Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Nguồn: FB nhân vật)
VOH: Điều gì khiến sinh viên dễ mắc bẫy bán hàng đa cấp trái pháp luật, thưa ông?
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Thực chất, đa cấp bản thân không xấu. Khi vào thị trường Việt Nam nó bị biến tấu và đánh vào tâm lý đang cần tiền của các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên.
Họ biết các bạn chưa có kinh nghiệm và đang khao khát làm giàu.
Họ bắt đầu sử dụng những cái có thể thu hút sinh viên ví dụ dùng hình ảnh sinh viên khác mặc vest rất sang trọng, làm loá mắt các bạn dự hội thảo đa cấp. Thậm chí họ thường sử dụng tâm lý đám đông, hò hét, gào thét, tất cả mọi người vỗ tay để lan truyền cảm xúc.
Họ vẽ ra những cảnh rất sáng. Chẳng hạn bạn này là sinh viên năm 1 của trường đại học ABC thu nhập 50-60 triệu/tháng rồi nha…
Như vậy nó khơi gợi khát khao làm giàu của sinh viên, khiến các bạn dễ bị hớp hồn về bề ngoài của người tham gia đa cấp, cả lời nói, cảm xúc, những tiếng gào thét và bị hớp hồn bởi thu nhập được vẽ vời.
VOH: Làm thế nào nhận diện được chiêu lừa của kinh doanh đa cấp, thưa ông ?
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Nếu nghe người ta vẽ ra cảnh giàu sang, thu nhập khủng 100 triệu, 200 triệu thì bạn hãy cảnh giác. Những gì quá dễ dàng, được vẽ vời ra quá đẹp thì những thứ đó không thật.
Thứ hai, hãy nhạy cảm để nhận ra rằng những người xung quanh đang rất hưng phấn hoặc đang cuồng một cái gì đó. Hãy cảnh giác với hội, những nhóm bất thường.
Thứ ba, hãy cảnh giác với những người cố tỏ vẻ rất giàu, cố tỏ vẻ là người thành công. Trước mặt bạn, họ mặc đồ vest nhưng lại đi chiếc xe cà-tàng, thậm chí ăn mì gói cả tháng.
Thứ tư, hãy cảnh giác với chiêu dụ mua một món hàng nào đó đắt hơn rất nhiều so với giá thị trường. Thậm chí bạn phải tạm ứng số tiền để được tham gia vào mạng lưới hoặc phải mua trước 5, 10 sản phẩm nào đó thì mới gia nhập. Cẩn thận với hành vi đó vì pháp luật cấm. Nếu ai hướng dẫn bạn kinh doanh theo kiểu bất chấp quan hệ, bạn hãy chú ý.
Ảnh minh họa: SGĐT
VOH : Phải làm gì để bản thân và người thân tránh rơi vào bẫy đa cấp?
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Bạn nên kiểm chứng bằng cách yêu cầu họ đưa ra bằng chứng. Bạn cần kiên trì, có thời gian và nếu thương người thân mình nên tìm cách giúp họ tỉnh ngộ.
Chẳng hạn, bạn nhờ người thân, bạn bè để mỗi người một lời, mỗi người một ý để cho bạn ấy tỉnh ngộ ra rằng, nếu kiếm tiền quá dễ dàng thì tại sao sau một thời gian thu nhập của bạn không cao, thậm chí còn mắc nợ nhiều hơn.
VOH: Lời khuyên của ông đối với việc làm thêm của sinh viên hiện nay ?
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Làm thêm là tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm công việc nào.
Nếu là sinh viên năng động, có kỹ năng thuyết trình, xuất hiện trước công chúng, thể hiện bản thân, bạn có thể làm B-boy, B-girl hoặc giới thiệu các sản phẩm lành mạnh.
Nếu bạn có kỹ năng tổ chức hoạt động trong Đoàn thanh niên, thực chất đó là tổ chức event thì bạn làm chuyên viên trong một event nào đó để kiếm thêm thu nhập.
Chẳng hạn bạn học sư phạm rất giỏi, bạn có thể làm gia sư.
Tóm lại, đầu tư cho trí tuệ không bao giờ lỗ. Tốt nhất, nên cân bằng việc làm thêm với việc học.
VOH : Cảm ơn ông !