Cuộc thi Bông Lúa Vàng 2023 đang diễn ra sôi nổi ở giai đoạn Vòng Mạ non, với sự tranh tài của gần 60 thí sinh. Đặc biệt hơn khi năm 2023 đánh dấu cột mốc quan trọng - 30 năm cuộc thi Bông Lúa Vàng (1993-2023) do Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, sân chơi cho những tài năng với tâm hồn đam mê loại hình nghệ thuật cải lương Nam bộ.
Vòng Mạ non Bông Lúa Vàng 2023 tiếp tục được "cầm cân nảy mực" bởi bộ ba giám khảo quen thuộc, là cây đa cây đề trong giới cải lương - NSND Tiến sĩ Bạch Tuyết, NSƯT Huỳnh Khải và NS cải lương Thanh Hằng. Đồng hành cùng các thí sinh đến từ khắp mọi nơi qua bao mùa thi, mỗi một cuộc thi là một lần các vị giám khảo được trải nghiệm những cảm xúc độc nhất. Đó là những niềm vui, cảm thấy tự hào và háo hức mong đợi trước những giọng ca mới đầy tài năng "tre già thì măng sẽ mọc".
Xem thêm: Vòng Mạ non Bông Lúa Vàng 2023: NSND Bạch Tuyết mong chờ những giọng ca mới tài năng
Theo lời chia sẻ của giám khảo NSƯT Huỳnh Khải, tiêu chí đánh giá thí sinh trong năm nay vẫn không có nhiều khác biệt so với những năm trước. Các thí sinh muốn đạt kết quả cao, muốn tiến sâu hơn vào vòng trong đòi hỏi trước tiên phải ca đúng nhịp, đúng hơi và đúng điệu. Đặc biệt lưu ý, nội dung bài ca dự thi phải phù hợp với thông báo thể lệ cuộc thi được công bố trước đó. Đồng thời những bài ca này đã được thông qua và được Nhà nước công bố, được lưu hành trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Bên cạnh tiêu chí đánh giá cơ bản và tài năng riêng của mỗi thí sinh, NSƯT Huỳnh Khải còn công nhận rằng một phần thi đạt kết quả cao sẽ không thể thiếu đi sự may mắn. NSƯT Huỳnh Khải nói: "Chẳng hạn như năm nay giọng ca của mình hay mà không có ai hay hơn thì mình đạt được giải cao. Nhưng nếu mình ca hay mà người khác ca hay hơn thì mình cũng sẽ thấp điểm hơn, thấp hạng hơn vì đây là thi tuyển không phải là thi đủ điểm".
Song song đó, NSƯT Huỳnh Khải cũng bật mí điều kiện để các thí sinh có thể tăng thêm phần trăm may mắn của mình, đó không gì khác hơn là phải tập luyện thật kỹ lưỡng. Thí sinh muốn thể hiện tiết mục thật đặc sắc, gây ấn tượng tốt với ban giám khảo cần phải lựa chọn bài ca phù hợp với chất giọng của mình. Như vậy, thí sinh mới có thể làm bật lên được thế mạnh trong chất giọng, cái truyền cảm của bản thân và thể hiện được các kỹ thuật cơ bản phải đạt của ca giọng cổ, cải lương.
"Mọi người đều biết rõ những tiêu chí chấm điểm và thưởng thức trong cuộc thi Bông Lúa Vàng như thế nào, nhưng cảm xúc trên sân khấu với cảm xúc trên sóng phát thanh truyền hình rất quan trọng. Đôi lúc nó không phải là truyền thống và cũng không thật sự mới. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và phát triển sao cho phù hợp với nội dung và phong thái, phong cách của người biểu diễn. Có như vậy sẽ lấy lòng được khán giả và phù hợp với tính chất của mỗi một cá nhân", theo lời chú Huỳnh Khải.
Bông Lúa Vàng 2023 đánh dấu kỷ niệm 30 năm trên chặng đường tìm kiếm tài năng cải lương của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi năm, Bông Lúa Vàng (bắt đầu từ năm 2018 cho đến nay đều tổ chức hằng năm, trước đó là 2 năm một lần) mỗi một lần tổ chức đều có những sự đổi mới. Đầu tiên là sự đổi mới trong thông báo về thể lệ, tiếp đến là dàn dựng sân khấu, âm thanh ánh sáng, đặc biệt là ekip tổ chức; tất cả đều tiến bộ và tốt hơn qua từng năm.
Ngoài ra, sự tham gia của các bạn trẻ đến từ khắp mọi nơi, từ khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận trở vào đây. Đặc biệt hơn khi có cả những thí sinh đến từ miền Trung. Họ mang đến cái mới cho cuộc thi là những bài ca đã nổi tiếng ở địa phương để dự thi. Những câu từ phản ánh hơi thở, sức sống của cộng đồng, tình địa phương và những điều rất được khán thính giả quan tâm.
Qua đó có thể thấy rõ, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ quảng bá những kỹ thuật, nghệ thuật riêng cho cải lương, vọng cổ mà còn giới thiệu các thành tựu trong xây dựng đất nước, trong xây dựng nền văn hóa của Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Cùng VOH Giải trí cập nhật những thông tin show nhanh nhất tại chuyên mục tin show nhé!