Sinh viên dính bẫy lừa đa cấp

(VOH) - Với mơ ước “chỉ bán nước bọt" mà có được nhà lầu, xe hơi sau vài năm, thậm chí là vài tháng, nhiều sinh viên lâm vào tình trạng tiền mất tật mang vì “sa lưới” các công ty đa cấp dỏm.

Đối tượng chính của các công ty đa cấp dạng này là sinh viên. Đặc biệt là sinh viên năm nhất, chân ướt chân ráo lên Sài Gòn học tập.

Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, các công ty này vẽ ra một viễn cảnh đầy tươi sáng: thu nhập vài chục triệu/tháng, cơ hội du lịch nước ngoài, trở thành cấp trên của hàng chục người… Điều đó thật khó tin nhưng bằng tài thuyết phục, dẫn dắt khéo léo, tinh vi... không ít sinh viên bị sập bẫy.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những “kẻ lắm lời”

Sau nhiều lần thuyết phục, chúng tôi gặp được với Phan Nhật Tân, sinh viên năm hai của một trường Cao đẳng ở Thủ Đức. Mới bước chân vào đại học, Tân đã nhanh chóng bị dụ tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp.

Tân kể, ban đầu một cô gái chủ động làm quen qua mạng xã hội, sau đó rủ Tân đi chơi công viên. Nhưng thay vì đến chỗ hẹn, cô gái này dẫn Tân thẳng đến trụ sở công ty KVT, ở quận 10.

“Lúc đầu họ kêu chỉ lên 1 mã thôi. Đến lúc họ kêu lên 10 mã, nói xạo ba mẹ lấy 56 triệu đóng cho công ty. Rồi kêu bỏ học đi, dành nhiều thời gian cho công ty. Lúc đó em không làm theo. Từ nhỏ đến giờ em chưa làm gì cho gia đình nên không muốn dối ba mẹ. Khi em có ý định không làm nữa, chị đó có thái độ lạnh nhạt và chửi em”, Tân nhớ lại.

Với lời khích lệ đại loại: “Hãy thể hiện là người đàn ông bản lĩnh, hãy kiếm ra thật nhiều tiền để trả ơn cha mẹ. Nếu không tin những gì chúng tôi nói thì hãy về đi…”. Những lời có cánh xóa tan nghi ngại ban đầu, Tân hoàn toàn tin tưởng. Ngay lập tức, cậu sinh viên năm nhất bán ngay laptop mới tậu với giá 4 triệu đồng để đóng phí “vào đội” của công ty.

Ôm mớ sản phẩm hàng chục triệu đồng, Tân không biết bán cho ai. Từ khi tham gia, Tân như sống trong thế giới ảo đầy màu sắc với ước mơ hão huyền về một người trẻ thành đạt... Chỉ khi công ty đề nghị về xin gia đình gần 60 triệu đồng để mua hàng thì anh chàng mới bừng tỉnh.

Núp bóng đủ kiểu

Không dừng ở chiêu trò mời hội thảo, dụ bỏ tiền mua sản phẩm, hiện các hình thức kinh doanh đa cấp còn biến tướng hết sức tinh vi, núp bóng dưới tên gọi như câu lạc bộ, nhóm sinh hoạt kỹ năng sống…

Trên fanpage trường ĐH Ngân hàng TPHCM, sinh viên truyền nhau câu chuyện cảnh giác: nhiều nhóm, câu lạc bộ mời chào tham gia rèn luyện giao tiếp thuyết trình nhưng khi tham dự, đó lại là các buổi thuyết phục sinh viên bỏ tiền tham gia bán hàng đa cấp. Fanpage này phát đi cảnh báo: “Các công ty này đánh vào tâm lý muốn thành công sớm, muốn có nhiều tiền. Nhưng kiếm tiền đâu dễ như vậy!”.

Cả nước hiện có 61 doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động (Ảnh minh họa: CAND)

Bản thân từng tham dự nhiều hội thảo do công ty đa cấp chân chính lẫn dỏm tổ chức, Phạm Nguyễn Hoàng Tiên, sinh viên một trường ĐH cho rằng, hình thức này về bản chất không xấu. Nếu tham gia các lớp tập huấn đúng nghĩa sẽ được học một số kỹ năng hữu ích. Vấn đề là phải biết “gạn đục khơi trong”.

“Thực sự bán hàng đa cấp, bạn cũng có môi trường thực hành, được giao tiếp với khách hàng. Nhưng một vài công ty đa cấp gây nên tiêu cực. Thứ nhất là bán sản phẩm kém chất lượng nhưng PR quá đáng và thứ hai là lừa gạt SV lấy tiền…gia nhập thành viên”, Tiên thẳng thắn.

Nhà trường vào cuộc

Thạc sỹ Phạm Thị Thuỳ Trang, phụ trách công tác sinh viên Khoa Xã hội học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM chỉ ra rằng khi sinh viên dính vào mạng lưới đa cấp thường có tâm lý che đậy, không muốn người khác biết là mình đã bị lừa. Vì vậy, họ tiếp tục lún sâu và quay sang dụ dỗ con mồi khác.

Một số trường đại học buộc phải ra văn bản cấm sinh viên tham gia đa cấp. Nhiều trường kết hợp tuyên truyền và chủ động định hướng chọn những việc làm thêm cho sinh viên ngay trong đợt sinh hoạt đầu năm.

“Nếu làm thêm, có thu nhập thì dạy kèm, phục vụ… Đối với sinh viên năm cuối muốn thực tập, nên chọn việc liên quan, giúp ích cho công việc sau này” – ông Nguyễn Thiện Duy, Trưởng phòng Công tác chính trị, trường ĐH Kinh tế TPHCM chia sẻ. 

Bình luận