Chờ...

Nhà soạn nhạc phim tài danh từng đoạt giải Oscar - Ennio Morricone qua đời ở tuổi 91

(VOH) - Nhà soạn nhạc người Ý Ennio Morricone - một huyền thoại về nhạc phim - vừa qua đời tại Rome ở tuổi 91 sau biến chứng của cơn đột quỵ.

Ennio Morricone sinh năm 1928 ở Rome, Ý. Viết tác phẩm đầu tiên của mình ở tuổi lên sáu. Trong suốt sự nghiệp trải nhiều thập kỷ của mình, ông đã sáng tác hơn 500 nhạc phim điện ảnh và truyền hình. Đặc biệt, với các bộ phim điện ảnh, cái tên Ennio Morricone thường xuất hiện như một bảo chứng cho chất lượng âm nhạc của phim, rất nhiều bộ phim do ông soạn nhạc đã đạt những thành tựu quốc tế.

Nếu có một nhà soạn nhạc phim nào mang quốc tịch nằm ngoài Mỹ nhưng sự nghiệp lại đồ sộ, sánh ngang với các nhà soạn nhạc Hollywood nhiều thập niên qua, đồng thời phần nhạc sáng tác trải dài ở nhiều thể loại phim thì đó là tác giả người Ý Ennio Morricone. Ngày 6/7 (giờ địa phương), ông trút hơi thở cuối cùng tại Rome (Ý), thọ 91 tuổi. Thông tin trên được luật sư của ông là Giorgio Assumma thông báo với truyền thông, báo Anh The Guardian đưa tin.

 Nhà soạn nhạc người Ý, Ennio Morricone

Morricone nhận giải Oscar năm 2016. Ảnh: CNN

Cũng trong chiều 6/7 (giờ Việt Nam), khắp các mặt báo phương Tây đồng loạt tiễn đưa sự ra đi của một tên tuổi làm nhạc phim lớn. Giorgio Assumma cho biết, Ennio Morricone bị vỡ xương đùi vài ngày trước khi mất. Theo chia sẻ của luật sư, Ennio Morricone trước khi nhắm mắt luôn tỏ ra tỉnh táo. "Ông ấy nói lời vĩnh biệt người vợ yêu quý Maria, người đã bên ông suốt cuộc hôn nhân cho đến khi ông yên nghỉ; người đàn ông ấy còn nói cả lời chia tay con cái và mấy đứa cháu đã luôn dành cho ông tình thương yêu vô bờ", vị này cho hay. 

Giới trong nghề trân trọng gọi Ennio Morricone là "maestro" (bậc thầy) bởi sự nghiệp đồ sộ gồm hơn 400 tác phẩm âm nhạc viết cho phim điện ảnh và truyền hình, 100 tác phẩm nhạc cổ điển.

Xem thêm: Điểm qua hàng loạt bộ phim từng đạt giải thưởng Oscar

Ennio Morricone làm quen với nhạc cụ từ khi lên 6, The Guardian tiết lộ. Cả cuộc đời ông theo đuổi các nốt nhạc trên màn ảnh. Trong thập niên 1950, ông bắt đầu soạn những bản nhạc đầu tiên cho phim điện ảnh và theo đuổi đến khi mất. Hans Zimmer, một nhà soạn nhạc nổi tiếng ở Hollywood tri ân sự ra đi của bậc cha chú trong nghề: "Ennio là một biểu tượng của làng nhạc phim, âm nhạc của ông ấy rất hấp dẫn". 

Morricone đã góp phần quan trọng làm nên thành công của loạt phim về cao bồi viễn Tây của đạo diễn Sergio Leone mà nổi tiếng là bộ 3 tác phẩm A Fistful of Dollars (1964), For a Few Dollars More (1965) và The Good, the Bad and the Ugly (1966) gắn với nam diễn viên Clint Eastwood.

Chính Leone sinh thời cũng nói rằng nếu không có âm nhạc của Morricone thì không thể có được cái không khí viễn Tây yêng hùng kinh điển trên màn ảnh đó.

Tài năng của Morricone là ông có thể viết những tác phẩm âm nhạc để đời với nhiều thể loại phim khác nhau.

Đơn cử như với bộ phim kinh điển Cinema Paradiso (1988) của đạo diễn tài ba Giuseppe Tornatore hay Once upon a time in America (1984) của Sergio Leone, ông mang đến thứ âm nhạc đượm chất trữ tình, giàu cảm xúc với những giai điệu vô cùng sâu lắng.

Morricone được đạo diễn Quentin Tarantino tôn kính, gửi gắm phụ trách soạn nhạc cho hàng loạt phim của mình: "Kill Bill", "Death Proof", "Inglourious Basterds", "Django Unchained" và "The Hateful Eight". Chính "The Hateful Eight" cũng đem về cho Morricone một tượng vàng Oscar ở hạng mục "nhạc phim hay nhất" vào năm 2016, dù trước đó ông đã nhận được giải Oscar thành tựu trọn đời vào năm 2007.

Ngoài giải Oscar, nhà soạn nhạc Ennio Morricone còn giành nhiều giải thưởng âm nhạc quan trọng khác như giải Grammy, giải Quả cầu vàng, BAFTA, giải Nastro Guyrgento, Giải thưởng điện ảnh châu Âu… Không chỉ thành công về mặt nghệ thuật, Ennio Morricone còn là nhà soạn nhạc ăn khách với lượng album bán ra lên đến 70 triệu bản.

Morricone từng chia sẻ: "Mọi thứ âm thanh đều có thể truyền tải được cảm xúc. Âm nhạc chính là sự làm đẹp những âm thanh trong đời sống".

Chính vì thế, với mỗi tác phẩm nhạc phim, ông chọn một nhạc cụ thể hiện giai điệu chủ đề khác nhau và ông cũng đưa vào âm nhạc những thứ âm thanh khác nhau ngoài nhạc cụ như tiếng chuông, tiếng chim kêu, tiếng đồng hồ hay tiếng súng…

Sự ra đi của Ennio Morricone là một mất mát lớn không chỉ của nền âm nhạc mà cả điện ảnh thế giới bởi một sự nghiệp đồ sộ với quá nhiều tác phẩm bất hủ.