Bông Lúa Vàng 2022 là show phát thanh - truyền hình dành cho cộng đồng yêu mến cải lương có cơ hội tỏa sáng, phát huy tài năng của mình. Cuộc thi do Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM (VOH) phối hợp cùng các đài phát thanh - truyền hình Bạc Liêu, Đồng Tháp và Sóc Trăng thực hiện. Với sự đồng hành của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Bông Lúa Vàng 2022 sẽ mang đến một sân chơi cải lương hoành tráng, chuyên nghiệp thỏa lòng giới mộ điệu.
Sau bao ngày chờ đợi, cuối cùng thì hành trình đi tìm "bông lúa vàng" 2022 cũng đã chính thức quay trở lại. Cuộc thi năm nay sẽ có những điểm nào đổi mới và đâu là những thông tin quan trọng mà các bạn thí sinh cần phải chú ý?
Các địa điểm sơ tuyển Bông Lúa Vàng 2022
Tại cuộc thi Bông Lúa Vàng 2022, quá trình sơ tuyển sẽ diễn ra từ ngày 08/6/2022 đến ngày 25/6/2022, tại 3 địa điểm chính là Đồng Tháp, Bạc Liêu và TPHCM. Cụ thể:
- Ngày 08,09/6/2022: tại Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp
- Ngày 11,12/6/2022: tại Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu.
- Ngày 24,25/6/2022: tại Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Các đối tượng dự thi là công dân Việt Nam, tuổi từ 16 đến 50, không đang trong tình trạng thi hành án, không bị các chứng bệnh về tâm thần, (trừ các thí sinh đã đoạt giải nhất, Huy chương vàng Cuộc thi “Giọng ca cải lương Bông Lúa Vàng” của VOH các năm trước). Sau vòng Sơ tuyển, Ban Tổ chức sẽ chọn 60 thí sinh đạt chuẩn cơ bản về giọng hát vào Vòng Mạ non.
Riêng các Thí sinh đã vào Vòng Trổ đòng 03 năm liền kề đăng ký dự thi năm 2022 được xét thẳng vào vòng Mạ non không phải thi sơ tuyển.
Những "cửa ải" tại Bông Lúa Vàng 2022
Vòng Mạ non
Sau khi vượt qua được vòng Sơ tuyển, các thí sinh sẽ tiếp tục vượt qua những "cửa ải" khác để chứng minh tài năng của mình trước Ban giám khảo. Theo đó, 60 thí sinh vượt qua Vòng Gieo hạt sẽ có mặt tại Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành bốc thăm, sau đó ghi hình offline tại Nhà hát VOH Music One.
Tại đây, mỗi thí sinh sẽ được hội đồng Cố vấn tư vấn chọn 1 tiết mục để tập dợt và dàn dựng, nhằm thể hiện năng khiếu và sở trường của mình. Đồng thời, mỗi Thí sinh cũng sẽ được cấp Số báo danh để được bình chọn trên mạng cộng đồng.
Sau vòng Mạ non, sẽ có 18 thí sinh được vào vòng tiếp theo. Trong đó có 6 thí sinh do Ban giám khảo lựa chọn, 12 thí sinh còn lại phải nhận được sự đánh giá đồng ý của 02 thành viên Ban Giám khảo và căn cứ vào kết quả bình chọn của khán, thính giả thông qua đầu số tin nhắn của cuộc thi.
Vòng Trổ đồng
18 thí sinh vượt qua Vòng Mạ non sẽ được bốc thăm thành 09 cặp đôi, thi mỗi buổi 03 cặp đôi. Mỗi cặp thí sinh được Hội đồng Cố vấn tư vấn chọn 01 bài đơn ca và song ca để tập dợt và dàn dựng.
12 thí sinh xuất sắc nhất Vòng Trổ đòng sẽ bước vào Vòng Lúa vàng. Trong đó, Ban Giám khảo sẽ chọn trực tiếp 9 thí sinh (mỗi cặp thi chọn 01 thí sinh). 3 thí sinh còn lại sẽ được chọn từ kết quả tin nhắn khán, thính giả (chọn từ cao xuống thấp).
Vòng Lúa vàng
Tại vòng thi này, mỗi thí sinh sẽ chọn 01 trích đoạn (tuồng cổ hoặc cải lương) để tập dợt và dàn dựng trình diễn trong khoảng thời gian từ 12 đến 15 phút. Nội dung tiết mục mang tính nhân văn, thể hiện được truyền thống của nghệ thuật cải lương.
