Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hai đối tượng với tổng số tiền hơn 157 triệu về hành vi quảng cáo, rao bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) cùng các sản phẩm từ ĐVHD trên mạng xã hội.
Theo đó, Võ Tá Hưng (sinh năm 1984, trú tại thôn Tân Lập A, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) và Lê Hồng Thời (sinh năm 1996, trú tại Thi Sách, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) đã bị UBND tỉnh Kon Tum xử phạt lần lượt là 86.250.000 đồng và 71.000.000 đồng, đồng thời phải gỡ bỏ tất cả bài viết vi phạm trên các tài khoản mạng xã hội.
Từ năm 2019, Hưng và Thời thường xuyên sử dụng các tài khoản Facebook, Zalo để quảng cáo, rao bán các loài ĐVHD như kỳ đà, khỉ, chim săn mồi và các sản phẩm từ hổ, gấu, voi… Mặc dù đã bị cơ quan chức năng nhiều lần trao đổi, giáo dục ý thức pháp luật về ĐVHD nhưng hai đối tượng này vẫn cứ tiếp tục quảng cáo trái phép ĐVHD.
Sau khi nhận phản ánh từ người dân, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã chuyển giao các thông tin về hành vi vi phạm của hai đối tượng đến Công an tỉnh Kon Tum để cơ quan này xem xét và tham mưu UBND tỉnh Kon Tum xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định hiện hành, mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép ĐVHD hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm, bộ phận của ĐVHD đều là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
Hành vi quảng cáo bán trái phép cá thể hay sản phẩm của các loài động vật hoang dã được coi là hàng cấm như hổ, gấu, voi, tê giác, tê tê… dù là trên mạng Internet cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 100 triệu đồng theo Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Hành vi quảng cáo kinh doanh trái phép đối với các loài động vật rừng khác cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 - 1,5 triệu đồng theo quy định tại Điều 16 Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Trong năm 2020, ENV ghi nhận 1.759 vụ việc vi phạm liên quan đến động vật hoang dã trên Internet. Con số này vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt với 1.788 vụ việc vi phạm trên các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử được ghi nhận chỉ trong 3 quý đầu năm 2021.
Ngày 23/7/2020, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc “ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, internet nhằm mục đích quảng cáo, trưng bày, tuyên truyền, mua, bán mẫu vật động vật hoang dã bị cấm theo quy định của pháp luật”. |