Chờ...

Lễ khai mạc SEA Games 32 diễn ra hôm nay hứa hẹn nhiều điều thú vị

VOH - Lễ khai mạc SEA Games 32 sẽ bắt đầu vào lúc 19h00 tối nay 5/5. VOH.com.vn giúp bạn khám phá những điều thú vị trước thềm buổi lễ khai màn cho kỳ đại hội trên đất Campuchia diễn ra.

SEA Games 32 diễn ra tại Phnom Penh và bốn thành phố khác ở Campuchia, từ 29/4 đến 16/5, với 584 nội dung thuộc 36 môn thi. Trước ngày diễn ra Lễ khai mạc, một số môn đã tiến hành thi đấu bắt đầu từ 29/4 đến 4/5.

Ngày 4/5, ban tổ chức đã trao chín bộ huy chương đầu tiên. Chủ nhà dẫn đầu với năm HC vàng. Philippines giành hai HC vàng, còn Thái Lan và Lào được một, từ võ jiu-jitsu và bokator. HCV đôi nữ cờ ốc của Việt Nam sẽ trao ngày 6/5, nên chưa được tính vào bảng tổng sắp.

Trong hôm nay 5/5, SEA Games 32 không tổ chức thi đấu môn thể thao nào, mọi sự tập trung và chuẩn bị tốt nhất sẽ dành cho Lễ khai mạc kỳ đại hội lần này trên đất Campuchia.

Lễ khai mạc SEA Games 32 diễn ra mấy giờ, trực tiếp trên kênh nào?

Lễ khai mạc SEA Games 32 diễn ra hôm nay 5/5, bắt đầu từ 19h00 đến 22h00 trên sân Morodok Techo (Phnom Penh, Campuchia).

Toàn bộ diễn biến buổi lễ sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV5, VTVGo, kênh youtube VTV Thể Thao và On Football.

Lễ khai mạc SEA Games 32 diễn ra hôm nay hứa hẹn nhiều điều thú vị
Campuchia đã sẵn sàng cho buổi Lễ khai mạc SEA Games 32 - Ảnh:

Sau hơn 60 năm chờ đợi cùng với khoảng 10 năm chuẩn bị, đến nay nước chủ nhà SEA Games 32 Campuchia đã hoàn tất công tác chuẩn bị và sẵn sàng cho các cuộc tranh tài.

Theo trang chủ SEA Games 32 ngày 29/4, Đại hội quy tụ khoảng 12.000 thành viên đến từ 11 đoàn tham dự, chưa kể các trọng tài. Hơn 2.000 phóng viên cũng đã nhận thẻ đăng ký, trong đó có 907 phóng viên ngoài Campuchia.

Campuchia được cho là dành rất nhiều tâm huyết cho sự kiện trọng đại này, với kịch bản chương trình đã được xây dựng cách đây hơn 1 năm. SEA Games 32 được Campuchia chi tới 131 triệu USD, gồm 124 triệu USD cho công tác tổ chức và 7 triệu USD cho chi phí miễn phí ăn, ở của các đoàn.

SVĐ diễn ra Lễ khai mạc SEA Games 32 có gì đặc biệt?

Sân Morodok Techo nằm trong khu liên hợp thể thao cùng tên, ở ngoại ô Phnom Penh, khởi công xây dựng tháng 8/2017 và hoàn thành vào tháng 8/2021. Chi phí xây dựng hết khoảng 160 triệu USD, do Trung Quốc tài trợ.

Sân chính - nơi diễn ra lễ khai mạc được xây theo hình dạng của một "chiếc thuyền buồm". Trong đó có hai mũi thuyền cao 99 mét và được bao quanh bởi một con hào theo phong cách Angkor cổ đại.

Lễ khai mạc SEA Games 32 diễn ra hôm nay hứa hẹn nhiều điều thú vị
Sân Morodok Techo - nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 32 tại Phnom Penh - Ảnh: Real Estate

Morodok Techo được xem là công trình trọng điểm khi Campuchia đăng cai SEA Games 32. Tuy nhiên, sân có sức chứa 60.000 chỗ ngồi này lại không dùng tổ chức môn bóng đá. Ngoài lễ khai mạc (5/5) và bế mạc (12/5), tổ hợp này còn được sử dụng để tổ chức môn điền kinh (từ ngày 8 đến 12/5).

