Nam thanh niên bẻ 2 chiếc gương xe ôtô trong ‘nháy mắt’

(VOH) – Chỉ trong tích tắc, nam thanh niên mặc đồng phục của một công ty giao thức ăn đã bẻ 2 chiếc gương của xe ôtô Vinfast dựng trước cửa nhà.

Theo một đoạn clip do camera tại một nhà dân ghi lại cảnh một thanh niên đeo khẩu trang, mặc đồng phục của một công ty giao thức ăn, đầu đội nón bảo hiểm đỏ đi trộm gương. 

Vụ việc xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng trước cửa 1 nhà dân, phía trước có một chiếc xe ô tô màu đen nhãn hiệu Vinfast đang đậu.

Trước khi ra tay bẻ trộm gương, nam thanh niên trong clip đã nhìn ngó xung quanh, đưa mắt vào cổng sắt của ngôi nhà để quan sát tình hình. Khi nhìn thấy mọi thứ thuận lợi, nam thanh niên lập tức đi về phía bên phải chiếc xe và bẻ chiếc gương rất thuần thục. 

Sau đó, nam thanh niên đi về phía khuất của camera giám sát để lấy đồ nghề, dường như là cắt dây điện để lấy chiếc gương đi. Và sau khi tháo thành công chiếc gương bên phải của chiếc ôtô, nam thanh niên ra tay nhanh nhẹn tháo luôn chiếc gương bên trái.

Đây là tình huống cảnh giác cho các chủ xe cần chú ý hơn trong việc bảo vệ tài sản của mình.

Với tội ăn trộm bị pháp luật xử lý như thế nào? 

Với tội trộm gương xe có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên còn phụ thuộc vào độ tuổi người có hành vi vi phạm và mức độ nguy hiểm của hành vi thực tế gây ra. 

Nếu hành vi trộm cắp không thuộc vào các trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì thủ phạm sẽ bị xử lý như sau: 

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Trộm cắp tài sản; b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác; c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác; d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.

Trường hợp nặng hơn, tại Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 quy định về tội trộm cắp tài sản như sau:

Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội có tổ chức thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.