- Giờ Trái đất là gì?
- Giờ Trái đất là ngày nào? Giờ Trái đất diễn ra vào thời gian nào?
- Giờ trái đất 2022
- Ý nghĩa Giờ Trái đất
- Giờ Trái đất bắt đầu từ nước nào? Giờ Trái đất bắt đầu từ năm nào?
- Giờ Trái đất ở Việt Nam
- Mọi người có thể làm gì để hưởng ứng Giờ Trái đất?
- Logo của Giờ Trái đất có ý nghĩa gì?
Ngoài việc góp phần tiết kiệm điện, Giờ Trái đất 2022 còn nâng cao ý thức sử dụng năng lượng cũng như nhận thức của người dân về các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của đa dạng sinh học trên toàn cầu.
1. Giờ Trái đất là gì?
Giờ Trái đất (Earth Hour) là sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (World Wide Fund for Nature - WWF) nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên toàn thế giới. Theo đó, WWF khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong vòng 60 phút.
Nói một cách đơn giản hơn thì Giờ Trái đất là sự kiện tắt đèn mang tính biểu tượng. Nó tượng trưng cho sự theo đuổi của toàn cầu về một tương lai bền vững, tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Sự kiện này diễn ra hằng năm, được ủng hộ bởi hàng trăm triệu người trên thế giới tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam, Giờ Trái đất 2022 đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của 63 tỉnh, thành phố cùng hàng triệu người dân ở mọi tầng lớp.
2. Giờ Trái đất là ngày nào? Giờ Trái đất diễn ra vào thời gian nào?
Hằng năm, Giờ Trái đất diễn ra từ 20h30 – 21h30 (giờ địa phương) tối thứ Bảy cuối cùng của tháng 3.
Ở Việt Nam, Giờ Trái đất năm nay sẽ diễn ra từ 20h30 – 21h30 tối thứ Bảy, ngày 26/3/2022.
Sở dĩ, Giờ Trái đất được tổ chức vào cuối tháng 3 bởi đây là khoảng thời gian của Xuân phân ở bán cầu Bắc và Thu phân ở bán cầu Nam. Điều này cho phép thời gian hoàng hôn gần trùng hợp ở cả 2 bán cầu từ đó đảm bảo tác động thị giác lớn nhất cho sự kiện tắt đèn toàn cầu.
3. Giờ trái đất 2022
Chiến dịch Giờ Trái đất 2022 được WWF phát động với thông điệp “Kiến tạo tương lai - Bây giờ hoặc không bao giờ” (Shape the Future). Với chủ đề này, WWF muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân về vai trò quan trọng trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của đa dạng sinh học trên toàn cầu.
4. Ý nghĩa Giờ Trái đất
Giờ Trái đất không chỉ đơn giản là tắt đèn trong 60 phút. Mục tiêu của hoạt động này cũng không phải là tiết kiệm điện, giảm thiểu carbon hay là một sự kiện năng lượng. Nó có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều.
Giờ Trái đất là một hành động mang tính biểu tượng được thực hiện bởi các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng nhằm truyền cảm hứng nhiều hơn về việc biến đổi khí hậu và giúp bảo vệ hành tinh. Nó không chỉ là biểu tượng của sự đoàn kết mà còn thúc đẩy những thay đổi lớn về luật pháp bằng cách khai thác sức mạnh của đám đông.
Giờ Trái đất nhắc nhở hàng triệu người trên khắp thế giới về tầm quan trọng của việc đưa ra các quyết định có ý thức về môi trường trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, nó cũng chứng minh rằng hàng triệu quyết định đó có thể cộng lại với nhau để tạo nên sự thay đổi lớn.
Và hơn hết, bằng cách tham gia Giờ Trái đất, mọi người đang thực hiện cam kết chống lại biến đổi khí hậu và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho hành tinh của chúng ta.
5. Giờ Trái đất bắt đầu từ nước nào? Giờ Trái đất bắt đầu từ năm nào?
Giờ Trái đất bắt nguồn từ một sự kiện tắt đèn mang tính biểu tượng được tổ chức tại thành phố Sydney, Úc vào năm 2007 nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu. Hiện nay, Giờ Trái đất là một trong những phong trào môi trường có quy mô lớn nhất thế giới.
6. Giờ Trái đất ở Việt Nam
Năm 2009 là năm đầu tiên việt Nam tham gia Giờ Trái đất. Sự kiện này đã giúp nhiều người dân Việt Nam nhận thức được mối liên hệ giữa sử dụng năng lượng và biến đổi khí hậu. Năm nay là năm thứ 13 Việt Nam tham gia Chiến dịch này.
Năm 2022, Giờ Trái đất tại Việt Nam kêu gọi mọi người “Kiến tạo tương lai bây giờ hoặc không bao giờ” bằng các hành động cụ thể trong các 4 lĩnh vực: Năng lượng, Rừng, Thực phẩm và Tiêu dùng (đặc biệt là về động vật hoang dã).
Nhằm lan tỏa hưởng ứng Giờ Trái đất 2022, Bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tổ chức hoạt động “tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20h30 - 21h30 ngày 26-3 (thứ Bảy). Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 20/3, có 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam sẽ hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất bằng hành động biểu trưng này.
7. Mọi người có thể làm gì để hưởng ứng Giờ Trái đất?
Để hưởng ứng Giờ Trái đất, chúng ta có thể:
- Nhắc nhở bạn bè và gia đình cùng thực hiện việc tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong và sau Giờ Trái đất.
- Nhấn like, chia sẻ và theo dõi fanpage của WWF-Việt Nam để cập nhật những thông tin từ Giờ Trái Đất 2022 cũng như lan tỏa tới mọi người xung quanh.
- Tìm hiểu về Giờ Trái đất, chia sẻ và truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh.
Trong thời gian diễn ra hoạt động tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết, chúng ta cũng có thể:
- Kết nối lại với thiên nhiên bằng cách tới công viên, ngắm sao, tản bộ, chạy bộ…
- Nấu ăn cùng gia đình hoặc bạn bè, dành thời gian cho những người thân yêu.
- Nâng cao kiến thức cho bản thân.
- Kết nối với cộng đồng bằng cách tham gia vào sự kiện Giờ Trái đất tại địa phương…
- Ngắm nhìn, ghi lại khoảnh khắc tắt đèn và chia sẻ nó với mọi người.
8. Logo của Giờ Trái đất có ý nghĩa gì?
Con số “60” là đại diện cho 60 phút của Giờ Trái đất, nơi chúng ta tập trung vào những tác động mà chúng ta đang gặp phải trên hành tinh của mình và thực hiện hành động tích cực để giải quyết các vấn đề môi trường mà chúng ta phải đối mặt. Dấu “+” sau số “60” mang ý nghĩa, Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở 60 phút mà còn hơn thế nữa.
Tham gia hoặc lan tỏa tới mọi người sự kiện Giờ Trái đất 2022 với thông điệp “Kiến tạo tương lai – Bây giờ hoặc không bao giờ” đồng nghĩa với việc bạn sẽ góp một phần vào việc bảo vệ hành tinh. Vì vậy, hãy cùng nhau tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết từ từ 20h30 – 21h30 tối thứ Bảy, ngày 26/3 để hưởng ứng sự kiện ý nghĩa này.
Nguồn ảnh: Internet