Theo đó, nhiều người dân phản ánh với bệnh viện này về việc có một số đối tượng mạo danh giới thiệu là cán bộ, nhân viên của khoa Phụ sản, gọi điện thoại cho người bệnh sau khi ra viện để tư vấn mua và sử dụng các gói dịch vụ như: chăm sóc sau đẻ cho mẹ và bé giá rẻ; tắm bé; vệ sinh cho mẹ; massage toàn thân cho mẹ và bé; hoặc bán thực phẩm chức năng dành cho mẹ và bé.…
Nhiều người bệnh đã tin tưởng và chuyển tiền cho kẻ lừa đảo. Đến khi nghi ngờ và gọi lại cho số điện thoại của kẻ mạo danh thì không liên lạc được mới biết là bị lừa.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang khẳng định, đơn vị không có chủ trương tư vấn, bán thực phẩm chức năng hay cung cấp các dịch vụ với phương thức này.
Các nhân viên y tế của bệnh viện khi gọi điện tư vấn, chăm sóc khách hàng đều sử dụng số điện thoại có 3 số cuối là “232”. Đây là dấu hiệu đầu tiên để phân biệt thật, giả.
Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trước đó cũng cho biết, nhiều người dân phản ánh về việc có người tự nhận là nhân viên bệnh viện này gọi điện, nhắn tin qua Zalo hoặc Facebook để tư vấn và bán thực phẩm chức năng dành cho mẹ và bé.
Để củng cố lòng tin cho khách hàng nhằm mục đích bán thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, các đối tượng này khi liên lạc còn kèm theo thông tin về ngày, tháng, năm sinh bệnh nhân; dữ liệu về khám chữa bệnh BHYT; lịch tiêm chủng của trẻ sơ sinh…
Bên cạnh đó, một số đối tượng mạo danh nhân viên y tế bệnh viện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hành vi như nhờ chuyển khoản hộ, mượn tiền, nhờ mua hộ đồ vật có giá trị...
Lãnh đạo các bệnh viện khẳng định hành vi của các đối tượng lừa đảo, mạo danh nói trên làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu, uy tín của bệnh viện, đồng thời, gây hoang mang trong cộng đồng, người bệnh và người nhà người bệnh.