Từ một khoảng cách xa xôi, bỗng chốc cánh cửa vào EU của Ukraine hé mở khi quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng căng thẳng. Tuy nhiên, chặng đường để Ukraine trở thành thành viên chính thức EU có trải toàn hoa hồng?
Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố ủng hộ việc trao cho Ukraine tư cách ứng viên EU. Trước đó vài ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italia Mario Draghi đã cùng nhau gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc Ukraine gia nhập EU.
Từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2, EU đã thể hiện một lập trường rõ ràng: ủng hộ toàn diện Ukraine. Sự ủng hộ này đã được thể hiện trong gần 4 tháng qua cả về mặt chính trị lẫn quân sự, tài chính, với các cấp độ chưa từng có trong chính sách đối ngoại và an ninh của EU, trong đó có việc chi hàng tỷ euro mua vũ khí viện trợ cho Ukraine. Do đó, việc các nước EU đồng thuận tuyệt đối về việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập EU chỉ là một bước đi tiếp theo trong sự ủng hộ chính trị mà EU giành cho Ukraine. Ở một góc độ nào đó, chiến tranh đang trở thành cái cớ xác đáng để EU đẩy nhanh thủ tục kết nạp Ukraine. Nhưng, với điều kiện là Ukraine cần phải trở lại bàn đàm phán với Nga nhằm tìm kiếm một giải pháp cân bằng lợi ích để sớm chấm dứt giao tranh. Ngoài ra, Kiev cần phải đáp ứng Bộ tiêu chí Copenhagen trong đó gồm một danh sách yêu cầu liên quan đến cải cách kinh tế, tư pháp, giải quyết tham nhũng cùng nhiều vấn đề khác nếu muốn chính thức gia nhập EU.
Tất nhiên, sự đồng thuận này không phải xuất hiện ngay lập tức. Cách đây hơn 1 tháng, Tổng thống Volodymyr Zelensky gây sức ép với lãnh đạo các nước EU và Uỷ ban châu Âu về việc cần kết nạp Ukraine làm thành viên EU theo quy trình rút gọn ngay lập tức, phản ứng của một số nước EU là rất miễn cưỡng. Hà Lan, Đức… không muốn EU mở rộng thành viên một cách thiếu thận trọng, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đáp lại yêu cầu từ phía Ukraine bằng việc đưa ra đề xuất thành lập “Cộng đồng chính trị châu Âu”, một dạng như “phòng chờ”, cho phép thu nạp các nước muốn gia nhập EU nhưng chưa đủ điều kiện, giống như Ukraine, Moldova hay một số quốc gia ở Tây Balkan. Sự dè dặt và thận trọng ban đầu từ phía EU là rất dễ hiểu bởi Ukraine không chỉ là một quốc gia đang diễn ra chiến sự mà còn vì trước đó, Ukraine cũng còn thiếu rất nhiều điều kiện để có thể đáp ứng yêu cầu gia nhập EU.
Thuận lợi là vậy nhưng Ukraine cũng sẽ đối mặt rất nhiều thách thức. Theo thông lệ EU, việc công nhận Ukraine là quốc gia ứng cử viên không đồng nghĩa rằng, nước này chắc chắn trở thành thành viên của khối. Dù EU đã lên tiếng ủng hộ việc cấp tư cách ứng viên cho Ukraine, nhưng lại đang đặt ra các điều kiện bắt buộc rằng, các cuộc đàm phán gia nhập EU của Ukraine không thể bắt đầu cho đến khi Ukraine hết chiến sự, đồng thời Ki-ép phải đạt được những bước tiến lớn hơn trong việc chống tham nhũng, củng cố pháp quyền và cải tổ mạnh mẽ các thể chế dân chủ.
Thực tế cho thấy, Ukraine còn cách quá xa các tiêu chuẩn do EU đặt ra. Trong cuộc “thảo luận định hướng” về việc Ukraine gia nhập EU tổ chức hôm 13/6, Uỷ viên phụ trách việc mở rộng EU, ông Olivier Varhelyi thậm chí còn nhận định rằng trong số 3 nước muốn gia nhập EU là Ukraine, Moldova và Gruzia thì Ukraine còn xếp hạng kém nhất về các chỉ số. Báo chí phương Tây đã từng phải thừa nhận rằng Ukraine còn quá nhiều khiếm khuyết nếu xét theo các tiêu chuẩn EU. Vì thế, nếu Ukraine chấp nhận cải cách như EU yêu cầu, tiến trình đó có thể kéo dài hàng chục năm hoặc vài thập kỷ, mà ưu tiên đầu tiên đó là cuộc chiến hiện nay phải chấm dứt
Vì vậy, theo các nhà phân tích, việc trao tư cách ứng viên EU cho Ukraine diễn ra thì đây cũng là một động thái mang tính biểu tượng nhiều hơn. Như Chủ tịch Uỷ ban châu Âu đã nói để chính thức gia nhập EU, Ukraine cần phải thực hiện một số cải cách quan trọng hơn nữa. Đây thực sự là những rào cản không dễ dàng vượt qua. Nhiều quốc gia kể từ khi nhận được tư cách ứng viên đến khi chính thức gia nhập EU đã mất hàng năm thậm chí cả thập kỷ. Do đó, nếu EU có trao tư cách ứng viên cho Ukraine thì cũng chỉ là động thái khẳng định khối này không nhượng bộ trước Nga còn việc Ukraine có thực sự vào được EU hay không thì cứ để thời gian trả lời.
Trong một động thái khiến dư luận ngạc nhiên, Nga không phản đối việc Ukraine gia nhập EU, không tạo ra các đe doạ an ninh nghiêm trọng đối với nước Nga. Bởi động thái này không đe dọa các lợi ích của Nga và ảnh hưởng gì đến an ninh của Nga.
Nga cũng biết Ukraine còn lâu mới có thể gia nhập EU. Một ví dụ điển hình là Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO và là đồng minh quan trọng của phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ đã đệ đơn xin gia nhập EU từ cách đây 35 năm (1987), được EU trao tư cách ứng cử viên cách đây 23 năm (1999), đã chính thức tiến hành các đàm phán gia nhập EU từ 17 năm trước (2005) nhưng cho đến nay vẫn không biết khi nào mới có thể được chấp nhận vào gia đình Liên minh châu Âu. Do đó, việc EU trao quy chế ứng cử viên gia nhập EU cho Ukraine thực chất sẽ chỉ là một hành động biểu tượng.