Số định danh thay thế hộ khẩu và CMND như thế nào?

(VOH) - Sau khi bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân, người dân sẽ sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến cá nhân.

Chính phủ đồng ý với phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. 

Mã số định danh là gì?

Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Số Thẻ căn cước là số định danh cá nhân. Ảnh minh họa. 

Thông tin chứa đựng trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm: Số định danh cá nhân, ảnh, họ và tên, tên thường gọi, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, số CMND, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số hộ chiếu, họ tên cha, họ tên mẹ, tình trạng hôn nhân, họ tên vợ hoặc chồng, họ tên con, ngày tháng năm mất. Như vậy, với 22 nội dung này, cơ sở số về dữ liệu cá nhân sẽ cung cấp mọi thông tin về một cá nhân từ khi họ chào đời cho tới khi mất.

Mỗi công dân có một mã số định danh

Theo Nghị quyết 112/NQ-CP của chính phủ về việc quản lý công dân sẽ được thông qua mã số định danh cá nhân và số thẻ căn cước công dân (CCCD) cũng đồng thời là mã số định danh cá nhân. Mỗi công dân được cấp một mã số định danh và không lặp lại ở người khác.

Theo Luật CCCD, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ cập nhật các thông tin của công dân bao gồm: họ tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, nơi đăng ký thường trú, chỗ ở hiện tại, mã số thuế cá nhân, số định danh cá nhân...

Bộ Công an đang xây dựng hệ thống dữ liệu chuẩn hóa, số hóa và lưu trữ quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Số định danh cá nhân thay thế sổ hộ khẩu như thế nào?

Cũng theo Nghị quyết 112, nhóm thủ tục đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã): Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ảnh minh họa: TTO 

Cùng với việc bãi bỏ "sổ hộ khẩu" và "giấy chứng minh nhân dân", các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký xe, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện… cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân.

Sau khi bãi bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân, người dân sẽ sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến cá nhân.

Năm 2019, thu thập đủ thông tin của trên 90 triệu dân

Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành 30/10. Việc triển khai thực hiện phương án này, Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp cùng các bộ ngành liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trao đổi với báo Giao thông, thượng tá Trần Hồng Phú, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) khẳng định, cuối năm 2018, đầu năm 2019, Bộ Công an sẽ hoàn tất thu thập thông tin của trên 90 triệu dân và cung cấp cho các ngành để giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả.

Bình luận