Đây là vụ án do Hoàng Duy Tiến (SN 1985, cựu cán bộ công an công tác ở Đội Phòng chống buôn lậu - Đội 7 - Phòng PC03, Công an TPHCM) và các đồng phạm thực hiện.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Hoàng Duy Tiến khai nhận hành vi như cáo trạng truy tố.
Ông Tiến khai có quen biết các chủ hàng từ trước, thấy những người này có nhu cầu nhập lậu hàng hóa nên ông Tiến đã thành lập các công ty và thuê một số người quen về làm thuê cho ông.
Ông Tiến khai ông thành lập 47 công ty trong nhiều lần, khoảng vài tháng lập một công ty để tránh hải quan phát hiện.
Bị cáo Lâm Hồng Đào (nhân viên của Tiến) cho mượn CMND của 24 người đưa cho bị cáo Huỳnh Thị Quỳnh Trang (nhân viên của Tiến) để thành lập công ty. Các bị cáo khác làm các công việc như in hồ sơ, kiểm tra đơn hàng, nộp hồ sơ ở cảng, đóng phí vận chuyển, đóng thuế…
Bị cáo Tiến trả lương cho Trang khoảng 7 triệu/tháng. Bị cáo Tiến cho rằng Trang chỉ làm dịch vụ cho bị cáo nên không biết bị cáo làm gì.
“Một vài công ty thì không biết chứ 47 công ty thì không thể nói không biết. Bị cáo còn giao cho Trang lập hồ sơ nhập các hàng hóa” - chủ tọa chất vấn.
Khi được hỏi những người này có gặp nhau, gặp bị cáo để bàn bạc không thì ông Tiến cho rằng ông thuê và chỉ đạo từng người.
Theo cáo trạng, từ tháng 9/2019 đến 24/5/2021, Hoàng Duy Tiến móc nối với các chủ hàng thực hiện hành vi nhập lậu số lượng đặc biệt lớn máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ Nhật Bản, Trung Quốc về Việt Nam để kinh doanh mua bán, nhằm hưởng lợi bất chính.
Chi phí các chủ hàng trả cho ông Tiến là 78 - 90 triệu đồng/container tùy theo thời điểm, ông Tiến sẽ lo toàn bộ chi phí đóng thuế, trả tiền vận chuyển hàng về kho, chi phí trả cho công ty giám định, chi phí cho cán bộ kiểm hóa của hải quan...
Cáo trạng xác định, Tiến sử dụng tư cách pháp nhân của 45 công ty, mở 1.153 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam 1.287 container hàng, với tổng trị giá tài sản hàng hóa nhập lậu là 217 tỷ đồng.