Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Con hư tại mẹ cháu hư tại bà’ là gì?

(VOH) – ‘Con hư tại mẹ cháu hư tại bà’ là quan niệm đã có từ lâu, nói về trách nhiệm nuôi dạy con cái cũng như sự nuông chiều con quá mức của những người phụ nữ.

Mỗi khi con cháu mắc lỗi lầm, người ta lại nói “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Liệu câu nói này có quá khắt khe và đưa trách nhiệm về một phía cho người phụ nữ? Trong xã hội ngày nay câu tục ngữ này có còn phù hợp không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

“Con hư tại mẹ cháu hư tại bà” nghĩa là gì?

“Con hư tại mẹ cháu hư tại bà” là một câu tục ngữ đã có từ lâu và có lẽ ai cũng hiểu được ý nghĩa của nó. Bà và mẹ là những người gần gũi và dành nhiều thời gian cho con cháu nhiều nhất. Cũng chính vì thế, theo người xưa, khi một đứa trẻ không ngoan ngoãn, nghe lời thì phần lớn trách nhiệm thuộc về bà, về mẹ vì đã không dạy dỗ chu toàn.

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Con hư tại mẹ cháu hư tại bà’ 1
Khi con cái không ngoan người ta thường nói “Con hư tại mẹ cháu hư tại bà”

Tại sao ông cha ta lại có cách nói này? Thời xưa, trong xã hội phong kiến, người đàn ông chính là người lo công danh sự nghiệp, kiếm tiền nuôi gia đình, còn người phụ nữ phần lớn đều chỉ ở nhà và được giao nhiệm vụ nuôi dạy con cái. Chính vì thế, nếu con cháu hư thì lỗi chính là ở mẹ, ở bà.

Phần nào đó, người ta quan niệm như trên cũng có lý do. Phụ nữ thường để tình cảm lấn át lý trí. Ta có thể thấy điều đó không chỉ trong tình cảm gia đình mà còn cả trong các mối quan hệ đôi lứa. Chính vì yêu thương nên đôi khi họ sẽ nuông chiều con cháu một cách thái quá dù đứa trẻ có phạm lỗi lầm. Điều này đã dẫn đến hệ quả là con trẻ ỷ lại, hay đòi hỏi và có tâm lý người khác phải chiều chuộng làm theo ý mình. Đây chính là "hư" mà ông cha ta nói.

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Con hư tại mẹ cháu hư tại bà’ 2
Nuông chiều quá mức khiến trẻ ỷ lại và hay đòi hỏi

Quan niệm này truyền từ đời này qua đời khác và cũng phần nào hằn sâu vào trong tâm trí mỗi người. Không ít bà mẹ bị "quy tội" trong cuộc sống thường ngày. Ví dụ như con vòi vĩnh đồ chơi khóc mãi không dỗ được cũng là do "mẹ nó chiều quá". Hay con không lễ phép với người lớn là do "mẹ không dạy con",...

Tuy nhiên, nếu nhìn ở mặt tích cực hơn thì câu nói này cũng nhấn mạnh và đề cao vai trò của người phụ nữ trong việc giáo dục con cái. Chúng ta không phủ nhận vai trò của người đàn ông trong gia đình (cha và ông) nhưng thực tế bà và mẹ là những người dành nhiều thời gian bên cạnh con cháu hơn. Cũng vì lẽ đó, họ đóng vai trò lớn trong việc hình thành nhân cách và sự phát triển của trẻ.

Xem thêm: Những kĩ năng cần thiết mà trẻ 2-3 tuổi cần được dạy

Câu tục ngữ “Con hư tại mẹ cháu hư tại bà” có còn đúng trong xã hội ngày nay?

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, liệu câu nói "Con hư tại mẹ cháu hư tại bà" có còn chính xác? Người phụ nữ trong gia đình có còn là người hoàn toàn chịu trách nhiệm việc nuôi dạy con cái? Con "hư" liệu có thực sự cho mẹ và bà?

Không thể phủ nhận rằng người phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dạy con cái bởi mẹ lúc nào cũng là người gần gũi với con nhất còn bà thường là người phụ giúp trông nom các cháu. Thế nhưng trong xã hội ngày nay, khi mà bình đẳng giới được đề cao, người phụ nữ không chỉ quanh quẩn với bếp núc mà còn đi làm kiếm tiền xây dựng gia đình. Do đó, trách nhiệm nuôi dạy con cái không chỉ còn là của một mình phụ nữ.

