Chờ...

Những chiêu lừa hết sức “trời ơi” đánh vào những người quá sợ hãi COVID-19

(VOH) - Lợi dụng sự sợ hãi và thiếu hiểu biết của người dân về dịch COVID-19, kẻ xấu đã đưa ra nhiều chiêu trò lừa đảo đánh vào “túi tiền” của những người này.

Những chiêu lừa đảo thời COVID-19 khiến không ít người tá hỏa vì chẳng hiểu sao, người dân có thể dễ dàng tin tưởng và mất tiền một cách dễ dàng đến như vậy.

Lừa bán "thẻ diệt virus corona"

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra quyết định xử lý hành chính đối chủ tài khoản Facebook bán “thẻ diệt virus corona”.

Trước đó vào ngày 23/2, công an phát hiện chị Nguyễn T. T. (trú tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) đang mua bán một loại thẻ không rõ nguồn gốc qua mạng. Theo lời quảng cáo trên Facebook của chị T., loại thẻ này có khả năng diệt, kháng được virus corona.

Tại thời điểm kiểm tra, chị T không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của 35 thẻ kháng khuẩn diệt virus corona nói trên.

Trên thị trường xuất hiện hàng loạt thông tin về thẻ chống virus SARS-Cov-2, có khả năng kháng khuẩn, làm sạch không khí nhưng đây thực ra cũng chỉ là chiêu trò lừa đảo (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Chị T. khai nhận đã đăng thông tin bán các thẻ trên Facebook cá nhân với giá 280.000 đồng. Nếu người mua với số lượng nhiều sẽ giảm giá còn 250.000 đồng.

Chị T. thừa nhận vì lợi nhuận nên đã không lường được hậu quả của việc đăng tải thông tin về loại thẻ chống virus có khả năng diệt khuẩn, diệt virus corona khi không có cơ sở khoa học chứng minh, là sai phạm.

Công an đã ra quyết định xử lý hành chính 14,5 triệu đồng đối với các hành vi: kinh doanh hàng hóa nhập lậu, đăng mạng xã hội nội dung sai sự thật để quảng cáo, bán hàng hóa. Sau khi xử lý hành chính, nếu tái phạm sẽ bị xử lý hình sự.

Lừa tiêm “vắc xin phòng bệnh COVID-19”

Trong khi cả thế giới đang quay cuồng chống dịch, các nhà khoa học đang ngày đêm nghiên cứu vắc xin và thuốc chữa COVID-19 thì hài hước thay loại vắc xin tự chế bằng… nước cất và kháng sinh này đã được “lưu hành” tại Bình Định.

Ngày 15/3, Công an TP.Quy Nhơn (Bình Định) thực hiện lệnh bắt khẩn cấp và khám xét tại nhà nghi phạm Tiêu Thị Tuyết Sương (46 tuổi, ở xã Phước Hiệp, H.Tuy Phước, Bình Định) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại nhà bà Sương, cơ quan công an thu nhiều vỏ thuốc mà bà Sương đã bơm vào nước cất, kháng sinh để giả các loại vắc xin: tiêm phòng cho trẻ, ngừa ung thư, ngừa đột quỵ và ngừa cả… dịch COVID-19.

Đã có hàng chục người ở TP.Quy Nhơn và H.Tuy Phước là nạn nhân khi nghi phạm trong vai “nhân viên y tế dự phòng” đến tận nhà tiêm ngừa với giá khoảng 700.000 đồng/mũi.

Bà Sương còn lấy phôi của một phiếu chỉ định tiêm ngừa thật đem photocopy ra thành các phiếu giả, mỗi lần tiêm xong thì phát cho bị hại để có giấy tờ làm tin.

Bà này đã mua các dụng cụ gồm bình đá, kim tiêm, nước cất, kháng sinh trộn với nhau rồi bơm vào các vỏ lọ vắc xin để đi tiêm ngừa. Tổng cộng đã có gần 30 người bị bà Sương “tiêm ngừa” các loại bệnh.