Các trận đấu của môn bóng đá sẽ diễn ra tại 4 sân vận động khác ngay tại Phnom Penh. Cụ thể, bóng đá nam thi đấu ở sân Olympic (bảng A) và sân Prince (bảng B, bảng U22 Việt Nam thi đấu). Trong khi đó, các đội tuyển bóng đá nữ tranh tài tại sân RSN và sân Army.

Có gì trong buổi Lễ khai mạc SEA Games 32?

Đến nay, chủ nhà Campuchia vẫn khá kín tiếng về chương trình và các tiết mục biểu diễn của lễ khai mạc, ngoài thời gian, địa điểm và những quan chức cấp cao tham dự. Truyền thông cũng không được phép vào xem màn tổng duyệt để tránh không làm lộ ra ngoài hình ảnh mà nước chủ nhà chuẩn bị suốt một năm qua.

Lễ khai mạc SEA Games 32 diễn ra hôm nay hứa hẹn nhiều điều thú vị
Các nghệ sĩ, quân nhân Campuchia đã tập luyện hơn 1 năm để chuẩn bị cho SEA Games 32 - Ảnh: BTC SEA Games 32

Nhưng trước ngày diễn ra lễ khai mạc, báo chí Campuchia đã tiết lộ buổi lễ gồm 3 chương, với chương 1 là "Sự huy hoàng của Angkor", chương 2 là "Nụ cười người Khmer" và chương cuối là "Tương lai của người Khmer".

Toàn bộ màn biểu diễn nghệ thuật của đại lễ là thành quả của sự luyện tập và sáng tạo của khoảng 1.000 nghệ sĩ từ Bộ Văn hóa và Mỹ thuật Campuchia, quân nhân, các thành viên và hơn 2.000 vận động viên.

Lễ khai mạc SEA Games 32 diễn ra hôm nay hứa hẹn nhiều điều thú vị
Chờ màn trình diễn âm thanh, ánh sáng hoành tráng - Ảnh: BTC SEA Games 32

Phần cuối là màn trình diễn âm thanh, ánh sáng và kết thúc bằng bài hát chủ đề của SEA Games 32 - Cambodian Pride (tạm dịch: Niềm tự hào của người Campuchia).

Cambodian Pride là bài hát chính thức SEA Games 32, đã thu hút hơn 60 triệu lượt xem sau 3 tuần công bố. 4 nghệ sỹ nổi tiếng Campuchia sẽ tham gia trình diễn ca khúc này là Preap Sovath, Khemarak Sereymun, Khum và Ton Chanseyma.

Lễ khai mạc SEA Games 32 diễn ra hôm nay hứa hẹn nhiều điều thú vị
4 nghệ sĩ nổi tiếng của Campuchia sẽ trình diễn cùng 2.000 vũ công tại buổi lễ - Ảnh: Khmer Times

Lễ khai mạc cũng không thể thiếu nghi thức quen thuộc như lễ diễu hành của các quốc gia tham dự, lời tuyên thệ của vận động viên, trọng tài, thắp đuốc SEA Games 32.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen dự kiến là người đọc diễn văn khai mạc đại hội. Ngọn đuốc được thắp lên ở đài lửa sân Morodok Techo sẽ đánh dấu thời khắc SEA Games 32 chính thức khởi tranh.

Tại lễ khai mạc SEA Games 32, mỗi đoàn thể thao sẽ được cử 55 vận động viên tham dự. Ở kỳ đại hội năm nay, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng tiếp tục là người cầm cờ cho đoàn Việt Nam.

Chủ nhà Campuchia muốn gửi đến thông điệp gì thông qua lễ khai mạc?

Nội dung chính của buổi lễ thể hiện tinh thần "Thể thao - Sống trong hòa bình" đồng thời kết nối và truyền cảm hứng, lan tỏa đến các nước trong khu vực Đông Nam Á giữa bối cảnh thế giới gặp nhiều biến động lớn.

Vath Chamroeun, tổng Thư ký CAMSOC (ban tổ chức SEA Games 32) khẳng định: “Tại SEA Games, có 2 điều sẽ thành công, đó là lễ khai mạc, bế mạc. Đặc biệt, lễ khai mạc phải thật hoành tráng, không chỉ ở tầm khu vực mà còn theo tiêu chuẩn của Olympic và thế giới”.

Bộ trưởng Bộ Du lịch kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Campuchia (CAMSOC) Thong Khon nói thêm thêm: "SEA Games không chỉ tạo cơ hội cho các vận động viên thi đấu công bằng mà còn thúc đẩy tình hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau và đoàn kết, hướng tới xây dựng một cộng đồng ở Đông Nam Á hòa bình, ổn định".