Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phiên họp cấp cao Đại hội đồng LHQ lần thứ 75- “Nóng” với nhiều quan điểm khác biệt

(VOH) - Phiên thảo luận Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với hình thức trực tuyến diễn ra từ ngày 21/9 - 2/10 nhưng không hề bớt đi sức nóng bởi những vấn đề quốc tế hệ trọng.

Tâm điểm của phiên họp là những phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Pháp Emmnuel Macron và sự khác biệt quan điểm của các nhà lãnh đạo thế giới trong các vấn đề toàn cầu.

Phiên họp cấp cao Đại hội đồng LHQ lần thứ 75

Năm nay, các sự kiện trong khuôn khổ khóa 75 Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt, khi thế giới phải đương đầu với một thách thức được coi là chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai - đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cuộc khủng hoảng cả thế kỷ mới xảy ra một lần. Trong lịch sử hiện đại, có thể nói chưa bao giờ thế giới phải đối mặt với một vấn đề phi truyền thống có ảnh hưởng lớn, khó kiểm soát cả về phạm vi lẫn quy mô như đại dịch COVID-19. Không chỉ khiến LHQ phải tạm thời đóng cửa trụ sở ở New York (Mỹ) trong 3 tháng, đại dịch COVID-19 cũng khiến nhiều sự kiện trong khóa họp 75 này diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Bên cạnh những thách thức như bất ổn, xung đột, cạnh tranh nước lớn, chính trị cường quyền, biến đổi khí hậu đang đe dọa nền hòa bình và phát triển bền vững của các dân tộc, đại dịch COVID-19 đang trở thành một thách thức toàn cầu lớn nhất trong lịch sử LHQ. Trong bối cảnh đó, khóa họp Đại hội đồng LHQ năm nay là cơ hội để cộng đồng quốc tế khẳng định lại vai trò hết sức quan trọng của LHQ trong đời sống chính trị quốc tế, đặc biệt trong việc ứng phó với những thách thức toàn cầu.

Tại Phiên kỷ niệm cấp cao 75 năm thành lập, diễn ra ngày 21/9, Đại hội đồng LHQ đã ra tuyên bố nêu rõ đại dịch COVID-19 không chỉ gây nên sự chết chóc, với gần 1 triệu ca tử vong trong số 31,4 triệu ca mắc bệnh, mà còn khiến cả thế giới rơi vào suy thoái kinh tế, gia tăng tình trạng đói nghèo, bất an và không có ai không bị ảnh hưởng. Tuyên bố nhấn mạnh các thách thức của thế giới đều liên quan mật thiết với nhau và chỉ có thể được giải quyết thông qua hệ thống đa phương mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới xây dựng một thế giới công bằng và bền vững hơn. Với chủ đề “Tương lai chúng ta muốn, LHQ chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương”, phiên họp khẳng định sự cần thiết của hợp tác quốc tế, với vai trò điều phối trung tâm của LHQ, để vượt qua những thách thức chưa từng có tiền lệ như hiện nay.

Đáng chú ý, phiên thảo luận chung buổi sáng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc có bài phát biểu của lãnh đạo nhiều nước bao gồm một loạt các cường quốc bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, và Brazil. Nội dung chính của các bài phát biểu xoay quanh công tác ứng phó với dịch bệnh Covid-19, các thành tựu đạt được trong nghiên cứu và phát triển vaccine và chính sách cũng như cách tiếp cận các vấn đề quốc tế của những nước này. Một số nước bao gồm Trung Quốc và Nga kêu gọi Liên hợp quốc phát huy vai trò của mình trong những vấn đề quốc tế trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương cũng như hợp tác quốc tế trong những vấn đề toàn cầu như dịch bệnh Covid-19. Có thể nói, Đại hội đồng Liên hợp quốc là một diễn đàn để các nước lớn khẳng định và thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình, tuy nhiên, đây cũng là nơi để một số nước công khai chỉ trích các chính sách của nhau. Đáng chú nhất là bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông này chỉ trích Trung Quốc trong một loạt các vấn đề từ việc làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho tới thương mại, phá hoại môi trường. Hay như trong bài phát biểu của mình thì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích chiến dịch gây sức ép tối đa của Mỹ đối với Iran và cho rằng đây là một thất bại đồng thời cũng nêu rõ những ưu tiên trong chính sách của Pháp đối với các vấn đề quốc tế bao gồm hồ sơ hạt nhân Iran.

