Chờ...

Xét xử vụ bao che sản xuất sách giáo khoa giả tại Hà Nội

VOH - Sáng 19/7, Tòa án Nhân dân Hà Nội bắt đầu phiên tòa xét xử vụ sản xuất sách giáo khoa giả sau 2 lần hoãn.

Tại phiên tòa, ông Trần Hùng, cựu Cục phó Quản lý thị trường Hà Nội, bị xét xử tội danh Nhận hối lộ, với cáo buộc nhận 300 triệu đồng để bao che sản xuất sách giáo khoa giả.

Nguyễn Duy Hải, lao động tự do, bị xét xử về tội Môi giới hối lộ. Bị cáo Lê Việt Phương, cựu đội phó Quản lý thị trường số 17 Hà Nội, cùng hai cấp dưới Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bà Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát, cùng 30 người khác bị xét xử về các tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Xét xử vụ bao che sản xuất sách giáo khoa giả tại Hà Nội 1
Bị can Trần Hùng (trái) và Nguyễn Duy Hải - Ảnh: Bộ Công an

Phiên tòa dự kiến kéo dài 7 ngày với 30 luật sư đăng ký bào chữa cho 36 bị cáo.

Một số người vắng mặt trong phiên xét xử được Hội đồng xét xử (HĐXX) cho biết sẽ triệu tập sau khi cần.

Theo cáo trạng, năm 2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội quản lý thị trường số 17 kiểm tra, thu hơn 27.300 quyển sách giáo khoa do không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Biết ông Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát Cao Thị Minh Thuận liên hệ đề nghị giúp đỡ để chỉ xử lý nhẹ.

Ông Hùng “giao kèo” sẽ bỏ qua nếu bà Thuận chỉ ra một số cơ sở in lậu.

Để chắc ăn hơn, bà Thuận tiếp tục kết nối với Nguyễn Duy Hải để được gặp trực tiếp ông Hùng, ngỏ ý sẽ chi 400 triệu đồng.

Viện Kiểm sát (VKS) cáo buộc ông Hùng đã “hướng dẫn thay đổi lời khai về nguồn gốc” sau cuộc trao đổi với Hải, chuyển số sách giả trên thành sách do người khác mang đến ký gửi. Tiếp nhận ý kiến của ông Trần Hùng, Hải thông qua một người khác trao đổi lại với bà Thuận.

Sáng 14/7/2020, Hải cầm 300 triệu đồng mà bà Thuận đưa đựng trong túi nylon màu đen đến phòng làm việc của ông Hùng. Tại đây, Hải gọi điện thoại cho Thuận để nói chuyện trực tiếp với ông Hùng, nghe cụ thể hướng dẫn. Khi đó, phòng làm việc của ông Hùng có những người khác nên Hải chưa thể đưa tiền. Chiều hôm sau, Hải mới đưa được số tiền trên cho ông Hùng.

VKS cáo buộc thêm ngoài việc hướng dẫn bà Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, ông Hùng còn gọi điện thoại chỉ đạo Lê Việt Phương, Đội phó Quản lý thị trường 17, “giúp đỡ Thuận” theo hướng xử lý hành chính.

Trong quá trình điều tra, ông Hùng không thừa nhận hành vi. Tuy nhiên, VKS xác định căn cứ kết quả thực nghiệm, nội dung dữ liệu trích xuất từ điện thoại đã “đủ cơ sở chứng minh ông Hùng đã nhận 300 triệu đồng” của bà Thuận, thông qua Hải.

Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát còn được xác định đã nhiều lần đưa tiền cho Lê Việt Phương và Đội Quản lý thị trường 17 với tổng số tiền 330 triệu đồng sau khi chỉ bị xử phạt hành chính. Hiện gia đình bị can Phương đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính trên.