Tại phiên xét xử sáng 5/3, hội đồng xét xử dành phần lớn thời gian để thẩm tra lý lịch, nhân thân của các bị cáo. Có 78/86 bị cáo có mặt tại phiên tòa.
Các bị cáo Trương Mỹ Lan và Chu Lập Cơ đều xác nhận tinh thần, sức khỏe ổn định.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí cho biết mình bị chấn thương cột sống, trong vụ án ông đã hợp tác với cơ quan điều tra, và gia đình đã khắc phục toàn bộ thiệt hại nên xin vắng mặt trong các buổi xét xử tiếp theo.
Buổi chiều 5/3, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa bắt đầu công bố bản cáo trạng dài 160 trang. Đến 17h30, viện kiểm sát công bố được 43 trang của cáo trạng, hội đồng xét xử cho tòa tạm nghỉ.
Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan được xác định gây thiệt hại 498.000 tỷ đồng. Ngoài các tài sản đã bị kê biên, trong quá trình điều tra, các bị cáo đã khắc phục hơn 1.580 tỷ đồng, 8,6 triệu USD và 10,2 triệu cổ phần SCB.
Ngoại trừ bị cáo Trương Mỹ Lan và 5 bị cáo trốn truy nã thì 80 bị cáo còn lại đều ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo.
Rất nhiều bị cáo đã tự nguyện hoặc tác động người nhà nộp tiền hoặc tài sản để khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội.
Bị cáo Chu Lập Cơ (chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square, chồng bị cáo Lan) đã nộp khắc phục 1 tỷ đồng.
Bị cáo Trương Huệ Vân (tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor; cháu bị cáo Lan) nộp gần 1,1 tỷ đồng và 3.000 USD.
Trong số các bị cáo là nguyên lãnh đạo cao cấp tại Ngân hàng SCB, bị cáo Phạm Thu Phong (cựu trưởng ban kiểm soát Ngân hàng SCB) là người nộp khắc phục nhiều nhất với 20 tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra, truy tố, bị cáo Dương Tấn Trước (tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Tường Việt) đã trả cho Ngân hàng SCB 813 tỷ đồng đối với 2 khoản vay của Công ty Tường Việt và Công ty Việt Đức. Bị cáo Trước còn xin nộp lại toàn bộ số tiền 2.200 tỷ đồng đã nhận của bà Lan.
Vợ bị cáo Trước là bà N.T.K.T. và Công ty CP đầu tư xây dựng Xuân Mai Sài Gòn còn nộp khắc phục cho bị cáo Trước tổng cộng 52 tỷ đồng. Ngoài ra bà T. cũng có đơn xin tự nguyện khắc phục hậu quả. Bà cho biết ngoài những khoản tiền đã nộp, bà đã tự nguyện khai báo các khoản tiền trong ngân hàng cũng như các khoản tiền tiết kiệm của hai vợ chồng để Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an phong tỏa số tiền mặt 1.965 tỷ đồng và kê biên các bất động sản là tài sản chung của vợ chồng bà và tài sản riêng của bà. Theo bà, 4 bất động sản này có giá trị hơn 629 tỷ đồng.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Cục II Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước; gọi tắt là Cục II) đã nộp 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước) đã nộp 390.000 USD.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí (chủ tịch Công ty Capella), người bị cáo buộc chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bị cáo Trương Mỹ Lan, đã nộp hơn 657,5 tỷ đồng và 3,3 triệu USD (tương đương khoảng hơn 82,5 tỷ đồng).
Theo hồ sơ, các bị cáo đã nộp tổng cộng hơn 1.580 tỷ đồng, 8,6 triệu USD và 10,2 triệu cổ phần Ngân hàng SCB để khắc phục hậu quả.
Ngoài các bị cáo đã nộp tiền khắc phục trong quá trình điều tra, truy tố, nhiều bị cáo khác cũng có nguyện vọng được khắc phục hậu quả của vụ án.
Ông Hồ Bửu Phương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) có đơn xin khắc phục một phần hậu quả là số tiền trong 2 tài khoản ngân hàng của bị cáo này (khoảng 500 triệu đồng).
Trước ngày mở phiên tòa, chồng của bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (nguyên phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) đã làm đơn xin thay mặt bị cáo nộp 300 triệu đồng để khắc phục một phần hậu quả.