Như vậy người hack clip rồi phát tán trên mạng sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Mạng xã hội dậy sóng với hàng chục clip cá nhân được ghi lại từ camera an ninh trong nhà của một cô gái tại Hải Phòng bị hacker phát tán trên mạng.
Bí mật đời tư là bất khả xâm phạm, được hệ thống pháp luật Việt Nam bảo vệ trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự.
Chế tài xử lý hành vi xâm phạm và sử dụng hình ảnh đời tư khi không được cho phép tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi xâm nhập, hack và lấy cắp dữ liệu của camera an ninh có thể bị xử lý về “Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”, nếu có đủ các dấu hiệu của tội phạm được quy định tại Khoản 1 Điều 289 Bộ luật hình sự, cụ thể như sau:
“Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo Điểm g, Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Nếu hành vi phát clip mang tính nhạy cảm làm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người đó, thì người đăng clip có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về "Tội làm nhục người khác" với mức phạt tù lên tới 2 năm.
Nếu các hình ảnh và clip bị phát tán có nội dung nhạy cảm, có tính chất khiêu dâm, đồ trụy thì người vi phạm còn có thể bị xử lý về “Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 326 Bộ luật hình sự, tội phạm này có dấu hiệu như sau:
“Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
(a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
(b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;
(c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;
(d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;
(đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.”.
Mức hình phạt cao nhất dành cho tội phạm này có thể lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, người bị hại nên trình báo sự việc với cơ quan Công an, hoặc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác (Cơ quan thanh tra về thông tin và truyền thông, hoặc Ủy ban nhân dân) để các cơ quan này điều tra, xác minh làm rõ vụ việc và xử lý đối tượng vi phạm theo các quy định của pháp luật.
Hu Ân (Tổng hợp)
Lộ hình ảnh clip do bị hack camera an ninh: cách phòng chống như thế nào? (VOH) - Sau những vụ việc lộ hình ảnh clip của ca sĩ Văn Mai Hương và một phụ nữ tại Hải Phòng đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về bảo mật thông tin.