Chờ...

Vụ sai phạm tại Bệnh viện Mắt TPHCM: Các bị cáo lãnh án từ 1 đến 7 năm tù

(VOH) – Chiều 1/12, HĐXX phiên tòa sơ thẩm TAND TPHCM đã tuyên án các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Mắt TPHCM. Hình phạt tòa áp dụng đối với các bị cáo đều thấp hơn mức đề nghị của VKS.

Bị cáo Nguyễn Minh Khải (cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM), bị tuyên phạt 7 năm tù; bị cáo Phí Duy Tiến (cựu Phó giám đốc) bị tuyên phạt 3 năm tù; Võ Thị Chinh Nga (cựu Phó giám đốc) 3 năm tù; Phan Thị Bích Hạnh (cựu Trưởng Phòng tài chính kế toán) 18 tháng tù và Nguyễn Quốc Toản (cựu Trưởng Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức) 3 năm.

3 bị cáo Nguyễn Trí Dũng (cựu phó giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM), Nguyễn Đỗ Nguyên (cựu trưởng khoa tổng hợp), Lương Ngọc Tuấn (cựu phó trưởng khoa khám mắt) bị tuyên phạt mức án bằng thời hạn tạm giam là 12 tháng 7 ngày, nên được trả tự do tại tòa.

Tất cả 8 bị cáo trên bị tuyên phạt án tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Về dân sự, các bị cáo có trách nhiệm bồi thường số tiền thiệt hại 14,2 tỷ đồng cho Bệnh viện Mắt TPHCM là bị hại của vụ án.

Vụ sai phạm tại Bệnh viện Mắt TPHCM: Các bị cáo lãnh án từ 1 đến 7 năm tù 1
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. 

Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm nguyên tắc cạnh tranh minh bạch trong đấu thầu, gây ảnh hưởng đến môi trường đấu thầu nên cần xử lý nghiêm.

Tòa cũng ghi nhận ông Khải và các bị cáo đều là những bác sĩ giỏi, có nhiều đóng góp cho bệnh viện, tham gia nhiều chương trình chữa bệnh nhân đạo, thành khẩn nhận tội... nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Theo cáo trạng, để loại nhà thầu Codupha, bị cáo Khải đã thêm tiêu chí "ý kiến đánh giá của Hội đồng đánh giá hàng mẫu" trên hồ sơ dự thầu, và tự thành lập Hội đồng đánh giá hàng mẫu, chỉ đạo đánh giá "không đạt" yếu tố kỹ thuật đối với thủy tinh thể nhà thầu Codupha, chấm trúng thầu với 2 nhà thầu còn lại tham gia dự thầu là Công ty Tâm Hợp và Công ty Hào Tín.

Trên cơ sở trúng thầu, bị cáo Nguyễn Minh Khải ký các hợp đồng mua 14.800 thủy tinh thể của Công ty Tâm Hợp, Công ty Hào Tín gần 50 tỷ đồng, buộc BV và người bệnh phải chi trả chênh lệch hơn 14,2 tỷ đồng.

Trong đó, Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chênh lệch tăng hơn 5,2 tỷ đồng, người bệnh đã thanh toán chênh lệch tăng gần 9 tỷ đồng. Quá trình điều tra, một số bị cáo và người nhà của bị cáo đã tự nguyện nộp khắc phục 6,12 tỷ đồng.