc, đặc biệt trên không gian mạng.

Bình luận