Sẽ có 06 thí sinh xuất sắc vào đêm Chung kết xếp hạng. Mỗi buổi thi Vòng Lúa vàng, Ban Giám khảo sẽ chấm điểm chọn 01 thí sinh có số điểm cao nhất vào đêm Chung kết xếp hạng và chọn 03 thí sinh còn lại có số điểm cao liền kề sau khi vòng thi kết thúc. Đồng thời, các thí sinh vượt qua Vòng Lúa vàng phải tham gia hoạt động xã hội do Ban Tổ Chức cuộc thi phát động.
Chung kết xếp hạng
Trong đêm thi chung kết, mỗi thí sinh sẽ chọn 1 tiết mục để trình diễn. Trong đó, BTC khuyến khích thí sinh dự thi các tác phẩm ca ngợi về tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước. Các trích đoạn tuồng cổ dân gian có nội dung trong sáng lành mạnh, các tuồng cổ kinh điển. Đặc biệt, các thí sinh sẽ không hát lại bài thi của Vòng Lúa vàng, trong buổi thi không được trùng bài.
Sau các tiết mục, Hội đồng Ban giám khảo sẽ cho điểm và chọn ra top 3 thí sinh cao điểm nhất.
Các thí sinh sẽ nhận được gì từ Bông Lúa Vàng 2022?
Không chỉ đơn thuần là một sân chơi để các thí sinh có cơ hội tỏa sáng, thể hiện tài năng của mình, Bông Lúa Vàng còn có những phần thưởng giá trị dành cho các thí sinh xuất sắc thắng cuộc. Theo đó, cơ cấu giải thưởng Bông Lúa Vàng 2022 gồm có:
- GIẢI NHẤT: Cúp Bông Lúa Vàng có mạ Vàng SJC + 100 triệu đồng.
- GIẢI NHÌ: Kỷ niệm chương + 30 triệu đồng.
- GIẢI BA: Kỷ niệm chương + 20 triệu đồng.
- 03 GIẢI KHUYẾN KHÍCH: Giấy chứng nhận + 03 triệu đồng.
- GIẢI KHÁN, THÍNH GIẢ YÊU THÍCH NHẤT: Kỷ niệm chương + 20 triệu đồng.
- 12 thí sinh vào Vòng Lúa vàng được Ban Tổ chức cấp giấy chứng nhận Giọng hát vào vòng Chung kết Bông Lúa Vàng 2022.
Ngoài ra, các thí sinh tham gia Bông Lúa Vàng 2022 cũng sẽ được Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố hỗ trợ và tạo điều kiện rèn luyện trên đường nghệ thuật chuyên nghiệp để đến với khán, thính giả.
Hội đồng Ban giám khảo Bông Lúa Vàng 2022 gồm có những ai?
Đồng hành và hướng dẫn cho các thí sinh tại Bông Lúa Vàng 2022 sẽ là Hội đồng Ban giám khảo gồm các nghệ sĩ uy tín như: NSND Bạch Tuyết, NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn, NSƯT Huỳnh Khải và nghệ sĩ Thanh Hằng. Đây đều là những tên tuổi lớn trên các sân khấu cải lương Việt Nam, với kinh nghiệm dày dặn sau nhiều năm chắc chắn sẽ mang đến cho các thí sinh những lời khuyên bổ ích.
Chia sẻ về vị trí giám khảo tại Bông Lúa Vàng 2022, Tiến Sĩ, NSND Bạch Tuyết đã nhắn nhủ đến các thí sinh: "Làm Nghệ thuật không được dễ dãi, các thí sinh cần có sự đầu tư chỉn chu để chinh phục Bông Lúa Vàng 2022". Có thể thấy rằng, nữ nghệ sĩ gạo cội cũng sẽ không "dễ dãi" trong quá trình chấm điểm, để các thí sinh có thể nỗ lực hết mình và phát huy trọn vẹn tài năng trên sân khấu.
Chỉ còn ít ngày nữa thôi, Bông Lúa Vàng 2022 sẽ chính thức bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm những tài năng trên sân khấu cải lương. Cùng nhau chờ đợi xem cái tên nào sẽ thật sự tỏa sáng tại cuộc thi năm nay nhé!
Ảnh: BTC