Liên tiếp những vụ bạo lực gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng: Trị “cái ác”, phải làm bằng được!

TPHCM - Một thiếu niên 14 tuổi bán vé số dạo vừa tử vong, nghi bị sát hại. 

Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới này, lẽ ra em được yên tâm học hành. Nào ngờ kẻ tàn ác đã tước đoạt mạng sống chỉ vì những nguyên nhân rất vô lý.

Những giọt nước mắt tức tưởi từ người thân của các nạn nhân, cũng thể hiện sự phẫn nộ của cộng đồng. Một khi cái ác còn “nhan nhản” thì chưa thể nói trước điều gì.

Thói hành xử bằng nắm đấm

Cái chết oan ức của cậu bé nói trên chỉ là một trong khá nhiều án mạng kinh hoàng trong thời gian gần đây. Dư luận căm phẫn khi một phụ nữ “máu lạnh”, vừa đầu độc người tình bằng chất xyanua, lại còn nghĩ ra được “màn kịch” tự cho ô tô lao xuống vực, tạo hiện trường giả như tai nạn giao thông.

Cơ quan điều tra đã bóc trần thủ đoạn tàn khốc này và cho thấy hành vi cực kỳ đáng sợ, của một người cứ ngỡ “chân yếu tay mềm”.

bao-luc-041124
Sinh viên sôi nổi tham gia phát biểu, tại các buổi sinh hoạt phòng ngừa bạo lực trong giới trẻ

Án mạng đôi khi xuất phát từ lý do rất khó tin. Đánh bạn nhậu tử vong vì thấy người này vứt bỏ “mồi ngon”, tức là món đầu cá lóc. Rượu vào bạo lực ra, vừa “cụng ly” vui vẻ nhưng ngay lập tức trở thành hận thù.

Chỉ vì không được xe phía trước tránh đường để vượt lên, một tài xế xe chở rác đã hung hăng đập kính chiếu hậu của chiếc xe khác. Xuất phát từ tình huống va chạm nhỏ khi tham gia giao thông, một lái xe taxi công nghệ đã “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với phụ nữ ngay giữa đường. Không cần lén lút, giấu giếm, hành vi bạo lực diễn ra bất chấp xung quanh có đông người. Để thỏa mãn cơn nóng giận, một số người hành xử phi nhân tính mà không cần biết đến cộng đồng.

Đó là chưa kể hàng chục vụ việc phát sinh từ bất hòa vì lời nói qua lại trên mạng xã hội, nhiều băng nhóm mang theo hung khí và cả “hàng nóng”, hẹn nhau công khai “quyết đấu”, thanh toán ân oán giang hồ. Mâu thuẫn trong thế giới “ảo”, nhưng gây hậu quả thật ngoài đời. Không ưa cũng đánh, nhìn thấy “ghét” cũng đánh, hễ không đồng ý là đánh.

Từ bao giờ, thói xấu cứ không hài lòng là dùng “nắm đấm” hình thành và ngày càng lây lan nhanh hơn? Yêu nhau mặn nồng nhưng bị “đối tác” chia tay, hoặc chặn số liên lạc cũng không ngần ngại xuống tay với người từng thề non hẹn biển. Cũng mới đây, một nam thanh niên dù đã lập gia đình, vẫn quan hệ tình cảm với cô gái chưa từng lên xe hoa. Lúc bị người yêu chia tay, đối tượng này cũng đã sát hại dã man bạn gái.

Cũng chẳng thiếu những bi kịch tình cảm khi cơm không lành, canh không ngọt. Nhiều vụ do một trong hai chủ động ra tay với người yêu rồi tự kết liễu chính mình. Hậu quả gây ra không chỉ với người trong cuộc, nó còn là nỗi đau suốt đời của người thân, gia đình và ám ảnh cho xã hội.

Khó cũng phải trị bằng được

Không chỉ có người lớn, bạo lực giờ đây cũng xảy ra nhiều ở trẻ em. Tuần qua liên tiếp xảy ra hai vụ nữ sinh bị đánh hội đồng, ở Gia Lai và An Giang. Ở cái tuổi ai cũng nghĩ còn hồn nhiên, ngây thơ, nhưng lại sẵn sàng “động thủ” với bạn mình không thương tiếc.

Đáng nói hơn khi các em vừa đánh vừa lột quần áo trên người bạn. Phải chăng hành vi hung bạo của một số người lớn, như loại “virus” độc hại đã “lây nhiễm” sang trẻ em? “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, không có ai vừa sinh ra đã mang tính hung dữ.