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Con hư tại mẹ cháu hư tại bà’ 3
Nuôi dạy con cái là trách nhiệm của tất cả mọi người trong gia đình

Tính cách của trẻ được xây dựng từ môi trường xung quanh. Và môi trường sinh hoạt ấy có tất cả các thành viên trong gia đình, không chỉ có mẹ và bà mà còn có cả ông và bố. Thế nên, bố cũng cần ý thức được trách nhiệm của mình trong việc nuôi dạy con cái thay vì để hoặc đổ hết trách nhiệm cho vợ.

Thay vì tranh cãi xem trách nhiệm thuộc về ai khi con cái không ngoan ngoãn, bố và mẹ hãy thống nhất để có được phương pháp giáo dục trẻ tốt nhất. Mẹ cần bớt cảm tính lại và lý trí, logic, nghiêm khắc dạy dỗ mỗi khi con mắc lỗi. Bố cũng hãy quan tâm và có ý thức trách nhiệm hơn trong việc nuôi dạy con. Thái độ của bố đối với mẹ có quan tâm, san sẻ hay không cũng sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ và tính cách con sau này.

Xem thêm: Những hình vẽ đơn giản giúp phát triển tư duy cho bé yêu

Những câu thành ngữ, tục ngữ hay về nuôi dạy con cái

Nói về nuôi dạy con cái, ông cha ta không chỉ có câu tục ngữ "Con hư tại mẹ cháu hư tại bà" mà còn có rất nhiều câu nói hay khác. Vì vậy, muốn học hỏi kinh nghiệm của người xưa, bậc làm cha, làm mẹ nhớ tham khảo.

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Con hư tại mẹ cháu hư tại bà’ 4
Ông cha ta có rất nhiều thành ngữ, tục ngữ hay về nuôi dạy con cái

1. "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi."

Khi con sai, việc nuông chiều (cho ngọt) sẽ chỉ khiến con ỷ lại và sinh nhiều thói hư tật xấu, còn roi vọt dù khiến con đau con khóc nhưng con sẽ ý thức được lỗi lầm của mình, như vậy mới thực sự là thương.

2. "Mẹ dạy thì con khéo, cha dạy thì con khôn."

Mẹ với sự dịu dàng và chịu thương chịu khó sẽ dạy con những điều hay lẽ phải, biết yêu thương chăm sóc mọi người. Còn cha với sự cần cù, mạnh mẽ, kiên định sẽ là chỗ dựa vững chắc, rèn luyện cho con ý chí, sự cứng rắn để vượt qua mọi chông gai, thử thách. Ngoài ra, sự giáo dục của cả cha lẫn mẹ cũng đóng vai trò rất quan trọng.

3. "Khi măng không uốn thì tre trổ vồng."

Việc dạy dỗ con cái phải được làm từ khi con còn thơ bé, đợi đến khi con đã lớn mới dạy thì đã trễ rồi vì nếp sống và thói quen của trẻ đã hình thành.

4. "Đẻ con chẳng dạy chẳng răn, thà rằng nuôi lợn mà ăn lấy lòng."

Đã sinh con thì cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi dạy con cái nên người, không được bỏ bê con cái. Nếu không làm được thì việc sinh con cũng coi như là uổng phí.

5. "Mẹ ngoảnh đi con dại, mẹ ngoảnh lại con khôn."

Thiếu vắng sự bảo ban, dạy dỗ của mẹ con sẽ dại khờ, hư hỏng, chỉ cần có mẹ quan tâm dạy dỗ thì con sẽ ngoan ngoãn, nên người.

6. "Bé không vin, cả gãy cành."

Cái cành không vin, không uốn từ nhỏ thì khi gặp giông bão sẽ không chống chịu được trước sức gió. Con nhỏ cũng vậy, nếu không uốn nắn, giáo dục từ nhỏ sẽ trẻ nên hư hỏng, không nghe lời.

Hy vọng qua bài viết trên bạn đã hiểu hơn về nguồn gốc cũng ý nghĩa của câu tục ngữ "Con hư tại mẹ cháu hư tại bà", qua đó cũng có ý thức trách nhiệm hơn trong việc nuôi dạy con cái. Dù bạn là bố hay mẹ, đã sinh ra con thì hãy nuôi con nên người, đừng đùn đẩy trách nhiệm, đừng quy chụp cho người khác khi con cái không ngoan. Thay vào đó, cả bố và mẹ hãy cùng thảo luận để tìm ra cách giáo dục con cái phù hợp và hiệu quả nhất.

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận