Phá Địa Ngục là bộ phim chính kịch Hồng Kông kể về mối quan hệ giữa Đạo Sinh (do Huỳnh Tử Hoa thủ vai) - một người tổ chức đám cưới thất nghiệp do đại dịch, và chú Văn (do Hứa Quán Văn thủ vai) - một đạo sĩ Đạo giáo truyền thống chuyên thực hiện các nghi thức tang lễ.
Sự tương tác giữa hai nhân vật này không chỉ tạo nên cốt truyện hấp dẫn mà còn mang đến những bài học sâu sắc về cuộc sống.
Mối quan hệ bù - trừ
Sau khi mất việc làm tổ chức đám cưới trong đại dịch, Đạo Sinh nhận lời đề nghị từ một giám đốc tang lễ để tham gia vào công việc thực hiện các nghi thức Đạo giáo truyền thống.
Anh phải làm việc cùng chú Văn - đạo sĩ nghiêm khắc coi công việc tang lễ như sứ mệnh cuộc đời, trái ngược với cách làm việc vì lý do "thương mại" của Đạo Sinh. Sự khác biệt dẫn đến những mâu thuẫn nhưng cũng mở ra cơ hội để cả hai học hỏi lẫn nhau.
Ban đầu, Đạo Sinh tiếp cận công việc với mục tiêu kiếm sống, thiếu sự tôn trọng đối với các nghi thức và giá trị truyền thống. Ngược lại, chú Văn coi trọng từng chi tiết trong nghi lễ, xem đó là cách tôn vinh người đã khuất và duy trì đạo đức nghề nghiệp.
Sự nghiêm khắc của chú Văn khiến Đạo Sinh cảm thấy áp lực nhưng dần dần, anh nhận ra ý nghĩa sâu sắc của công việc này.
Chú Văn dạy Đạo Sinh về tầm quan trọng của việc tôn trọng người đã khuất và gia đình họ cũng như giá trị của việc duy trì các nghi thức truyền thống. Ông nhấn mạnh đây không chỉ là một nghề kiếm sống mà còn thuộc phạm trù đạo đức và tâm linh.
Qua thời gian, Đạo Sinh học được sự kiên nhẫn, tôn trọng và lòng trắc ẩn từ chú Văn, giúp anh thay đổi quan điểm về cuộc sống và công việc.
Tương tự, Đạo Sinh cũng mang đến cho chú Văn góc nhìn mới về sự linh hoạt và thích nghi trong cuộc sống hiện đại. Anh giúp chú Văn hiểu việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại có thể tạo ra những giá trị mới, đồng thời giúp công việc tiếp cận được với nhiều người hơn.
Sự nhiệt tình và sáng tạo của Đạo Sinh cũng làm mềm lòng chú Văn, giúp ông mở lòng hơn với con cái và những người xung quanh.
Qua những thử thách và xung đột, Đạo Sinh và chú Văn dần hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Dù có sự khác biệt về quan điểm và phương pháp, cả hai đều hướng đến mục tiêu chung là mang lại sự an ủi, tôn trọng cho người đã khuất và gia đình họ.
"Trọng nam" mang đến gánh nặng cho người đàn ông
Trong xã hội Á Đông, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" đã ăn sâu vào tâm thức nhiều thế hệ, tạo ra những áp lực không chỉ đối với phụ nữ mà còn với nam giới.
Ngoài mặt, chú Văn kỳ vọng Quách Chí Bân - con trai cả, kế nghiệp trong việc thực hiện các nghi thức tang lễ Đạo giáo dù anh không hề mong muốn. Ngược lại, con gái Văn Nguyệt dù có năng lực và đam mê lại bị gạt ra ngoài chỉ vì giới tính.
Chú Văn thường nhấn mạnh nhiều lần quan niệm cổ hủ của Đạo giáo: "phụ nữ là dơ bẩn" (vì phụ nữ có kinh nguyệt, mang âm khí nặng nên bị cấm thực hiện nghi thức Phá Địa Ngục).
Khi chú Văn bị liệt một nửa người do đột quỵ, ông cũng không muốn Văn Nguyệt chăm sóc cho ông, càng không cho cô đụng vào người mình.
Chính vì vậy, Chí Bân phải đối mặt với áp lực lớn từ cha và xã hội. Anh cảm thấy mất tự do, không thể theo đuổi ước mơ và sống cuộc đời mình mong muốn.
