Tìm cơ hội phá vỡ bế tắc trong quan hệ Nga-Ukraine

(VOH) - So với cuộc gặp nhóm Normandy lần gần đây nhất 3 năm trước ở Berlin, những người tham gia cuộc gặp lần này thể hiện sự lạc quan hơn khi kết thúc hội nghị.

Tối muộn ngày 9/12, hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy tại Paris (Pháp) đã kết thúc với cuộc họp báo của lãnh đạo 4 quốc gia tham dự gồm Nga, Ukraine, Đức và Pháp. Như vậy là sau 3 năm bị gián đoạn, cơ chế đối thoại giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine và quan hệ căng thẳng giữa Nga và láng giềng Ukraine mới được tổ chức trở lại. Dẫu còn nhiều vấn đề tồn tại, những mâu thuẫn không dễ giải quyết, sự tiếp nối này được coi là tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Hy vọng về một lối thoát cho cuộc xung đột vũ trang vốn cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người trong suốt 5 năm qua ở Đông Ukraine đã xuất hiện sau cuộc gặp thượng đỉnh của lãnh đạo 4 nước trong nhóm Bộ Tứ Normandy (gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine) tại Paris (Pháp) ngày 9/12. Những bước đi tiếp theo khá rõ ràng cho vấn đề Đông Ukraine, đặc biệt là cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine, được cho là "kết quả rất tích cực" đạt được tại hội nghị do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì lần này.

Tìm cơ hội phá vỡ bế tắc trong quan hệ Nga-Ukraine

Bộ tứ Normandy tại Paris - Ảnh: Reuters

Những nội dung đáng chú ý được 4 nhà lãnh đạo gồm Tổng thống Pháp Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đức Angela Merkel đạt được là cam kết thực thi đầy đủ lệnh ngừng bắn cho tới cuối năm nay; nhất trí tiến hành trao đổi tù binh theo hình thức "tất cả đổi lấy tất cả", trong đó chính quyền Kiev sẽ trao trả 250 tù binh để đổi lấy 100 tù binh từ Cộng hòa tự xưng Donetsk cũng như Luhansk ở Donbass trước cuối năm; Tiếp tục rút lực lượng vũ trang tại các điểm xung đột cho tới cuối tháng 3/2020, tiến hành phi quân sự hóa thêm 3 điểm nữa, thực thi các bước nhằm thu dọn bom mìn và trong vòng 30 ngày sẽ thiết lập các cửa khẩu mới cho nhân dân qua lại ở khu vực biên giới phục vụ mục đích nhân đạo; nhất trí tiếp tục gặp thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ chậm nhất vào 4 tháng nữa. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh việc thực thi "Công thức Steinmeier” cho Donbass liên quan vấn đề về quy chế đặc biệt cho hai vùng Donetsk và Luhansk, thảo luận về việc tiến hành các cuộc bầu cử địa phương trong khu vực.

Những chuyển động vừa nêu thực sự là thay đổi lớn trong mối quan hệ vốn rất căng thẳng giữa Nga-Ukraine kể từ năm 2014, thời điểm Moskva sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea. Thậm chí, mới chỉ một năm trước, cựu Tổng thống Ukraine lúc đó là Petro Poroshenko còn tuyên bố Kiev "đang bên bờ một cuộc chiến tranh tổng lực" với Nga sau vụ đụng độ trên eo biển Kerch. Tuy nhiên, từ tháng 4/2019, những nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai nước đã được thúc đẩy khi Tổng thống Zelensky lên nắm quyền.

Hưởng ứng những tín hiệu tích cực này, Tổng thống Putin đã tuyên bố Nga sẵn sàng hợp tác và khôi phục quan hệ toàn diện với Ukraine, đồng thời Nga luôn sẵn sàng tiến hành "bất cứ dạng đối thoại nào về vấn đề Ukraine". Chính Tổng thống Pháp Macron thời điểm đó cũng nhận định đã xuất hiện những "yếu tố tích cực mới" sau khi Tổng thống Zelensky lên nắm quyền từ cuối tháng 5/2019.

Những cuộc điện đàm hoặc gặp trực tiếp của ông Zelensky với 3 nhà lãnh đạo Nga, Pháp và Đức kể từ mùa hè vừa qua đã tạo ra những bước tiến quan trọng góp phần dẫn tới hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ Normandy lần này.

Sự cải thiện quan hệ giữa Nga và Ukraine đã xây dựng bầu không khí tích cực cho Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ Tứ Normandy lần này và cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Thủ tướng Đức Merkel đã bày tỏ sự hài lòng về kết quả hội nghị, cho rằng Hội nghị Bộ tứ đã vượt qua được khoảng lặng trong việc giải quyết vấn đề Donbass. Kết quả tích cực của Hội nghị Nhóm Bộ Tứ Normandy cũng khẳng định vai trò quan trọng của châu Âu, với hai đại diện là Pháp và Đức, trong việc giải quyết vấn đề Ukraine.

Tất nhiên không phải tất cả những gì liên quan Đông Ukraine đều đã được giải quyết trong vài giờ đàm phán. Trước khi cuộc gặp 4 bên này diễn ra, người dân Ukraine khẳng định họ sẽ phản đối mạnh mẽ với bất cứ động thái “vượt giới hạn đỏ” nào của Tổng thống Zelenski. “Giới hạn đỏ” trong mắt nhiều cử tri Ukraine chính là việc đảm bảo toàn vẹn chủ quyền của Ukraine ở khu vực phía Đông. Dù phía Nga đã khẳng định cuộc gặp của lãnh đạo hai nước là nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho khu vực miền Đông Ukraine, nhưng trong suy nghĩ của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine, Tổng thống Nga Putin không chỉ sử dụng tầm ảnh hưởng với lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine làm đòn bẩy để thiết lập sự kiểm soát ở khu vực này, mà xa hơn nữa là sự kiểm soát đối với toàn bộ quốc gia láng giềng. Chính vì thế, nhiều chính trị gia của Ukraine, trong đó có Ngoại trưởng Ukraine Prystaiko  đã kêu gọi bất kỳ bước đi nào tiếp theo sau cuộc gặp với nhóm Bộ Tứ đều phải thể hiện rõ lập trường mong muốn Ukraine “thoát” khỏi ảnh hưởng của Nga.

Giới phân tích nhận định, cho dù vẫn còn có những vấn đề chưa được nhất trí, song điều quan trọng là niềm tin đã được thiết lập. Nga-Ukraine sau một thời gian dài căng thẳng, giờ đây đã có thể đối thoại. So với cuộc gặp nhóm Normandy lần gần đây nhất 3 năm trước ở Berlin, những người tham gia cuộc gặp lần này thể hiện sự lạc quan hơn khi kết thúc hội nghị.

Có thể nói, nhân tố mới Tổng thống Ukraine Zelensky và sự hưởng ứng tích cực của Nga, những nỗ lực của Đức và Pháp là những yếu tố quyết định giúp hồi sinh tiến trình hòa bình ở Đông Ukraine. Với người dân vùng Donbass cơ hội hòa bình đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Bình luận