Chung quy chỉ vì hơn thua, bỏ quên hai chữ “nhường nhịn”. Trong cơn “bốc hỏa” no mất ngon, giận mất khôn khiến người ta không còn nhớ thành ngữ “một câu nhịn, chín câu lành”. Chỉ cần một trong hai thiếu kiềm chế, chuyện nhỏ cũng có nguy cơ trở thành chuyện lớn.

bao-luc-041124-1
Cô Lê Thị Kim Ngân - hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Thạnh, TP Thủ Đức, tương tác với học sinh trong tiết sinh hoạt phòng chống bạo lực học đường.

Tất cả những câu chuyện đau lòng trên, đều có thể giải quyết được, biến họa thành phúc, biến nguy thành an. Đáng tiếc là không tìm được tiếng nói chung, nên đôi khi một cái liếc mắt cũng gây khó chịu, đốm lửa nhỏ bùng phát thành đám cháy lớn.

Nạn hổ, báo theo kiểu “mày biết tao là ai không?” vẫn chưa chấm dứt. Bị lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe, yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, thấy nguy cơ phải nộp phạt, có người bất hợp tác, người thì chống đối, tấn công ngược lại. Hành vi lẽ ra chỉ phải xử lý vi phạm hành chính, nhưng trong chốc lát đã trở thành truy cứu trách nhiệm hình sự.

Giữa sáng suốt và sai lầm đôi khi rất mong manh. Ranh giới giữa kiềm chế và nóng giận chỉ cách nhau gang tấc. Cũng đã có nhiều giọt nước mắt ân hận muộn màng rơi xuống trong các phiên tòa, song vẫn chưa đủ “thấm” và “làm nguội” những cái đầu nóng.

Trong phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” vào tháng 9 vừa qua. Các “đại biểu tí hon” đã đề cập đến vấn nạn bạo lực học đường, đang gây nhiều bức xúc. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực dĩ nhiên có từ muôn vàn lý do, nhưng trong đó hẳn không thể thiếu trách nhiệm và vai trò gương mẫu của người lớn. Một khi các em còn phải chứng kiến cảnh người lớn nặng lời với nhau, sẵn sàng lao vào ăn thua đủ giành phần hơn, thì những lý thuyết dù rất hay đang hàng ngày truyền đạt cho các em, cũng trở nên vô nghĩa.

“Lời nói không mất tiền mua”, cẩm nang quý giá có từ ngàn đời nay để hóa giải những hiểu lầm, nút thắt trong quan hệ xã hội, giữa người với người vẫn còn nguyên giá trị. Văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp và các giá trị đạo đức nhân cách, cần được “phủ sóng” toàn bộ để thay thế cho thói hung bạo, ỷ mạnh hiếp yếu, lối hành xử mạnh được yếu thua.

Giáo dục từ trong từng ngôi nhà, đến trường, ra xã hội. Dạy dỗ cũng bắt đầu từ thuở thiếu thời, thân cây phải được uốn từ lúc còn nhỏ, để trưởng thành rồi có nắn cũng không kịp.

Chia sẻ kinh nghiệm với phóng viên, cô Nguyễn Thị Hồng An - hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Phú, TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức sinh hoạt toàn trường, gợi ý cho học sinh thảo luận về phòng ngừa bạo lực học đường. Giáo viên duy trì liên lạc, trao đổi với phụ huynh để nắm bắt tâm tư, tình cảm. Nhờ vậy, đã kịp thời uốn nắn, khuyên bảo các em những điều hay lẽ phải”.

Còn anh Nguyễn Xuân Phẩm, có con học Trường tiểu học Phước Thạnh bày tỏ: “Nhà trường luôn chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, nên con tôi và các bạn khác rất đoàn kết, yêu thương nhau như anh em trong gia đình”.

Song song đó, luôn rất cần vai trò quan trọng của các đoàn thể, trong công tác phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực bằng biện pháp “mềm”. Thực tế cho thấy ở những nơi quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục, tình trạng bạo lực giảm đáng kể. Như lời bộc bạch của bà Nguyễn Hạnh Thảo - chủ tịch Hội LHPN TP Thủ Đức: “Gia đình là tế bào của xã hội. Chúng tôi thường chú trọng phổ biến nội dung phòng chống bạo lực gia đình, bởi vì đây chính là nền móng ngăn chặn các hành vi bạo lực khác”.

Tất nhiên, không thể thiếu vắng sự nghiêm minh của luật pháp. Cần những liều thuốc “đặc trị” mạnh hơn. Tinh thần thượng tôn pháp luật chỉ duy trì được khi song hành với những biện pháp răn đe, chế tài nghiêm khắc. Xét xử công khai, lưu động, trị đến nơi đến chốn cái ác do cố ý mới mong triệt tiêu thói côn đồ. Kỷ cương phép nước phải được thực thi đầy đủ và công bằng, với mọi lĩnh vực và mọi đối tượng.

Bình luận