Tâm điểm của các phiên họp, đó chính là căng thẳng Mỹ-Trung, đặc biệt là trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông đã trực tiếp chỉ trích Trung Quốc trong một số lĩnh vực. Ngay trong phần mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi đại dịch Covid-19 là virus Trung Quốc. Tổng thống cho rằng các nước cần buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc đã để virus lây lan ra thế giới. Theo Tổng thống Trump, trong những ngày đầu, Trung Quốc đã phong tỏa việc đi lại trong nước nhưng vẫn cho phép các chuyến bay từ nước này ra thế giới và đã khiến virus lây lan rộng rãi. Ông Trump cũng cáo buộc Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới, tổ chức mà ông Trump cho rằng bị kiểm soát bởi Trung Quốc, đã thông tin sai lệch rằng không có bằng chứng về sự lây lan từ người sang người và sau đó còn tuyên bố những người không có triệu chứng sẽ không truyền virus sang người khác. Ông Trump cũng kêu gọi Liên hợp quốc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Không dừng lại ở vấn đề dịch bệnh Covid-19, Tổng thống Donald Trump cũng chỉ trích Trung Quốc đã xả hàng triệu tấn rác thải xuống đại dương, đánh bắt cá ở vùng biển của các quốc gia khác, phá hoại nhiều rặng san hô, và xả thải thủy ngân độc ra khí quyển nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Ngay trước bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình, Đại diện của Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã bác bỏ các cáo buộc vô căn cứ của Mỹ. Tuy nhiên, trong bài phát biểu sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại không hề đả động tới Mỹ. Phần lớn nội dung của bài phát biểu xung quanh vấn đề dịch bệnh Covid-19 và những bài học được rút ra cho thế giới. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc tích cực tham gia cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19 và đóng góp cho việc duy trì an ninh y tế công cộng toàn cầu. Trung Quốc cũng cam kết sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh và các biện pháp điều trị cũng như ưu tiên hỗ trợ các nước đang phát triển khi bào chế thành công vaccine ngừa Covid-19. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ thực hiện cam kết hỗ trợ quốc tế 2 tỷ đô la trong vòng 2 năm tới trong các lĩnh vực bao gồm nông nghiệp, xóa nghèo, giáo dục, phụ nữ và trẻ em, biến đổi khí hậu và hỗ trợ các nước khác trong khôi phục kinh tế và xã hội.

Điểm đáng chú ý nhất trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình đó là khi ông tuyên bố Trung Quốc không có ý định chiến tranh Lạnh hoặc Nóng với bất kỳ nước nào và sẽ tiếp tục thu hẹp bất đồng và giải quyết tranh chấp với các nước khác thông qua đối thoại và đàm phán.

Qua hai bài phát biểu này có thể thấy rằng mặc dù ngôn ngữ khác nhau nhưng căng thẳng Mỹ-Trung vẫn chưa hề hạ nhiệt và có thể sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Giới phân tích nhận định phiên họp cấp cao Đại hội đồng LHQ năm nay sẽ khó có thể đạt được những kết quả cụ thể khi mọi sự kiện đều diễn ra theo hình thức trực tuyến. Có quá nhiều nguyên thủ phát biểu nhưng chắc chắn công chúng chỉ quan tâm tới các nước lớn mà Liên hợp quốc là tập hợp của 193 quốc gia nên chỉ một vài nước sẽ không thể giải quyết được các vấn đề toàn cầu.

Kết quả cụ thể duy nhất mà các nhà quan sát cho rằng khóa họp Đại hội đồng LHQ có thể đạt được đó là thúc đẩy Covax, nỗ lực quốc tế nhằm phát triển vaccine chống Covid-19. Đây có thể sẽ là điểm sáng duy nhất trong tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Các bài phát biểu sẽ có thể là cơ hội để chính phủ các nước cam kết ủng hộ sáng kiến này. Tuy nhiên, mặc dù 156 nước đã gia nhập sáng kiến này nhưng những nước lớn và đang đi đầu trong nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa Covid-19 bao gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc thì vẫn đứng ngoài cuộc và “thờ ơ”

Tencent có thể là mục tiêu trừng phạt tiếp theo của chính phủ Mỹ - Sau tập đoàn Huawei và các ứng dụng như TikTok và WeChat, công ty mẹ của WeChat là Tencent có thể là mục tiêu trừng phạt tiếp theo của Mỹ.

Bình luận