Web-drama Chuyện Nhà Tí là dự án ghi dấu một vai trò khác của Minh Dự khi anh không chỉ đảm nhận vai trò biên kịch mà còn là người đầu tư sản xuất chính. Bộ phim với sự tham gia của Minh Dự cùng các nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Kim Xuân, diễn viên Quang Tuấn, Bảo Trí, Lê Nam, Puka,... đã mang đến những cảm xúc mới mẻ có phần sâu sắc và chiêm nghiệm trong dòng chảy các sản phẩm nghệ thuật sôi nổi, rộn ràng ngày Tết.
Chuyện Nhà Tí là tác phẩm chuyển thể từ tản văn “Tết” trong quyển “Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng” của Minh Dự. Bộ phim lấy bối cảnh ngày Tết với đầy đủ những “thủ tục” từ cúng bái, khấn Tổ tiên đến một thông lệ vô cùng quen thuộc - lì xì lấy hên. Thế nhưng, đằng sau những phong tục đầu năm tưởng chừng quen thuộc và đầy ý nghĩa ấy, Chuyện Nhà Tí mang đến một góc nhìn khác đậm hơi thở thời đại, có phần châm biếm nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và khiến người xem phải “chậm lại” để suy ngẫm.
Dưới góc nhìn của nhân vật Tí (Minh Dự), “Tết” trong gia đình mình từ lâu đã “biến tướng”. Việc "lì xì" vốn là một thông tục quen thuộc mang ý nghĩa may mắn, nay lại dần trở nên một cách thức “lấy oai”, thậm chí là để so đo kinh tế giữa những thành viên trong gia đình. Mọi người không còn quan tâm đến tình cảm được gửi gắm trong những lời mừng tuổi hay ý nghĩa của việc tặng nhau chút lộc may mắn đầu năm mà thay vào đó là mệnh giá bên trong phong bao đỏ tươi. Cũng vì lẽ đó mà Tâm (Quang Tuấn) - ba của Tí năm nào cũng về quê trễ, khi luôn mang trong người những mặc cảm giàu nghèo.
Ngoài ra, web-drama Chuyện Nhà Tí cũng được “thêm thắt” những tình tiết mới đầy cảm động và vỡ oà. Như trong phân cảnh nhân vật Tí (Minh Dự) mãi mãi mất đi mẹ của mình vì dịch bệnh COVID-19 khiến người xem không khỏi nghẹn ngào. Sau quãng thời gian khó khăn, cả nước phải gồng mình chống dịch, rất nhiều gia đình cũng rơi vào cảnh mất mát, khiến ngày Tết năm nay càng trở nên nặng nề.
Hay trong phân đoạn anh Tư (Quang Tuấn) trở về nhà sau khi đã “cởi bỏ” hết những mặc cảm giàu nghèo, đôi tay run run của bà Ba (NSND Kim Xuân) lấy ra trong túi chiếc bao lì xì đỏ thắm, câu “Ờ, má…” chưa thể trọn lời đã chực trào nước mắt, chắc hẳn đã để lại trong lòng người xem nhiều cảm xúc khó quên.
“Đây là những cảm xúc của Dự về ngày Tết, đặc biệt là Mùng 1. Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, Dự thấy Tết ngày càng ngắn. Nhiều người quan trọng giá trị đồng tiền trong bao lì xì hơn là câu chúc phúc đầu năm. Sự tranh thủ đi từ nhà này qua nhà khác để kiếm tiền lì xì khiến Tết trôi qua rất nhanh. Ông bà, cha mẹ cũng vì đó mà lạc lõng, cô đơn”, diễn viên Minh Dự và cũng là tác giả của tác phẩm gốc chia sẻ về những cảm nhận cá nhân đã tạo nên nguồn cảm hứng cho câu chuyện.
Quy tụ dàn nghệ sĩ thực lực trong chính kịch lẫn hài kịch, nhịp phim Chuyện Nhà Tí vẫn giữ được sự cân bằng giữa tính hài hước, giải trí phù hợp với ngày Tết, lại vừa đủ lắng đọng với những cung bậc cảm xúc thăng trầm. Những màn tung hứng nhịp nhàng giữa Quốc Khánh - Puka hay “mảng miếng” duyên dáng của Minh Dự cùng dàn diễn viên gạo cội sẽ mang đến tiếng cười nhẹ nhàng, sảng khoái cho khán giả giữa cuộc sống bận rộn ngày cuối năm.
“Lấy ý tưởng từ tản văn in trong sách, Dự phải thay đổi nhiều thứ để có được câu chuyện xuyên suốt và gần gũi cho phim. Chi tiết Dự không thể bỏ qua là cái mặc cảm của người không dám về nhà vì áp lực đồng tiền và sự cô đơn của người ở lại sau khi tất cả thành viên trong gia đình đã xong xuôi “thủ tục” đầu năm. Đó chính là thông điệp mà Dự muốn gửi gắm. Với Dự, gặp nhau chỉ để cho xong thì buồn lắm” - Minh Dự bày tỏ.
Dành nhiều tâm huyết cho phim ngắn Chuyện Nhà Tí, Minh Dự cho biết đây là dự án lớn nhất về mặt kinh phí, nội dung lẫn sự góp mặt của dàn nghệ sĩ nổi tiếng trên kênh YouTube của mình cho đến thời điểm hiện tại. “Điều Dự kỳ vọng nhất ở bộ phim này, là sau khi xem xong, các gia đình sẽ trân trọng cái Tết hơn, biết quan tâm đến cảm xúc của những thành viên trong nhà mình. Bởi đôi khi, sự vô tình của mình cũng làm người thân yêu cô đơn và buồn lòng nhiều lắm”.
Khoảng thời gian cận Tết luôn là thời điểm các bộ phim web-drama “nở rộ”. Thế nhưng với Chuyện Nhà Tí, khán giả không chỉ được khóc, được cười cùng những nhân vật có số phận hoàn toàn khác biệt. Mà còn là dịp để mỗi người có thể “lắng” lại và tìm về những giá trị nguyên bản nhất của ngày Tết, khoảng thời gian của niềm hạnh phúc sum vầy.