Chờ...

Khởi tố 1.300 vụ án buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại

(VOH) - 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 86 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 6 nghìn tỷ đồng, khởi tố 1.300 vụ án, với hơn 1.500 đối tượng.

Ngày 25/7, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia).

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương và thành viên của 2 Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương những kết quả của các cấp, các ngành, địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 6 tháng đầu năm 2019.

Theo đó, đã giảm 0,99% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ 2018, tỷ lệ điều tra và khám phá tội phạm đạt 82,25%, án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,16%, vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng đạt nhiều kết quả. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 86 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 6 nghìn tỷ đồng, khởi tố 1.300 vụ án, với hơn 1.500 đối tượng.

Những kết quả trên góp phần kéo giảm tội phạm, tạo môi trường xã hội lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác này. Đó là, công tác phối hợp của một số bộ, ngành với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo và tiến độ phê duyệt, triển khai các đề án thuộc Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm chưa bảo đảm yêu cầu. Việc ngăn chặn ma tuý qua biên giới còn nhiều bất cập; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” vẫn phức tạp, tình trạng phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép vẫn diễn ra ở nhiều địa phương… Đặc biệt, một số loại tội phạm gia tăng như giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, dâm ô trẻ em. Tỷ lệ điều tra, khám phá án ở một số địa phương rất thấp, không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Công tác buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tuy đã được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản, tình trạng hàng giả, hàng có nguồn gốc nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi; tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian dối về giá, chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp;…

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Một số cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy chế, quy trình công tác, có biểu hiện bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê”, vi phạm pháp luật, tham nhũng khi thi hành công vụ…

Việc phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân nhiều trường hợp vẫn chưa kịp thời. Công tác quản lý đối tượng, công tác cai nghiện ma tuý hiệu quả chưa cao. Một số quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập, cần được rà soát, hoàn thiện.

“Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Chúng ta nói nhiều về trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng thực tế chưa thực hiện nghiêm quy định này”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

hàng giả, gian lận thương mại

Hình minh họa: internet

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác.

Làm tốt công tác nắm và dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ trong phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Thường xuyên rà soát kịp thời phát hiện chấn chỉnh sơ hở, yếu kém để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng về ngăn chặn tình trạng nhùng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt” ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức. Tổ chức phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng (Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển, Biên phòng, Thuế). Kiên quyết xử lý các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hoá, biến chất, tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, tang cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời các dấu hiệu tội phạm để có biện pháp ngăn chặn, nâng cao chất lượng điều tra khám phá các vụ án. Đối với tội phạm có tổ chức, mua bán người, ma tuý, “tín dụng đen”, khai thác trái phép tài nguyên, cát sỏi, buôn lậu… cần tổ chức điều tra triệt phá tận gốc, xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu.

Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, thường xuyên gặp gỡ trao đổi, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, nâng cao vai trò của các đoàn thể… trong việc giám sát, kiểm tra, theo dõi các hoạt động công vụ. Tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại tố cáo của người dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh tội phạm và hình thành các điểm nóng về an ninh trật tự.

Tiếp tục rà soát, xây dựng mới hoặc sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm; đẩy mạnh ứng dụng KHCN, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này….