Từ 1/1/2022: Quy định thu phí rác thải tính theo khối lượng cụ thể ra sao?

(VOH) - Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ hôm nay 1/1/2022, quy định thu phí rác thải tính theo khối lượng, tức ai xả rác nhiều sẽ phải trả nhiều tiền.

Tại Khoản 1, Điều 79 của luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo hai căn cứ. Thứ nhất, phù hợp với quy định của pháp luật về giá. Thứ hai, dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Tuy nhiên, luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng nêu rõ: “Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.”

Như vậy, quy định tại luật Bảo vệ môi trường 2020 thể hiện khuyến khích các gia đình, cá nhân phân loại rác thải, những loại có thể tái chế để sử dụng thì không phải trả phí, nhưng phải phân loại đúng, còn nếu phân loại sai thì vẫn phải trả phí theo khối lượng.

phân loại rác
Rác cần được phân loại để tái chế và xử lý phù hợp

Xem thêm: Thu gom vỏ hộp sữa - Bước làm quen với việc phân loại rác tại nguồn

Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt được quy định như thế nào?

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, nguyên tắc phân loại rác thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân như sau:

  • Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế;
  • Chất thải thực phẩm;
  • Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt đối với Chất thải rắn sinh hoạt khác trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.

Việc lưu trữ, chuyển giao chất thải rắn của hộ gia đình thực hiện như sau:

Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định vào các bao bì để chuyển giao như sau:

  • Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
  • Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định thực hiện quản lý như sau:

  • Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi;
  • Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
  • Chất thải thực phẩm không thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
  •  Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Luật khuyến khích hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt theo quy định như đối với hộ gia đình ở đô thị; Việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau đây:

- Phù hợp với quy định của pháp luật về giá;

- Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại;

- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định như trên thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.

Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng có khối lượng nhỏ theo quy định của Chính phủ được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân quy định trên hoặc quản lý theo quy định dưới đây:

Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng có khối lượng lớn theo quy định của Chính phủ phải chuyển giao cho cơ sở tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải có chức năng phù hợp hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển có phương tiện, thiết bị phù hợp để vận chuyển đến cơ sở tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn có chức năng phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn việc thực hiện quy định về giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Xem thêm: TPHCM xử lý rác theo phương pháp hiện đại

Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng nêu lộ trình chậm nhất là ngày 31/12/2024, các quy định về phân loại rác, trả chi phí nếu không phân loại rác đúng, xả rác nhiều phải trả nhiều tiền… phải được thực hiện.