Tencent có thể là mục tiêu trừng phạt tiếp theo của chính phủ Mỹ

(VOH) - Sau tập đoàn Huawei và các ứng dụng như TikTok và WeChat, công ty mẹ của WeChat là Tencent có thể là mục tiêu trừng phạt tiếp theo của Mỹ.

Chính phủ Mỹ đã bắt đầu điều tra các vụ việc liên quan đến việc Tencent mua lại các công ty hoặc cổ phần của Mỹ.

Trang mạng tiếng Hoa của The New York Times ngày 24/9 đưa tin, mặc dù những động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump liên quan đến TikTok đã và đang thu hút nhiều sự chú ý, nhưng tại Washington, mọi người vẫn đang bàn tán sôi nổi về một gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc là Tencent.

Mỹ bắt đầu điều tra các vụ việc liên quan đến việc Tencent mua lại các công ty hoặc cổ phần của Mỹ.. Ảnh minh họa

Tin cho hay, Tencent có thể là mục tiêu trừng phạt tiếp theo của chính quyền Trump khi họ bắt đầu chú ý đến các giao dịch trước đây của Tencent.

Theo nhà cung cấp dữ liệu Dealogic cho biết, Tencent đã tham gia vào hơn 40 giao dịch tại Mỹ trong 5 năm qua, với tổng giá trị hơn 16 tỷ USD.

Các khoản đầu tư của Tencent tại Mỹ bao gồm Activision Blizzard, Epic Games, Riot Games, Snap, Warner Music (WMG), Tesla và Uber…

Tin tức cho hay, Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS) thuộc Bộ Tài chính Mỹ, đã mở một cuộc điều tra đối với Tencent và họ đã liên hệ với nhiều công ty, bao gồm Epic Games và Riot Games…

Ông Tim Sweeney, Giám đốc điều hành của Epic Games cũng xác nhận với The New York Times rằng CFIUS đang tiến hành một cuộc điều tra và nói rằng công ty của ông sẽ "tham gia hết mình vào quá trình này". Tuy nhiên, đại diện của Riot Games từ chối đưa ra bình luận về cuộc điều tra này.

Có tin nói rằng, một khi chính phủ Mỹ hủy bỏ các giao dịch trước đây của Tencent, sẽ khiến cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung leo thang đáng kể. Cũng gống như Alibaba, Tencent là gã khổng lồ về công nghệ của Trung Quốc và giá trị vốn hóa của nó chỉ đứng sau Alibaba.

Hãng tin Bloomberg mới đây cũng dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết, CFIUS đã gửi thư cho các công ty như Epic Games, Riot Games…, để tìm hiểu về các thỏa thuận bảo mật của họ liên quan đến việc xử lý thông tin cá nhân của người dùng tại Mỹ.

Chức năng, nhiệm vụ của CFIUS là điều tra việc mua lại hoặc đầu tư của các công ty nước ngoài vào các công ty Mỹ và các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.

Theo quy định của Mỹ, mọi thương vụ liên quan đến việc công ty nước ngoài mua lại các công ty Mỹ đều phải thông báo cho CFIUS. Sau khi xem xét, nếu nhận thấy thương vụ nào có thể đe dọa đến an ninh quốc gia, CFIUS sẽ kiến nghị lên tổng thống nhằm ngăn chặn hoặc hủy bỏ thương vụ mua bán đó.

Do công ty con của Tencent là WeChat đã thu thập một lượng lớn dữ liệu cá nhân nhạy cảm cũng như kiểm duyệt nội dung tin nhắn văn bản của người dùng, điều này khiến CFIUS cảm thấy lo ngại về việc mua lại hoặc đầu tư vào các công ty Mỹ của Tencent. Nhiều công ty do Tencent mua lại hoặc đầu tư vào đều phải xử lý một lượng lớn dữ liệu của người dùng, vì vậy CFIUS bắt đầu mở cuộc điều tra đối với các công ty khác trực thuộc Tencent.

Liên Hợp Quốc và Anh sẽ đồng chủ trì hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào ngày 12/12 – Ngày 23/9, Liên Hợp Quốc và Anh cho biết sẽ cùng chủ trì hội nghị thượng đỉnh về khí hậu diễn ra ngày 12/12, kỷ niệm 5 năm hiệp ước Paris về khí hậu được ký kết.

Bình luận