Tranh chấp chung cư - Cần “thuốc đặc trị” đủ mạnh

(VOH) - Thời gian qua, tranh chấp tại các chung cư ở  nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là TPHCM và Hà Nội đang có dấu hiệu gia tăng.

Đáng chú ý, trong nhiều trường hợp, lỗi không thuộc về người dân nhưng họ lại phải sống trong bức xúc và lo lắng do sai phạm từ phía chủ đầu tư, hay Ban quản lý, quản trị chung cư. 

Nghe bài viết

Bên bức xúc, bên chây ì, trong khi cơ quan quản lý Nhà nước loay hoay... khiến mâu thuẫn ngày càng gay gắt, kéo dài. Hậu quả là cuộc sống người dân khổ sở đủ bề, cần những giải pháp thật sự quyết liệt, chế tài nghiêm để siết chặt quản lý, hạn chế tranh chấp. 

Tranh chấp chung cư

Cư dân phản đối chủ đầu tư tranh chấp chung cư. Ảnh minh họa: TT 

Theo thống kê, trên địa bàn TPHCM có gần 1.000 chung cư cao tầng, trong đó hơn 100 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện. Nghĩa là cứ 10 chung cư lại có 1 nơi xảy ra tranh chấp, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân. Hàng chục vụ mâu thuẫn chẳng những không được giải quyết mà ngày càng gay gắt, kéo dài. Có thể kể tên như tại Chung cư Khang Gia quận Tân Phú do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia là chủ đầu tư; Chung cư 584, quận Tân Phú do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 làm chủ đầu tư; Chung cư Bảy Hiền, quận Tân Bình Công ty TNHH Long Hưng Phát làm chủ đầu tư, hay chung cư First Home Thạnh Lộc (quận 12), Riva Park (quận 4)… 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các khiếu kiện, tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, đặc biệt là sự thiếu rõ ràng trong quy định pháp lý về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Những vấn đề tranh chấp chủ yếu là việc Thành lập Ban Quản trị chung cư, bàn giao và quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì chung cư, chất lượng xây dựng chung cư, tranh chấp phần sở hữu chung - sở hữu riêng, chỗ để xe, hay chậm bàn giao, chậm làm sổ đỏ cho người mua căn hộ... 

Không riêng TPHCM, tại Hà Nội, tình trạng cũng xảy ra tương tự. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, có hơn 100 tòa chung cư trên địa bàn thành phố đang xảy ra tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư. Đáng nói hơn, mới đây, tranh chấp giữa cư dân khu chung cư Hapulico, quận Thanh Xuân, Hà Nội với chủ đầu tư đã bị đẩy lên cao trào khi Ban quản lý tòa nhà phát loa cảnh báo: Không loại trừ sự việc trên có sự tham gia của tổ chức phản động, có âm mưu phá hoại, lợi dụng cư dân để kích động gây rối. Thông báo trên không chỉ khiến cư dân bức xúc dữ dội hơn vì bị xúc phạm mà nó còn cho thấy sự coi thường pháp luật. 

Việc quy chụp, xung đột như thế chỉ là một vài trong muôn vàn hệ lụy do vấn đề tăng trưởng “nóng” nhà chung cư ở các thành phố lớn đã và đang để lại. Thậm chí tranh chấp còn dẫn đến xung đột, đổ máu. Nhưng dù như thế nào, thì người dân vẫn phải gánh chịu hậu quả. Khi xảy ra tranh chấp, chủ đầu tư lại chiếm lợi thế của bên “nắm đằng cán”, trong khi người mua nhà tuy là số đông nhưng lại yếu thế hơn. Quy định pháp luật, chế tài không đủ sức răn đe thì chủ đầu tư vẫn cố tình vi phạm để chiếm lợi. Đơn cử, với việc sai lệch 1-10 m diện tích căn hộ chủ đầu tư lãi cả hàng trăm triệu đồng, nếu phạt chỉ vài chục triệu rõ ràng chủ đầu tư sẵn sàng đánh đổi, sẵn sàng vi phạm như thách thức. Hay như “phí bảo trì” - được xem là "miếng bánh ngon" cho chủ đầu tư hoặc ban quản trị xâu xé. Quỹ bảo trì thường có giá trị hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ, trong khi các chế tài chưa nghiêm, nên việc chủ đầu tư chiếm đoạt cũng dễ hiểu. Người dân bị dồn vào thế đã rồi, nhưng hành trình đi đòi quyền lợi vô cùng gian nan. Có chung cư đi vào hoạt động gần chục năm mà cư dân vẫn không thể đòi được tiền. Nhà cửa xuống cấp, nhếch nhác, hư hỏng cũng không có tiền để duy tu, sửa chữa. Đó là chưa kể sự an toàn bị "treo lơ lửng", khi việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy chung cư bị ngó lơ. 

 Có lẽ bất kỳ cư dân nào cũng mong muốn xây dựng một cộng đồng văn minh, thân thiện. Nhà cửa khang trang, an toàn về cháy nổ và an ninh trật tự. Bất đắc dĩ, họ phải bỏ công, bỏ việc để khiếu kiện đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình… Khi chưa tìm được tiếng nói chung, cư dân còn bị xúc phạm khi bị quy chụp với các thế lực phản động. Khi phát ngôn kiểu quy chụp như thế mà không đủ bằng chứng, không phải kết luận từ cơ quan Công an thì rõ ràng là sự vu khống, tạo ra tiền lệ nguy hiểm, hậu quả khó lường. Từ một tranh chấp dân sự đã bị đẩy lên thành vấn đề chính trị, sự việc này sẽ không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm, cần xử lý nghiêm. 

Với diễn biến như hiện nay, nhiều chuyên gia địa ốc dự báo tình hình tranh chấp tại các chung cư tiếp tục diễn biến ngày càng gay gắt, phức tạp. Rõ ràng, dù được kiến nghị nhiều lần, tranh chấp dai dẳng, nhưng vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện tốt. Các hành vi vi phạm trong quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Chính vì thế, đã đến lúc cần những liều “thuốc đặc trị” đủ mạnh cho “căn bệnh kinh niên” này. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải sớm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng nhà chung cư một cách chi tiết, phù hợp thực tiễn. Cơ quan công an khẩn trương vào cuộc điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư. Khi “thuốc đặc trị” đủ mạnh, tin rằng sẽ không còn những bức xúc triền miên ở các chung cư trên cả nước.