Lừa bán khẩu trang y tế

Khi tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp, không ít kẻ đã lợi dụng, trục lợi từ việc lừa bán khẩu trang y tế qua mạng.

Công an huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) từng tạm giữ Nguyễn Thị Thu Hương (24 tuổi, ở xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hương khai từ cuối năm 2019 đến nay, chị ta thấy nhiều người lên mạng mua khẩu trang nên nảy sinh ý định lừa bán mặt hàng này.

Để thực hiện, Hương lập Facebook ảo để đăng thông tin bán khẩu trang. Khi có người hỏi mua, cô ta sử dụng tài khoản ngân hàng mua trên mạng và chứng minh nhân dân giả để lừa đảo. Tính đến khi bị bắt, số tiền Hương lừa đảo chiếm đoạt được lên đến 1,5 tỷ đồng.

Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cũng tạm giữ Lê Thị Lan Na (19 tuổi, trú huyện Nghĩa Đàn) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại cơ quan công an, Na khai sử dụng 3 tài khoản Facebook giả mạo để bán hàng online gồm giày dép, quần áo, túi xách và gần đây là khẩu trang y tế giá rẻ vì mặt hàng này “sốt” do dịch COVID-19.

Khi có khách đặt mua hàng, Na yêu cầu khách chuyển tiền cọc vào nhiều tài khoản. Người đặt cọc ít nhất là 300.000 đồng, người đặt cọc nhiều nhất 7 triệu đồng.

Khi khách chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản của Na thì cô này xóa tin nhắn, chặn tài khoản của bị hại.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 2/2019 đến nay, Na cùng đồng phạm thực hiện trót lọt trên 150 vụ lừa đảo khắp cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng.

Nam Phi: Lừa… thu hồi tiền nhiễm virus corona để lừa đảo

Tại Nam Phi đã xảy ra không ít vụ lừa đảo liên quan tới việc "thu hồi" tiền giấy, đồng xu bị nhiễm virus corona chủng mới gây COVID-19.

Sau khi đến nhà thu tiền của nạn nhân, tội phạm lừa đảo giả dạng nhân viên ngân hàng trung ương Nam Phi cung cấp hóa đơn giả mạo và nói họ có thể dùng phiếu này để đổi lấy tiền mặt "sạch" tại bất kỳ ngân hàng nào.

Trước tình trạng này, Ngân hàng trung ương Nam Phi đã đưa ra cánh báo về chiêu trò lừa đảo thu hồi tiền nhiễm SARS-CoV-2 và khẳng định không có bất kỳ chính sách hay chỉ thị thu hồi tiền giấy hoặc đồng xu nhiễm SARS-CoV-2.

Không chỉ lừa đảo thu hồi tiền, một số đối tượng tại Nam Phi còn giả dạng bác sĩ đo thân nhiệt, tư vấn về COVID-19 để lừa tiền hoặc trộm cắp. Bệnh viện tư nhân lớn nhất Nam Phi - Netcare đã ra thông báo lưu ý với người dân Nam Phi rằng nhân viên của Netcare... không thực hiện kiểm tra sàng lọc COVID-19 tại gia.

Có thể thấy, nạn lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gia tăng thời gian gần đây xuất phát từ sự lo lắng của người dân và sự thiếu hiểu biết. Do đó, để tránh những cú lừa tương tự như thế này, người dân cần tỉnh táo trước các thông tin quảng cáo từ người lại, thường xuyên theo dõi các kênh thông tin chính thống để nắm được tình hình dịch bệnh cũng như chính sách mới của Nhà nước trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Giả nhân viên y tế lừa tiêm vắc xin bằng…nước cất - Tại Cơ quan điều tra, bà Sương khai nhận hành vi dùng nước cất pha trộn kháng sinh rồi nói là vaccine để tiêm cho gần 30 người.

Tạm giữ 900 chiếc khẩu trang không nhãn hiệu tại quận Gò Vấp - Đội Quản lý thị trường số 12, Cục Quản lý thị trường TPHCM hôm qua 14/3 tiến hành kiểm tra cửa hàng Storejapan địa chỉ số 3 đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp.