- Nội dung sơ lược bản cải biên
- Chất lượng phim không tương xứng với định cấp S
- Kỹ xảo "giả trân" gây xôn xao cõi mạng
- Thiết lập nữ chính không đặc sắc bằng nguyên tác
- Các cao trào không đủ sức nặng
- Phong độ diễn xuất thất thường của hai diễn viên chính
- Chemistry giữa Hầu Minh Hạo - Châu Dã khá yếu
- Dàn cast phụ đa số mờ nhạt
- Lạm dụng slow motion, kỹ thuật quay dựng còn thiếu sót
- Vẫn có một số ưu điểm nhất định
- Hiệu ứng ngược từ khán giả
Hộ Tâm được chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình huyền huyễn cùng tên của tác giả Cửu Lộ Phi Hương, được quảng bá là dự án đầu tư cấp S của Youku. Từ trước đến nay, các phim chuyển thể từ truyện của nữ tác giả này đều nhận được sự chú ý lớn từ đông đảo khán giả, có phim được khen không ngớt lời như Thương Lan Quyết hay Chiêu Diêu, cũng có phim gây tranh cãi như Ngự Giao Ký.
Dù nhận về đánh giá tích cực hay tiêu cực thì cũng không thể phủ nhận, cả 3 phim trên đều có nhiệt độ và độ thảo luận cao. Mọt phim Hoa ngữ gần như ai cũng biết đến những tựa phim này.
Bởi vậy, Hộ Tâm cũng rất được mong chờ sẽ nối tiếp được độ hot ấy. Nhất là khi nguyên tác được đánh giá là một trong những bộ nổi bật nhất của Cửu Lộ Phi Hương. Đóng máy đã lâu nhưng lần lữa mãi mới được lên sóng, lại được xếp lịch nối tiếp ngay sau Trường Nguyệt Tẫn Minh - bộ phim cấp S+ được Youku đầu tư quảng bá rầm rộ, nhiều người tò mò không biết liệu Hộ Tâm có vượt được khỏi cái bóng của "người đi trước".
Nội dung sơ lược bản cải biên
Chuyện phim bắt đầu khi yêu long ngàn năm Thiên Diệu (Hầu Minh Hạo) cử hành lễ thành hôn với người mà hắn yêu - Tố Ảnh (Dương Dung). Khi hắn còn đang lâng lâng trong niềm hạnh phúc sắp được danh chính ngôn thuận ở bên nàng trọn đời, thì Tố Ảnh đột ngột rút kiếm đâm xuyên người hắn.
Lúc này, nàng mới tiết lộ ý đồ thực sự: nàng chỉ lợi dụng lòng tin của hắn để lột da tróc vảy làm thành giáp cho người nàng yêu, chứ nàng chưa từng dành cho hắn một phần tình cảm thật sự nào. Đau đớn vì bị phản bội, Thiên Diệu càng không muốn nàng được toại nguyện. Thế nên hắn nhanh tay lấy vảy hộ tâm ném đi. Giáp rồng không có vảy hộ tâm thì không có tác dụng, kế hoạch của Tố Ảnh xem như thất bại ngay phút cuối.
Tức giận, nàng ta phanh thây Thiên Diệu, phong ấn mỗi bộ phận tại một nơi khác nhau. Vảy hộ tâm của Thiên Diệu bay đến sông Hắc Hà, vô tình cứu sống đứa bé sơ sinh Nhạn Hồi. Nhạn Hồi bẩm sinh có khiếm khuyết ở tim. Vì không thể chữa được nên mẫu thân nàng đem nàng thả trôi sông. Nhạn Hồi trôi vào ngay hướng rơi của vảy hộ tâm, được vảy bảo vệ trái tim, nhờ đó mà có thể sống sót.
Nhạn Hồi trải qua 10 năm đầu đời lang thang khắp đầu đường xó chợ. Thế rồi nàng gặp được Lăng Tiêu (Trương Trí Nghiêu) - một chân nhân thuộc Huyền Môn phái ở núi Thần Tinh và được ông đưa về núi. Từ đó, Nhạn Hồi trở thành đệ tử Huyền Môn.
Lại thêm 10 năm nữa trôi qua, Nhạn Hồi (Châu Dã) nay đã trưởng thành. Dù tu tiên đã lâu nhưng nàng mãi chẳng mở được thức hải, linh lực không có. Những đệ tử đồng lứa đều đã lên cấp 4 sao, chỉ có nàng là dậm chân tại cấp 1 sao.
Huyền Môn phái vốn cực kỳ khuôn phép, cứng nhắc cho rằng toàn bộ yêu quái đều xấu xa, gây hại cho đời. Nhưng Nhạn Hồi thì khác, nàng cho rằng yêu quái cũng giống con người, đều có kẻ tốt kẻ xấu. Cũng vì lẽ đó mà nàng có giao tình khá tốt với các yêu quái bị bắt giam ở núi Thần Tinh.
Một lần, vì không nhịn nổi trước những hành động tàn bạo của sư thúc đồng môn đối với các yêu quái, Nhạn Hồi đã ra mặt chống đối. Vô tình, sức mạnh tiềm ẩn từ trong vảy hộ tâm trong cơ thể nàng bùng phát, tháp Tỏa Yêu bị phá hủy, yêu ma quỷ quái đều được thả đi. Sự kiện này khiến Nhạn Hồi bị Lăng Tiêu sư phụ đuổi khỏi môn phái.
Nàng xuống núi với hai bàn tay trắng. Để kiếm tiền trang trải cái ăn cái mặc, Nhạn Hồi nhận nhiệm vụ bắt xà yêu, mang Lưu Hỏa Châu bị đánh cắp về. Vì linh lực gần như không có, lại vì một tác động từ bên ngoài, Nhạn Hồi không những để xổng mất xà yêu mà còn bị đánh ngất.
Người đánh ngất nàng không ai khác chính là Thiên Diệu. Thực chất, hắn đã nhận thấy khí tức của vảy hộ tâm trên cơ thể nàng từ khi nàng còn ở trong chợ và luôn âm thầm bám theo nàng. Thiên Diệu định rút vảy hộ tâm về, nhưng rồi nhận ra vảy đã bị tông sư Huyền Môn phong ấn chặt trong người Nhạn Hồi. Không còn cách nào khác, hắn đành mang nàng về, dự định sẽ lấy lòng tin của nàng trước rồi tìm cơ hội giành lấy vảy hộ tâm.
Thiên Diệu cõng Nhạn Hồi về một thôn nhỏ. Nơi này, hắn có thân phận là A Phúc - một thanh niên bị ngốc sống cùng bà. Bà của A Phúc và người trong thôn lại tưởng Nhạn Hồi được A Phúc mang về để cưới làm vợ, thế là họ trực tiếp tổ chức lễ thành hôn cho cả hai. Từ đây, họ trở thành đôi phu thê hờ.
Sau một vài biến cố, Nhạn Hồi cuối cùng cũng biết thân phận thật của Thiên Diệu và nỗi khổ tâm của hắn. Vốn bản tính thương người, Nhạn Hồi không thể nhẫn tâm bỏ mặc hắn không có khả năng chống trả yêu quái, sống dở chết dở nên đồng ý giúp hắn thu thập các phần thân thể.
Cùng lúc này, Tố Ảnh cũng đang gấp rút tìm kiếm vảy hộ tâm để hoàn thành bộ giáp. Yêu giới nhiễu loạn, các môn phái tu tiên thì ráo riết thi nhau truy bắt yêu quái bất chấp thiện ác. Hành trình của Thiên Diệu và Nhạn Hồi sắp tới sẽ đón những sóng gió gì đây?
Chất lượng phim không tương xứng với định cấp S
Kỹ xảo "giả trân" gây xôn xao cõi mạng
Ngay khi vừa lên sóng, trên các mạng xã hội từ Trung Quốc đến Việt Nam lan truyền những hình ảnh kỹ xảo trông không khác gì hoạt hình thiếu nhi của Hộ Tâm. Từ một yêu long ngàn năm oai phong lẫm liệt, Thiên Diệu trở thành một chú rồng nhồi bông xanh lè, không có nét nào là uy nghi dũng mãnh cả.
Các linh thú hay yêu quái khác cũng chịu cảnh tương tự - trông như thú nhồi bông cho trẻ em. Yêu quái có ra tay tàn ác đến đâu thì giao diện cũng đáng yêu, không có một chút sức uy hiếp nào. Nhiều người đùa rằng Hộ Tâm là "cuộc phiêu lưu của Thiên Diệu và Nhạn Hồi vào thế giới linh thú"; có ý kiến còn cho rằng Hộ Tâm chiếu vào dịp hè khi các bé được nghỉ học thì chắc chắn sẽ hot, bởi kỹ xảo quá hợp gu các bé.
Ngoài kỹ xảo của các sinh vật huyền thoại, kỹ xảo lửa, các phân cảnh dưới nước hay đoạn biến hình của Tố Ảnh ở đầu tập 1 cũng trông kém chân thực, sơ sài, không đẹp mắt. Nếu nói đây là dự án đầu tư cấp S, vậy số tiền đầu tư rốt cuộc đã được dùng thế nào mà lại cho ra kết quả nghèo nàn thế kia?
Thiết lập nữ chính không đặc sắc bằng nguyên tác
Trong nguyên tác, Nhạn Hồi tuy cũng tùy hứng và trượng nghĩa, vừa tốt bụng, dễ mềm lòng lại vừa bá đạo, nhưng lại không phải kiểu nhí nhảnh hoạt bát mà mang khí chất ngạo nghễ. Nhờ vảy hộ tâm và nội đan rồng, Nhạn Hồi có tư chất hơn người, không chỉ thuận lợi trong việc tu tiên mà nàng còn là một trong những đệ tử xuất sắc nhất núi Thần Tinh.
Khi nghênh chiến với yêu xà để kiếm tiền thưởng, Nhạn Hồi được miêu tả rất ngầu. Vốn xà yêu trong nguyên tác có yêu khí ngút trời, linh lực mạnh mẽ, đấu với Nhạn Hồi có pháp lực thuộc hàng xuất sắc tạo nên một cảnh tượng đầy kịch tính. Tuy chật vật nhưng Nhạn Hồi vẫn xoay xở chiếm được thế thượng phong, chế ngự yêu xà dưới lưỡi kiếm gỗ đào.
Nhưng khi lên phim, Nhạn Hồi lại trở thành một đệ tử tu tiên kém cỏi nhất núi Thần Tinh, tốn 10 năm tu luyện mà không có nổi linh lực, chỉ có thể lực tốt. Cảnh đấu với yêu xà cũng không ly kỳ như truyện mà được thể hiện theo một cách hài hước, kết hợp với kỹ xảo tệ nên trông không khác gì phim hài nhảm.
Motif bị phong ấn sức mạnh nên pháp lực kém cõi của Nhạn Hồi trên phim không khác gì các nữ chính phim huyền huyễn từ thời xa xưa khác. Đó là một công thức đã cũ, rập khuôn và nhàm chán. Vì không có linh lực, Nhạn Hồi trên phim mất đi dáng vẻ ngạo nghễ bá đạo, mà trở về với motif nhí nhảnh, "tuy bất tài nhưng lạc quan đáng yêu" quen thuộc của nữ chính phim cổ trang tiên hiệp.
Cách cải biên này khiến nhân vật mất đi đặc trưng riêng so với các tác phẩm khác, trở nên yếu kém hơn hẳn nguyên tác.
Các cao trào không đủ sức nặng
Bộ truyện Hộ Tâm tuy không thiếu các chi tiết dí dỏm, nhưng tổng thể vẫn là một câu chuyện trái ngang, nhiều trường đoạn bi thương. Khi được chuyển thể thành phim, dường như ekip quá tập trung vào khía cạnh hài hước, cố gắng khuếch đại các yếu tố gây cười khiến cho các cảnh cao trào cảm xúc trở nên nhạt nhòa, không để lại dư âm buồn thương gì.
Trong các tập đã lên sóng không hề thiếu tình tiết bi thương. Đó là khi Thiên Diệu bị phản bội, khi Nhạn Hồi lần đầu bị Thiên Diệu xuyên kiếm vào tim, khi bà A Phúc qua đời, khi Nhạn Hồi bị sư phụ đuổi khỏi sư môn,... Nhưng vì tổng thể phim được kể theo lối khôi hài nên những phân đoạn mang tính cảm xúc này chỉ như chuồn chuồn đạp nước chứ chưa thấm vào đâu, chưa khuấy đảo được dòng xúc cảm mạnh mẽ nơi khán giả.
Phong độ diễn xuất thất thường của hai diễn viên chính
Cả Hầu Minh Hạo lẫn Châu Dã đều không phải những cái tên được đánh giá cao khi xét về diễn xuất. Hầu Minh Hạo có một số vai diễn nổi bật, nhận về nhiều lời khen như vai Hoa Bưu của Sống Không Dũng Cảm Uổng Phí Thanh Xuân, vai Kiểm Tử trong Hàn Võ Ký. Nhưng anh cũng từng gây tranh cãi với màn hóa thân thành Thiết Đản trong Hồ Đồng. Những vai diễn khác trong sự nghiệp thì lại chưa đủ xuất sắc để người ta nhắc đến.
Trong khi đó, Châu Dã từng gây chú ý với vai phản diện Ngụy Lai trong Em Của Thời Niên Thiếu, nhưng rồi các tác phẩm sau của cô nàng đều nhận về chỉ trích thậm tệ vì khả năng kiểm soát cơ mặt kém, khả năng biểu đạt nội tâm nhân vật thì trồi sụt thất thường. Ngay cả vai diễn nổi tiếng nhất là Cố Tương trong Sơn Hà Lệnh cũng có nhiều đánh giá trái chiều.
Ở Hộ Tâm, Hầu Minh Hạo biểu hiện khá tốt ở phân đoạn Thiên Diệu bị Tố Ảnh phản bội. Tuy nhiên, có thể một phần vì gương mặt mang cảm giác mỹ thiếu niên non nớt, một phần do thực lực chưa đủ nên các cảnh cần nội hàm, cần khí chất thâm trầm, cao lãnh đều trông rất "gồng", rất gượng ép, như đứa trẻ tập tành làm người lớn vậy.
Mặt khác, Châu Dã có ngoại hình xinh xắn đáng yêu, những cảnh vui vẻ đùa nghịch hay các cảnh trừng trị kẻ xấu đều được cô thể hiện khá tự nhiên. Những cảnh Nhạn Hồi mặt lạnh đối đáp hoặc hỏi tội nhân vật khác cũng không tệ. Thế nhưng, cô nàng vẫn mắc phải những điểm trừ cũ, đó là biểu cảm lố, diễn cảm xúc vừa không tới cao trào vừa thiếu sự tinh tế tỉ mỉ, cảnh khóc trông giả.
Đây cũng là một lý do khiến các cảnh có tính chất bi của phim lại không buồn nổi. Ví dụ như cảnh Thiên Diệu lần đầu lấy máu tim của Nhạn Hồi, hoàn toàn không nhìn ra được vẻ ngỡ ngàng, ngơ ngác rồi chuyển sang thất vọng xen lẫn với phẫn nộ của Nhạn Hồi trong ánh mắt Châu Dã. Không thể hiện được nội tâm nhân vật chưa đủ, cô nàng còn cho thấy những nét biểu cảm và cách chuyển động cơ thể trong cơn đau rất gượng gạo, quá lố.
Hầu Minh Hạo cũng không khá hơn là bao với đôi mày nhíu chặt suốt một cảnh phim dài mấy phút, nhưng chẳng nhìn ra được trong ánh mắt kia là cảm xúc gì, vì sao lại sinh ra cảm xúc đó. Giai đoạn này, Thiên Diệu chỉ lợi dụng Nhạn Hồi, cho nên khi đâm nàng, trong mắt hắn tất nhiên không có lấy một tia xót xa hay hối lỗi nào. Không chỉ thế, vì hắn không để Nhạn Hồi vào mắt nên lẽ ra biểu cảm khi đâm nhát kiếm đầu tiên nên là sự bình thản như một chuyện hiển nhiên mà hắn phải làm.
Thiên Diệu vốn không phải là một con rồng nóng tính, ruột để ngoài da. Hắn sống cả ngàn năm, lại trải qua một màn yêu hận hết sức "đặc sắc" nên càng trở nên lạnh lẽo vô tình, không màng đến cảm xúc của người khác, cũng không dễ dàng thể hiện cảm xúc của mình một cách cực đại, trừ khi đối phương là một sự tồn tại có ý nghĩa với hắn - có thể là ý nghĩa tích cực như người yêu, cũng có thể là ý nghĩa tiêu cực như kẻ thù.
Nhưng Nhạn Hồi khi ấy không có ý nghĩa gì đặc biệt với Thiên Diệu, hắn chỉ xem nàng như một vật chứa vảy hộ tâm di động mà thôi. Cảm xúc giận dữ trong ánh mắt lẽ ra không nên có, càng không thể kéo dài xuyên suốt cảnh phim như vậy.
Đúng ra nên là sự chuyển đổi từ vẻ bình thản, lạnh lùng khi đâm nhát kiếm đầu tiên, sau đó là đanh nét mặt, ánh mắt nhuốm đầy sát khí khi Nhạn Hồi phá trận pháp, tiếp theo mới nên là nhíu chặt mày cùng ánh mắt gấp gáp và vẻ mặt nghiêm trọng vì cần nhanh chóng hoàn tất trận pháp.
Chỉ trong một cảnh phim mà có thể thấy được cả hai diễn viên đều yếu kém trong việc lý giải cảm xúc nhân vật, trong việc thấu hiểu tỉ mỉ những biến đổi trong suy nghĩ và trong việc thể hiện những chuyển biến cảm xúc ấy ra một cách chính xác. Không chỉ có vấn đề về mặt biểu cảm mà một số tư thế của họ trong cảnh này cũng rất kỳ lạ, không có tính thẩm mỹ.
Với khả năng như thế, liệu rằng sau này, khi nội dung ngày càng sâu sắc hơn, họ có thể truyền tải được cái hồn của nhân vật, khiến khán giả đồng cảm với nhân vật được chăng?
Chemistry giữa Hầu Minh Hạo - Châu Dã khá yếu
Công bằng mà nói, chemistry và diễn xuất là hai yếu tố không liên quan quá mật thiết với nhau. Có những diễn viên tuy diễn dở nhưng lại tương tác với bạn diễn rất tốt, có những diễn viên tuy diễn tốt nhưng phối hợp với bạn diễn kém hiệu quả. Đáng tiếc là ở Hầu Minh Hạo - Châu Dã, đến cả chemistry cũng không ấn tượng, không vớt vát được cho kỹ năng diễn xuất còn thiếu sót của cặp đôi.
Ánh mắt nhìn nhau gượng gạo, các cảnh đối diễn không tạo được rung động. Nguyên nhân lớn nhất có lẽ là do lối diễn của cả hai thiếu sự hòa hợp, gây cảm giác lạc quẻ, mỗi người một thế giới.
Dàn cast phụ đa số mờ nhạt
Xét riêng 7 tập đầu, tuy vẫn có một số diễn viên phụ để lại ấn tượng tốt nhưng đa số đều rất nhạt nhòa. Nhạt nhòa về cả nhan sắc, khí chất lẫn diễn xuất. Ví dụ như nữ diễn viên đóng vai Tử Nguyệt - biểu cảm lố và gượng gạo thậm chí còn hơn cả Châu Dã, Tả Diệp vai Phụng Thiên Sóc - nét diễn bình thường không làm nổi bật được tính cách nhân vật, nam diễn viên vai Ngọc Lịch - có cố gắng nhưng chưa thành công,...
Đáng nói, một trong số những diễn viên thuộc tuyến chính là Vương Dĩ Luân cũng gây thất vọng. Vai Bạch Hiểu Sinh là một vai hoàn toàn mới, do biên kịch bản chuyển thể sáng tác thêm. Lợi thế khi đảm nhiệm nhân vật mới là không bị so sánh, có thể thỏa sức diễn giải nhân vật theo cách của mình.
Qua lời thoại và phong thái nhân vật, có thể hiểu rằng Vương Dĩ Luân muốn thể hiện một Bạch Hiểu Sinh phóng khoáng, đào hoa, hay đùa, trông có vẻ vô tư vô tâm nhưng thực chất lại mang trong mình nhiều bí ẩn. Đây là một kiểu vai không mới trên màn ảnh Hoa ngữ lẫn các quốc gia khác.
Một số nhân vật cũng có thiết lập tương tự là Phác Xích Quân trong Hương Mật Tựa Khói Sương, Nishikado Soujiro/So Yi Jung/Tây Môn của bộ Hana Yori Dango (hay còn gọi là Vườn Sao Băng), Gu Yong Ha của Sungkyunkwan Scandal,...
Tuy nhiên, Vương Dĩ Luân lại không đủ khả năng để tạo nên sức hút từ những nét tính cách đó. Muốn làm ra vẻ thiếu nghiêm túc nhưng biểu cảm lắm lúc lại trông như thiếu nữ yểu điệu, khuôn miệng khi thoại không tròn vành mà bè ra hai bên, càng khiến nhân vật này trông gượng gạo, gây khó chịu cho người xem.
Lạm dụng slow motion, kỹ thuật quay dựng còn thiếu sót
Nhiều cảnh sử dụng hiệu ứng slow motion để nhấn mạnh, nhưng đoạn slow motion lại bị kéo dài một cách không cần thiết. Một số đoạn không cần nhưng vẫn dùng slow motion. Bên cạnh đó, trong phim xuất hiện những góc trực diện rất dìm diễn viên, cũng có những phân cảnh mà cách quay không đạt được hiệu quả dẫn dắt cảm xúc tốt, khiến Hộ Tâm lại nhiều thêm một vài hạt sạn hạn chế trải nghiệm xem phim.
Vẫn có một số ưu điểm nhất định
Cải biên nhưng không sai lệch quá nhiều so với ý tưởng chính của nguyên tác
Tuy đã "tước đoạt" linh lực hàng đầu núi Thần Tinh của Nhạn Hồi nhưng may là biên kịch vẫn để lại cho nàng trí thông minh và sự nhanh nhạy trong phản ứng. Sau này, Nhạn Hồi cũng sử dụng được pháp thuật nhờ linh lực của vảy hộ tâm nên không bị biến thành kiểu nữ chính chỉ có thể trông chờ vào sự cứu giúp của nam chính.
Về mặt tình tiết cũng có nhiều cải biên nhưng đa số đều là chi tiết nhỏ, không ảnh hưởng quá lớn đến hướng phát triển gốc. Tuy thêm nhân vật mới và phát triển thêm một tuyến truyện riêng có liên kết với mạch chính cho nhân vật này, nhưng cũng không làm lệch đi quá nhiều các diễn biến chính trong việc phát triển câu chuyện và phát triển nhân vật so với nguyên tác.
Vì kịch bản là phần quan trọng nhất của một bộ phim cho nên việc Hộ Tâm bám được theo sườn chính của nguyên tác, trong khi vẫn chấm phá thêm các nét sáng tạo riêng là một điều rất đáng được ghi nhận.
Dương Dung nổi bật với nhan sắc, khí chất lẫn diễn xuất "chuẩn chỉnh"
Trong các nhân vật đã xuất hiện, có thể nói Dương Dung chính là cái tên nổi bật nhất. Được mệnh danh là "cơn ác mộng của nữ chính", Dương Dung chuyên đảm nhận vai nữ phụ phản diện nhưng vẫn "át vía" các nữ chính một cách dễ dàng. Bởi vậy, khi dự án Hộ Tâm công bố vai Tố Ảnh được giao cho Dương Dung, nhiều khán giả bày tỏ sự mong chờ và đặt kỳ vọng cao vào lần tái xuất này của cô.
Không phụ niềm tin ấy, Dương Dung xuất hiện với nhan sắc sắc sảo; ánh mắt lúc thì thâm tình, lúc lại tàn nhẫn; khí chất lạnh lùng, xa cách; các cảnh thi triển pháp thuật được thể hiện một cách dứt khoát, vừa đẹp vừa có lực. Những cảnh thay đổi biểu cảm cũng được Dương Dung hoàn thành chuẩn xác. Quả là danh bất hư truyền!
Ngoài Dương Dung, có Trương Trí Nghiêu cũng rất được trông đợi. Nhưng thời lượng xuất hiện của anh trong các tập vừa qua không nhiều nên chưa thể hiện được gì đặc biệt.
Trần Hân Dư vai Huyền Ca cũng là một diễn viên phụ hiếm hoi thật sự nổi bật của Hộ Tâm trong những tập vừa qua. Nhan sắc yêu kiều, phong thái ung dung, khí chất vừa nhã nhặn vừa thông thái, ánh mắt long lanh mà như nhìn thấu người đối điện,... từng cử chỉ, từng biểu cảm đều toát lên được cái hồn của nhân vật. Nhờ vậy mà Huyền Ca hiện lên tự nhiên và sống động. Khi ở cùng một khung hình với Châu Dã, Trần Hân Dư thậm chí còn nổi bật và ấn tượng hơn hẳn.
Mạch phim nhanh gọn, tình tiết có tính giải trí cao
Để gói gọn hơn 100 chương truyện trong vỏn vẹn 40 tập phim, tình tiết buộc phải được giản lược bớt, đồng thời mạch phim cần đẩy nhanh hơn. Về điểm này thì tổ chế tác Hộ Tâm đang làm khá tốt. Tiết tấu phim tuy nhanh nhưng tình tiết vẫn đảm bảo được sự liền mạch, không bị chắp vá, đứt đoạn.
Kịch bản xuất hiện nhiều chi tiết sáng tạo khá thú vị như ngựa BMW, rùa Lamborghini,... tạo được hiệu ứng giải trí tốt, gây ấn tượng tích cực nơi người xem. Tuy việc tập trung vào khía cạnh hài hước khiến phim bị giảm mất sự chiều sâu, nhưng không thể phủ nhận cách làm này thu hút được đối tượng khán giả rộng hơn vì dễ xem, xả stress tốt, không đặt nặng các diễn biến tâm lý phức tạp.
Phục trang, tạo hình đẹp
Trái ngược với phần kỹ xảo nghèo nàn, tạo hình của các diễn viên trên phim lại rất được chú trọng. Trang phục đẹp, phù hợp với thiết lập từng nhân vật; phối màu thuận mắt, đa dạng màu sắc; kiểu tóc và phụ kiện của các nhân vật cũng được chăm chút kỹ càng.
Hiệu ứng ngược từ khán giả
Tuy phần đồ họa rõ là "giả trân", những tưởng sẽ nhận về cơn mưa giễu cợt từ dư luận, thế mà Hộ Tâm lại nhận về phản ứng hoàn toàn trái ngược. Dù công chúng đúng là thấy kỹ xảo của "dự án cấp S" này ngô nghê một cách kỳ lạ, nhưng nhìn một hồi cũng lạ lạ dễ thương! Nhiều người còn thừa nhận vì thấy đồ họa đáng yêu nên mới có động lực xem thử phim.
Cư dân mạng cho rằng giữa thời buổi phim nào cũng đầu tư khủng, đồ họa cố dựng sao cho chân thật nhưng vẫn "giả giả" thì làm giả hẳn như Hộ Tâm cũng hay. Biết đâu "lối đi riêng" này sẽ giúp phim bật hẳn lên, ghi được dấu ấn đặc biệt giữa dàn phim tiên hiệp năm nay. Mà sự tình có vẻ đang phát triển theo hướng này thật.
Sau khi "trải nghiệm thực tế", nhiều người xem để lại đánh giá rằng tổng thể xem vẫn ổn. Tuy diễn xuất của nam nữ chính nhiều đoạn chưa đạt nhưng không đến nổi quá khó xem. Ngoài ra thì nhịp phim nhanh gọn, không bị nhàm chán; tình tiết hài hước, xem giải trí ổn.
Sau 2 ngày lên sóng, các chỉ số của Hộ Tâm có biến chuyển tích cực. Với dàn cast không có danh tiếng lớn, không có lưu lượng cao, diễn xuất cũng không được đánh giá cao; kỹ xảo phim nghèo nàn, như hoạt hình thiếu nhi, Hộ Tâm thế mà lại tạo nên cú plot twist, tạo được sự cuốn hút từ trong những điều tưởng như không thể. Với tình hình này, tuy khó khẳng định Hộ Tâm sẽ "bạo", nhưng chắc chắn sẽ không rơi vào cảnh bị dư luận "hắt hủi", "lặn không bọt sóng".
Cập nhật thêm các tin tức mới nhất về các bộ phim thú vị tại Tin phim VOH.