Thêm vào đó, vợ anh theo đạo Công giáo, mong muốn con trai họ được học trong môi trường giáo dục Công giáo. Điều này đặt Chí Bân vào tình thế khó xử giữa việc làm hài lòng cha và đáp ứng nguyện vọng của gia đình nhỏ.
Cuối cùng, Chí Bân quyết định rời bỏ cha và em gái để tìm kiếm tương lai tốt hơn cho con trai mình. Anh không muốn con trai phải chịu đựng những áp lực mà anh từng trải qua, bị chôn vùi tuổi trẻ trong các nhà tang lễ.
Tư tưởng "trọng nam khinh nữ" không chỉ gây bất công cho phụ nữ mà còn đặt gánh nặng lên vai nam giới, dẫn đến mất tự do trong việc lựa chọn cuộc sống, nghề nghiệp và đam mê cá nhân.
Nạn nhân của phong tục tập quán xưa
Dù bề ngoài nghiêm khắc và tuân thủ các quy tắc truyền thống, chú Văn thực chất rất yêu thương con gái mình. Tên "Văn Nguyệt" mang ý nghĩa "bảo bối quý giá của Văn", thể hiện tình cảm sâu đậm ông dành cho con.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của phong tục xưa, ông không biết cách bày tỏ tình cảm, dẫn đến hiểu lầm giữa hai cha con.
Do quan niệm "trọng nam" và những quy tắc nghiêm ngặt của Đạo giáo, Văn Nguyệt bị ngăn cản, dẫn đến cảm giác bị cha ghét bỏ. Ngược lại, chú Văn nghĩ rằng con gái ghét mình và thiếu giao tiếp khiến cả hai đều chịu đựng những tổn thương sâu sắc.
Mặt khác, Chí Bân được cha định hướng theo nghề gia đình nhưng lại quyết định rời bỏ để tìm kiếm cuộc sống riêng, phù hợp với mong muốn cá nhân và gia đình nhỏ.
Thay vì tức giận, chú Văn cảm thán con trai dũng cảm hơn mình, dám cãi lời cha để chọn con đường riêng, điều mà ông không thể làm trong quá khứ do bị ràng buộc bởi truyền thống. Điều này cho thấy, dù nghiêm khắc, ông vẫn thấu hiểu và tôn trọng quyết định của con.
Khi qua đời, chú Văn để lại di nguyện mong muốn con gái Văn Nguyệt thực hiện nghi thức Phá Địa Ngục trong tang lễ của mình. Đây là một hành động phá vỡ quy tắc truyền thống khi phụ nữ thường không được phép thực hiện các nghi thức này.
Di nguyện thể hiện sự thay đổi trong tư duy của chú Văn, từ bỏ những luật lệ cổ hủ để bày tỏ tình yêu thương với con gái trong những giờ phút cuối đời.
Tuy nhiên, việc Văn Nguyệt thực hiện nghi thức gặp phải sự phản đối từ các đồng đạo của chú Văn. Họ cho rằng chú Văn đã phản bội "đức tin Đạo giáo" và không đồng tình phụ nữ tham gia vào các nghi lễ quan trọng, dẫn đến việc nhiều người bỏ về, chỉ còn lại gia đình và một số bạn thân.
Kết luận
Phá Địa Ngục là lời cảnh tỉnh về những hệ lụy của việc tuân thủ mù quáng các phong tục tập quán xưa cũ. Những quy tắc không chỉ kìm hãm sự phát triển cá nhân mà còn gây ra những hiểu lầm, tổn thương trong gia đình.
Chỉ khi con người dám đối mặt, thấu hiểu và thay đổi những quan niệm lạc hậu, tình cảm gia đình mới có thể được hàn gắn và phát triển.
Giữ gìn truyền thống là quan trọng nhưng cần linh hoạt và phù hợp với thời đại, để không trở thành rào cản cho tình cảm và sự phát triển của mỗi cá nhân trong gia đình.
Phá Địa Ngục cũng là lời nhắc nhở sâu sắc về tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền tự do lựa chọn và bình đẳng giới trong xã hội hiện đại.
Bộ phim khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 10/1/2025, là cơ hội để khán giả trải nghiệm một tác phẩm điện ảnh sâu sắc, mang đậm giá trị nhân văn và văn hóa Á Đông.
Theo dõi voh.com.vn để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về showbiz, phim ảnh, âm nhạc, TV Show... tại chuyên mục Giải trí.