Vụ án Vạn Thịnh Phát: Hơn 29 đơn kháng cáo gửi đến Tòa án Nhân dân TPHCM

VOH - Tòa án nhân dân TPHCM nhận được 29 đơn kháng cáo từ các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án này.

Vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được dư luận quan tâm với mức án tử hình được tuyên đối với bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong diễn biến mới nhất, Tòa án nhân dân TPHCM đã nhận được 29 đơn kháng cáo từ các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án này.

Bà Trương Mỹ Lan, người đứng đầu Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Một số bị cáo khác như Nguyễn Cao Trí, Bùi Anh Dũng, Trần Thị Mỹ Dung, Võ Tấn Hoàng Văn, Dương Tấn Trước, Chu Lập Cơ (chồng bà Lan), và Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) cũng gửi đơn kháng cáo, chủ yếu yêu cầu giảm nhẹ hình phạt.

431403565-817965850361582-7331162854524871400-n2024030514064420240306063401.4212360
Quang cảnh phiên tòa vụ án Vạn Thịnh Phát

Ngày 11/04/2024, Tòa án nhân dân TPHCM đã tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan tử hình về tội "tham ô tài sản", cùng với các mức án 20 năm tù về tội "vi phạm quy định về cho vay" và 20 năm tù về tội "đưa hối lộ". Tổng hợp mức án là tử hình. Bà Lan cũng bị buộc phải bồi hoàn cho SCB số tiền tương đương 673.849 tỷ đồng, là dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17/10/2022.

Trong quá trình điều tra và diễn biến phiên tòa, hội đồng xét xử đã có đủ căn cứ xác định bà Trương Mỹ Lan thâu tóm và nắm giữ đến 91,5% cổ phần của SCB thông qua nhiều cá nhân và pháp nhân đứng tên giùm. Lợi dụng vai trò là cổ đông lớn, bà Lan đã truyền đạt ý chí cho các bị cáo khác rút tiền từ SCB để sử dụng cho mục đích cá nhân.

Các bị cáo khác như Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung đã giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan trong việc rút tiền từ SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn cho ngân hàng.

Dù hành vi của bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác đã đủ cấu thành tội "tham ô tài sản", nhưng SCB không phải là tổ chức có vốn nhà nước. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi phạm tội trước ngày 01/01/2018 được xử lý theo điều khoản của luật cũ, trong khi những hành vi sau ngày này được xử lý theo luật mới, với nguyên tắc có lợi cho các bị cáo.

Trong suốt phiên tòa, bà Trương Mỹ Lan đã liên tục phản đối các tội danh "tham ô tài sản",  "đưa hối lộ" và đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. 85 bị cáo khác trong vụ án nhận các mức hình phạt từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến tù chung thân.

Vụ án Vạn Thịnh Phát tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng khi quá trình kháng cáo bắt đầu và các khía cạnh pháp lý được xem xét kỹ lưỡng hơn trong phiên tòa phúc thẩm.

Bình luận