Ngày 22/4, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng và 11 bị cáo khác trong vụ án liên quan 3 dự án điện mặt trời, gây thiệt hại hơn 1.200 tỉ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Một trong các dự án bị đưa ra xét xử là Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3, nơi xảy ra loạt sai phạm dẫn đến thiệt hại 210 tỉ đồng.

Trong phần thẩm vấn tại tòa, nhiều cựu cán bộ của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) thừa nhận đã không kiểm tra thực tế, vẫn lập hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động cho nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 dù dự án không đủ điều kiện theo quy định.
Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 có công suất thiết kế 150 MWp, do Công ty Năng lượng Lộc Ninh 3 làm chủ đầu tư. Địa điểm xây dựng được phê duyệt tại xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, hồ sơ dự án chưa đáp ứng đủ điều kiện để được công nhận ngày vận hành thương mại.
Mặc dù vậy, các cán bộ của Cục Điều tiết điện lực và Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) vẫn tiến hành thẩm định, ký xác nhận và cấp phép hoạt động cho dự án. Việc này đã giúp Lộc Ninh 3 được công nhận ngày vận hành thương mại vào 26/12/2020 và hưởng mức giá điện ưu đãi, gây thiệt hại nghiêm trọng cho EVN.
Bị cáo Trịnh Văn Đoàn, cựu chuyên viên phòng cấp phép và quan hệ công chúng, Cục Điều tiết điện lực, thừa nhận không thực hiện kiểm tra thực tế tại nhà máy như quy định. Hồ sơ không có tài liệu thể hiện việc nghiệm thu công trình của cơ quan có thẩm quyền, nhưng vẫn được lập báo cáo đề xuất cấp phép hoạt động.
Bị cáo Trần Quốc Hùng, cựu phó trưởng phòng, là người ký nháy để trình lãnh đạo Cục phê duyệt. Hùng cho biết thời điểm ký hồ sơ, ông chỉ mới nhận nhiệm vụ chưa đầy hai tháng và cho rằng vị trí xây dựng dự án khác với phê duyệt ban đầu là do lỗi đánh máy.
“Tôi nghĩ đó chỉ là lỗi chính tả, chưa từng gặp trường hợp nào một dự án được xây dựng ở một nơi nhưng cấp phép ở nơi khác”, Hùng trình bày tại tòa.
Cũng theo lời khai của Hùng, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực đã có nhắn tin chỉ đạo, yêu cầu xử lý nhanh hồ sơ. Bản thân ông mới nhận nhiệm vụ nên muốn hoàn thành tốt công việc được giao. Từ suy nghĩ đó, Hùng không yêu cầu rà soát lại vị trí xây dựng và vẫn tiến hành ký trình.
Tòa xác định vị trí cấp phép tại xã Lộc Thạnh, nhưng nhà máy lại được xây dựng tại xã Lộc Tấn (cùng thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Cơ quan điều tra kết luận sai lệch về địa điểm không phải do lỗi hành chính, mà là vi phạm quy trình nghiêm trọng.
Sau khi được cấp giấy phép, Công ty Năng lượng Lộc Ninh 3 sử dụng văn bản này để làm thủ tục đề nghị công nhận ngày vận hành thương mại. Từ cuối năm 2020 đến tháng 11/2022, EVN đã thanh toán gần 750 tỉ đồng tiền điện cho dự án.
Hành vi cấp phép trái quy định của Trịnh Văn Đoàn và Trần Quốc Hùng khiến EVN bị thiệt hại gần 210 tỉ đồng do phải mua điện với mức giá cao. Cơ quan công tố xác định hai bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, không tuân thủ quy định thẩm định hồ sơ, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tòa cũng triệu tập các bị cáo nguyên là cục phó Cục Thuế tỉnh Bình Phước và hai cán bộ cấp dưới liên quan việc hoàn thuế sai cho dự án, làm rõ trách nhiệm trong việc gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Phiên tòa dự kiến kéo dài trong nhiều ngày. Hội đồng xét xử sẽ tiếp tục thẩm vấn các bị cáo và người có liên quan nhằm làm rõ toàn bộ diễn biến sự việc, xác định mức độ vi phạm và thiệt hại thực tế để tuyên án.